Tết Việt trên đất Lào
Đời sống - Ngày đăng : 14:00, 07/02/2019
Thế nhưng, niềm ước mong ấy từ hàng chục năm qua vẫn chưa thành hiện thực đối với một số bà con Việt kiều trên đất Lào. Nỗi nhớ cố hương vẫn luôn cồn cào, da diết trong tâm khảm của những người con xa xứ mỗi độ Tết đến, Xuân sang.
Những cái Tết nơi đất khách
Chúng tôi đến thăm bà con Việt kiều tại thị xã Phôn Xa Vẳn trên đất Xieng Khuoang (Xiêng Khoảng - Lào) vào một ngày giáp Tết. Nghe tin chúng tôi đến thăm, cộng đồng người Việt tại đây phấn khởi lắm. Những lời hỏi thăm ân tình, những cái bắt tay nắm chặt... như xua tan những cơn gió lạnh thổi thông thốc giữa mùa khô ở Lào.
Gặp và chuyện trò cùng chúng tôi về đất nước và con người Việt Nam trong thời khắc những ngày gần Tết, ông Phạm Ngọc Hùng 65 tuổi, quê ở Quảng Trị không dấu được xúc động: “Từ năm 1980 đến nay, tôi chưa được về quê Việt Nam đón Tết. Dù người Việt ở Lào cũng tổ chức đón Tết cổ truyền nhưng không khí, cảm giác vẫn thấy trống vắng như thiếu một điều gì đó”. Trong khi vợ hối hả mua nếp, thịt, lá dong ở chợ về chuẩn bị gói bánh; mấy đứa con quét dọn nhà cửa thì một mình ông Hùng vội vã lên rừng chọn đào về chơi Tết. Căn nhà nhỏ thường ngày chỉ có ông bà nay có thêm con cháu về đón tết dường như rộn rã hơn, đầm ấm hơn. Nhưng, từ lâu tết Việt đã trở thành một phần ký ức chôn chặt trong lòng gia đình ông. “Ở đây chúng tôi không thiếu thứ gì, chỉ thiếu quê hương Việt Nam thôi. Nhìn cành đào, mùi hương trầm, cặp bánh chưng... mấy ngày tết khiến lòng dạ mình thấy nao nao”, bà Ngô Thị Hoa, vợ ông Hùng ngậm ngùi.
Ông Thái Văn Anh - ngoài cùng bên trái - Phó BQL người Việt tại Xiêng Khoảng cùng cộng đồng người việt gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết cổ truyền
Nhà ông Hùng ba đời sinh sống ở Lào. Thế nên, ở quê nhà Việt Nam chỉ còn họ hàng, tổ tiên. Thời còn sinh viên Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, nhiều năm ông Hùng được ở lại Việt Nam đón Tết cổ truyền. Ra trường, cuộc sống mưu sinh nơi đất khách khiến ông không có cơ hội về Việt Nam đón Tết.
Cách nhà ông Hùng một quãng không xa là gia đình ông Hà Văn Cảnh, 67 tuổi cũng đang hối hả chuẩn bị Tết. Ông Cảnh có quê cha ở Hà Nội còn quê mẹ ở Diễn Châu (Nghệ An) nhưng ông Cảnh sinh ra và lớn lên ở Lào. Từ đời cha của ông Cảnh đã sang đây sinh cơ lập nghiệp. Cha mất, ông Cảnh nối nghiệp ở lại Lào buôn bán. Tính đến nay đã 34 năm, ông vẫn chưa có điều kiện về lại Việt Nam. Dù vậy, mỗi khi đến Tết cổ truyền, gia đình ông Cảnh cũng tổ chức gói bánh chưng, quét dọn nhà cửa... đón Tết.
Ông Cảnh chia sẻ: “Lào là quê hương thứ hai nhưng với tôi, quê hương Việt Nam thiêng liêng hơn, đặc biệt hơn! Có lẽ đó là nơi “chôn nhau cắt rốn” của cha ông, của tổ tiên dòng họ mình. Tuổi trẻ có nhiều đam mê để dễ quên nhưng tuổi già như chúng tôi thì nỗi nhớ quê da diết, cồn cào lắm. Đêm 30, sáng mồng 1 Tết, thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên mà thấy chạnh lòng nỗi nhớ quê. Nhớ hồi còn bé, mỗi lần theo bố mẹ về Việt Nam đón Tết, tôi có cảm giác xốn xang rất lạ”.
Ông Thái Văn Anh, Phó Ban quản lý người Việt tại tỉnh Xiêng Khoảng cho biết, mỗi dịp đến Tết cổ truyền, cộng đồng người Việt cũng tổ chức đón tết như ở quê nhà. Nắm bắt nhu cầu của bà con Việt kiều, tiểu thương người Lào và cả người Việt đã đưa rất nhiều hàng hoá phục vụ tết như lá dong, nếp, hành, đào, câu đối... bày bán khắp các phố và chợ ở thị xã Phôn Xa Vẳn. Ngày đầu năm, mọi người cũng tập trung đi chúc tết các gia đình ở lại, tổ chức gặp mặt đầu xuân.
Nỗi nhớ quê hương da diết
Hàng năm, vào đầu tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), Ban quản lý cộng đồng người Việt tại Xiêng Khoảng đều tổ chức cho bà con Việt kiều đón tết cổ truyền. Đó không chỉ là dịp để cộng đồng người Việt kiều nhìn lại một năm làm ăn trên đất bạn mà quan trọng hơn là để mỗi người có những khoảnh khắc, những phút giây ôn lại kỷ niệm gắn với những lần theo người thân về Việt Nam đón tết.
Là một người Lào lấy chồng Việt Nam, chị Xỉ pin ma hả xay - vợ anh Thái Văn Anh hồ hởi, háo hức mỗi khi được theo chồng về Việt Nam đón Tết: “Tôi đã hai lần về Việt Nam đón tết và đó là hai kỷ niệm khó quên. Tôi cũng được nhận lì xì, thức đón giao thừa bên nồi bánh chưng, đi chúc tết mọi người”.
Ông Phạm Ngọc Hùng - ngoài cùng bên trái - tâm sự nỗi niềm hơn 30 năm chưa về Việt Nam đón tết cổ truyền
Được biết, cộng đồng người Việt sinh sống, làm ăn từ rất lâu ở Lào, vì thế văn hoá Lào đã có những tác động nhất định đến cuộc sống thường ngày của họ. Thế nhưng tìm hiểu kỹ, chúng tôi nhận thấy trong căn nhà của những người Việt kiều vẫn bài trí theo cách của người Việt. Một số gia đình như nhà ông Cảnh, ông Anh... còn treo lịch Việt Nam, treo ảnh bác Hồ... như là cách để thoả nỗi nhớ quê nhà.
Đặc biệt, trong phong tục, tập quán, cộng đồng người Việt tại đây đều hướng dẫn con cháu, người thân duy trì theo phong tục nghìn đời của cha ông ở Việt Nam. đó là thắp hương mỗi ngày giỗ của người thân (người Lào không có phong tục này), gói bánh chưng ngày Tết, mua câu đối về treo và quan trọng hơn, họ vẫn duy trì ăn mặc theo cách của người Việt Nam. Ông Phạm Ngọc Hùng nói: “Xa quê nhưng không thể để mất gốc, nên tôi thường xuyên bày dạy con cháu những phong tục, nét văn hoá cổ truyền của người Việt để lớp trẻ không bị lãng quên”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều gia đình trong cộng đồng người Việt kiều đã tổ chức cho con, cháu học và đọc chữ tiếng Việt bên cạnh chữ Lào.
Cả những dãy phố dài ở thị xã Phôn Xa Vẳn tỉnh Xiêng Khoảng có rất nhiều bảng hiệu đầy đủ hai thứ tiếng Việt - Lào. Theo khảo sát sơ bộ, tại Ban quản lý người Việt ở tỉnh Xiêng Khoảng có khoảng gần 50 hộ là Việt kiều, 200 hộ thành viên đại diện cho khoảng 4.000-5.000 người Việt làm ăn tại Lào. Ngành nghề kinh doanh của cộng đồng người Việt ở đây là buôn bán nhỏ, mộc, xây dựng và nhà hàng.
Ông Thái Văn Anh, Phó Ban quản lý người Việt tại Xiêng Khoảng tâm tư: “Vì mưu sinh, họ chấp nhận tha hương nhưng niềm đau đáu với quê nhà Việt Nam chưa bao giờ nguôi. Chung quê, nên người Việt ở Lào sống đoàn kết, tương trợ và hoà thuận. Mỗi khi có thiên tai, bão lũ hoặc những ngày như ngày vì người nghèo, ngày thương binh liệt sỹ... cộng đồng người Việt tại Xiêng Khoảng đã cùng nhau quyên góp ủng hộ tiền gửi thông qua Tổng hội người Việt hoặc đại sứ quán để chuyển về Việt Nam”.
Rời thị xã Phôn Xa Vẳn trong một ngày cuối năm rét đậm. Trên những sườn đồi đã thắm cánh đào, trắng xoá bông lau, những cành cây xù xì đã nhú mầm xanh biếc... Báo hiệu một mùa Xuân mới đã về, một cái tết nữa lại sắp sửa đến khiến chúng tôi cảm thấy nao nao.