Xuôi dòng Đa Quýt mùa xuân

Đời sống - Ngày đăng : 13:00, 08/02/2019

Chiều biên giới cuối năm, không gian như quánh đặc hơn bởi mùi thơm man mác của hoa điều. Hoa điều nở báo hiệu Tết sắp đến. Màu xanh cây rừng như cũng thẫm lại bởi những cơn mưa cuối mùa đã trở nên thưa thớt.

Con đường từ trung tâm xã Bù Gia Mập lên đến đồn biên phòng dù đã được lát bê tông nhưng vẫn là một cung đường khó. Đường quanh co, tầm nhìn hạn chế do hai bên đường là rừng cây, vùng lõi rừng quốc gia Bù Gia Mập…

Băng rừng vượt sông tuần tra biên giới

Đồn biên phòng Bù Gia Mập có một địa thế thật đẹp, nằm gọn trên lưng chừng đồi, phía sau là những ngọn núi bao bọc, gió len lỏi trong các tàn cây, đong đưa như hát. Đón chúng tôi là trung tá Đồn trưởng Nguyễn Thành Niên, anh vừa về đồn sau chặng tuần tra cả ngày dọc biên giới để kiểm tra các cột mốc, người còn ướp đẫm mồ hôi, trên quần áo vẫn còn vương đầy gai cỏ.

 Đoạn biên giới thuộc địa phận Đồn biên phòng Bù Gia Mập, kéo lên đến Đắc Ka, Đắc Bô và xuống tới Đắc Ơ chính là con sông Đa Quýt, bờ bên này là đất Việt Nam, bờ bên kia là đất Campuchia, lấy điểm giữa sông là ranh giới. Do đặc thù đó nên các cột mốc biên giới nằm sát bờ sông, muốn tuần tra phải băng rừng xuống bờ sông, đóng bè thả trôi theo dòng nước, đến cuối đoạn tuần tra lại lên bờ băng rừng ra đường lớn, một vòng tuần tra là hết một ngày. Những hôm cần kiểm tra cột mốc, bộ đội phải mang theo lương khô, tăng bạt ngủ lại trong rừng. Mùa mưa nước lớn, nghe tiếng nước réo trên thượng nguồn là phải bỏ bè tấp vào bờ để tránh lũ, muỗi vắt đốt tịt cả người cũng trở thành đặc sản.

Sau một lượt kiểm tra sơ bộ về thể lực, Đồn trưởng Nguyễn Thành Niên cũng đồng ý cho cánh nhà báo tháp tùng bộ đội một chuyến tuần tra xuôi dòng Đa Quýt. Đúng 5 giờ sáng toàn đội thức dậy, nai nịt trang phục gọn gàng, ăn sáng xong là lên đường. Ngồi phía sau thùng xe cùng mấy cậu lính trẻ, Gà rừng, biệt danh của một cậu lính người dân tộc Stieng cứ liên tục chọc ghẹo bạn rồi cười vang ròn rã. Anh chàng này đã có vợ con, là một đảng viên trẻ của bản làng ngay vùng đất Bình Phước này thôi, xung phong đi bộ đội như một minh chứng cho lòng quả cảm của người đảng viên. Biệt danh cậu có được cũng bởi cậu sinh ra đã là người con của núi rừng biên giới.

Đến cửa đường mòn là đúng 6g sáng, trời còn tờ mờ, hơi sương còn thẫm đẫm trên từng tán lá. Đồn phó, đại úy Nguyễn Hữu Sỹ cho tập hợp cả đội trước bìa rừng, hái lá ngụy trang, sắp xếp quân trang quân dụng, theo hàng dọc hành quân băng rừng. Con đường mòn nối từ đường cái ra đến bờ sông có chiều dài theo đường chim bay chỉ tầm 2km, chỉ vừa một người đi. Hai bên đường cây lồ ô đan vào nhau thành mái vòm, có chỗ rậm rạp phải cúi xuống mới luồn qua. Thỉnh thoảng một gốc cây cổ thụ đổ vật ra đường tạo thành một gầm cầu, với những nhà báo gần như đi tay không cũng đã vướng víu mà bộ đội dù mang trên lưng cả ba lô và dao rựa mà đi vẫn gọn bưng.

Cả quãng đường gần như là dốc, có những đoạn dốc đứng, cảm giác chân đi xuống tới đâu thì lưng cũng tựa ngay vào sườn dốc mình vừa đi qua. Dù đã rất cẩn thận thì cũng có đến hai lần tôi cho mông mình tiếp đất. Mấy cậu lính trẻ vừa đỡ tôi vừa trêu chọc: “Lần sau cô lên đây mùa mưa nhé, đi rừng về là đầy rổ ếch cô ạ. Mùa mưa nếu không vướng cành cây thì thả mình xuống cái là có thể trượt đi như trượt tuyết vì trơn”.

“Sắp xuống đến sông rồi”, tiếng của Cao Hoài Sơn, thiếu tá, người có thâm niên gắn bó với đồn Bù Gia Mập gần như lâu nhất vọng lên. Trước mặt tôi vẫn còn tối sầm sầm, nắng chưa rọi qua nổi tán lá, chẳng có dấu hiệu nào của dòng sông. “Chị cố gắng tịnh tâm lắng nghe đi, chị sẽ nghe thấy tiếng sóng vọng từ lòng sông. Chúng tôi đi quen, nghe tiếng sóng từ xa là biết hôm nay sông hiền hay dữ”. Dòng sông chợt hiện ra trước mắt chúng tôi, đẹp như vừa bước ra từ bức tranh sơn thủy. Toàn đội nhanh chóng hạ quân trang, cũng rất nhanh người nào việc nấy. Một nhóm đi chặt lồ ô làm bè, một nhóm lo chặt sào, cắt dây. Chưa đầy 30 phút, mấy chục cây lồ ô được tập kết để kết bè. Sơn phụ trách một nhóm, Sỹ phụ trách một nhóm kết hai cái bè chuẩn bị xuôi dòng Đa Quýt.

Sông Đa Quýt nhìn rất hiền hòa nhưng lại ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Mùa khô nước cạn và hiền hòa nhưng do lòng sông nhiều đá lại có những búng ngầm nước xoáy nên chỉ có thể đi bè, để có thể đi xuồng máy đòi hỏi người lái phải hiểu rất rõ luồng lạch dòng sông này. “Chị cứ tưởng tượng, có những đoạn sông như thác, như đoạn Ba Hòn chỗ giáp ranh Đắc Ca, bè đang trôi hụt xuống cả mét, người theo đó hụt theo, dù quán tính cả bè và người sẽ nổi ngay sau đó nhưng cũng đủ cho người trên bè ướt hết. Bè bằng lồ ô nhỏ gọn cơ động, khi nào đi tuần thì đóng bè, xài xong neo ngay bờ sông, bà con dân tộc đi rừng cần thì lấy, chứ xuồng máy nếu có được cấp cũng khó mà bảo quản khi mà từ cửa rừng đến sông xa quá, mang lên bờ không đặng, để dưới sông cũng không xong”, Đồn phó Sỹ chia sẻ với tôi.

Xuôi dòng Đa Quýt mùa xuân

Chẳng mấy chốc, 2 cái bè đã được kết xong, mỗi bè 15 cây lồ ô, được kết hoàn toàn thủ công với hai đoạn dùng nẹp kết, phía đầu được túm lại thành mũi nhọn, dài tầm hơn chục mét, mộc mạc mà đẹp đến không ngờ. Mỗi bè có 1 người lái mũi, một người chống đẩy phía sau, một người ngồi giữa phối hợp quan sát hỗ trợ hai đầu. Thú thật, tôi không thể diễn tả được hết cảm xúc của mình khi lần đầu được bước chân lên chiếc bè dã chiến này, cùng tham dự một đoạn đường trên cung đường tuần tra của các chiến sĩ biên phòng Đồn biên phòng Bù Gia Mập. Một cảm giác xúc động dâng trào.

Chỉ một chút thôi, băng qua dòng nước, phía bên kia là đất bạn. Nước sông trong vắt, mát lạnh, nhìn thấy rõ từng đàn cá nhỏ đủng đỉnh bơi. Hòa bình, hai bên bờ sông bình yên đến lạ, cây cối tốt tươi, người dân hai bên gặp nhau trên sông tay bắt mặt mừng, khi sẵn còn dúi vào tay nhau búp măng mới bẻ, nắm rau rừng mới hái hay bó đọt mây mới tước. Bộ đội hai bên gặp nhau, khi tiếng Việt, lúc tiếng Khơ me, cùng trao đổi những thông tin cần thiết để cùng nhau giữ vững sự bình yên cho vùng đất biên giới còn nhiều thiếu thốn khắc nghiệt những cũng đậm chất thơ này.

Chia ngọt sẻ bùi gắn kết quân dân

Tạm biệt Bù Gia Mập, xuôi hết con đường tuần tra biên giới chúng tôi đến Đồn biên phòng Đắc Ơ, trạm cuối của tuyến biên giới dọc sông Đa Quýt, thuộc địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Đồn Đắc Ơ chịu trách nhiệm bảo vệ đoạn biên giới tiếp giáp từ đồn Bù Gia Mập, cũng có đặc thù không khác gì Bù Gia Mập. Vùng đất nơi đây còn nhiều khó khăn thiếu thốn, dân cư mới được di dời từ các làng xã khác chuyển đến sinh sống ở đây mới vài năm trở lại đây. Hơn 100 hộ dân thôn 10 thuộc địa bàn đồn Đắc Ơ đóng quân đa phần là hộ nghèo, được nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở tập trung và cấp đất tăng gia nhưng tình hình kinh tế cũng chưa được cải thiện là bao do thời tiết khắc nghiệt của vùng đất này.

Mùa khô ở đây nước thiếu trầm trọng, nước được cấp đến cho các hộ dân từ xe bồn, bà con phải trữ nước trong can để dùng cho sinh hoạt nên nguồn nước dùng để tưới tiêu cho cây trồng gần như không có, ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng cây trồng. Bộ đội biên phòng ở đây vừa có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới cũng lại vừa phải kết hợp dân vận chăm lo cho đời sống của bà con. Bộ đội cũng là những người đi đầu trong việc tìm hiểu các loại giống cây trồng vật nuôi sao cho phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất này, thực hành tăng gia sản xuất trước rồi sau đó hướng dẫn lại cho bà con, cùng nhau cải thiện cuộc sống.

Dẫn tôi đi thăm khu tăng gia sản xuất của đơn vị, Đại úy Nguyễn Trọng Vương, chính trị viên phó đồn Đắc Ơ không giấu được niềm hãnh diện khi chia sẻ với tôi: “Với bộ đội thì việc tăng gia sản xuất cũng là nhiệm vụ, nhưng với đồn chúng tôi ở đây, việc có thể vượt qua cái nắng hạn của mùa khô để đảm bảo luôn có rau xanh do đơn vị trồng cho bữa cơm hàng ngày của bộ đội cũng có thể coi đó là một thành tích. Mùa khô thiếu nước, bộ đội vừa phải tìm tòi những cây chịu hạn, vừa phải tìm hiểu học hỏi cách canh tác trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để có thể tăng gia sản xuất tốt. Đến giờ này toàn đơn vị có thể chủ động nguồn rau xanh hàng ngày cho bộ đội”.

Quả thật nếu không được giới thiệu trước, tôi sẽ nghĩ cả khu nườn này phải là của một đơn vị chuyên sản xuất nông nghiệp. Vườn rau được làm rất chỉn chu khoa học, hàng luống thẳng tắp, đủ loại rau xanh mơn mởn. Một vườn thuốc nam với đủ loại cây thuốc cơ bản đủ để những lúc trái gió trở trời có một nồi lá xông nóng hổi hay lỡ đi rừng có bị trật chân cũng có ngay cây thuốc bó giảm đau. Vườn chè xanh ngăn ngắt bên cạnh vườn thuốc nam đủ để níu chân bất cứ ai lạc vào khu vườn này. Đấy là chưa kể vườn cây ăn trái của đơn vị cũng tốt tươi không kém với nào na, nào vú sữa, nào xoài…

 “Mít ở đây nhiều quá, bộ đội ăn hoài không hết. Mỗi lần có bà con nào đi qua chúng tôi lại gọi vào biếu mang về. Thỉnh thoảng mít chín rụng ban đêm, sáng ra đã thấy bò và lợn chia nhau ăn mất. Chúng tôi cứ đùa nhau, chắc tại lợn và bò ăn mít nhiều nên chóng lớn lại sinh sản tốt. Chúng tôi có đàn bò chín con mà mới tặng cho dân một con để tăng gia thêm, đang đợi bò mẹ sinh thêm nuôi cho cứng cáp lại tặng dân chị ạ, mỗi năm nếu chăm tốt cũng được một vài con cho dân làm vốn. Mình có thương dân, gắn bó với dân thì họ mới vững lòng phấn đấu xây dựng cuộc sống mới ở nơi đâu. Có dân là có tất cả”, Đại úy Nguyễn Trọng Vương kể.

Chia tay các chiến sĩ biên phòng sau hai ngày cùng họ rong ruổi dọc đường tuần tra biên giới mà tôi cứ nấn níu mãi không muốn rời xa. Vùng đất này sao mà thân thương đến lạ. Những con người họ, dù là cán bộ gắn bó lâu năm hay những chàng lính trẻ, đều có chung một nét đẹp hồn hậu như nhau, đều vững vàng một tình yêu với Tổ quốc thương yêu. Mùi mít chín, vị chè xanh, tiếng vọng của dòng sông Đa Quýt theo mãi bước chân tôi.

Đan Hà