Tết ấm no, xuân hy vọng

Đời sống - Ngày đăng : 10:00, 07/02/2019

Cách đây mấy chục năm, người Vân Kiều sống biệt lập trong các cánh rừng hoang rậm dưới chân dãy Trường Sơn, đu bám vào thiên nhiên, săn bắt hái lượm chả khác gì thời nguyên thủy.

Sau nghe theo lời vận động của chính quyền, họ đã từ bỏ cuộc sống ăn hang ở lỗ, bỏ lại lời thề thiêng nơi hốc đá để hạ sơn. Vượt qua định mệnh đeo đẳng ngàn đời, họ đã và đang nỗ lực hết mình trên hành trình “cõng” ước mơ vượt núi.

Giờ những con người vốn chỉ quen sống trong hang đá, lang thang từ cánh rừng này sang ngọn núi khác ấy đã biết thành lập, xây dựng Chi bộ Đảng, biết trồng lúa nước, cây ăn quả, cây hoa màu kết hợp phát triển chăn nuôi. Cơm đủ ăn, áo đủ mặc, trẻ em được đến trường, đối với đồng bào Vân Kiều tết này vì thế cũng vui hơn.

Những sơn dân nơi rừng thẳm

Trường Sơn là một trong những xã biên giới xa xôi, khuất nẻo bậc nhất của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Toàn xã có 20 thôn bản bám chặt lấy dãy núi sát biên giới Việt – Lào thì có đến 15 bản là nơi sinh sống của người Vân Kiều. Chính vì phân bổ trên một diện tích vô cùng rộng lớn nên nhiều làng bản của đồng bào hóa thành xa xôi, giao thông đi lại cách trở như Sắt, PLoang, Rìn Rìn, Hôi Rấy, Nước Đắng… Và xa xôi, khuất nẻo nhất chính là Dốc Mây.

Tết ấm no, xuân hy vọng

Lửa ở Dốc Mây không bao giờ tắt

Nếu trải bản đồ của xã Trường Sơn ra, tìm bản Dốc Mây, dễ dàng thấy một chấm nhỏ nằm hun hút sâu giữa núi rừng, giáp với biên giới Việt - Lào. Bản là nơi định cư của 19 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều vơi hơn 100 nhân khẩu. Xa xôi, cách trở, sơn lam chướng khí là thế nên cho đến tận bây giờ, nhắc đến Dốc Mây, ít ai biết. Nếu có biết, tưởng tượng đến hành trình xuyên qua những trảng rừng, xa biền biệt thì cũng phải rùng mình…

Đường vào Dốc Mây dốc dác, lối đi hẹp bám theo những triền núi. Bên vách đứng, bên vực sâu, nhiều đoạn vượt dốc cứ tưởng chừng chân người đi trước đạp đúng lên đầu người đi sau. Đêm Dốc Mây xuống nhanh, đêm núi rừng Trường Sơn mê hoặc, đặc quánh mùi đất, mùi lá mục ngai ngái sau những cơn giông. Già làng Hồ Hưng cho thêm củi vào bếp lửa đặt ngay giữa nhà sàn và bảo, người Dốc Mây luôn giữ lửa trong nhà không bao giờ tắt. Bởi lửa là lòng tin, hy vọng, ấm no, an lành, hạnh phúc.

Già Hồ Hưng kể phần lớn người dân ở Dốc Mây ngày xưa sinh sống ở khu vực các xã Mỹ Thủy, Lệ Ninh (Lệ Thủy, Quảng Bình). Đến năm 1947, khi Pháp tiến hành càn quét, giết hại nhiều người, các già làng đã ngồi lại và bàn việc đưa dân chạy vào rừng. Một nhánh đi về rừng phía tây Ngân Thủy (Lệ Thủy), một nhánh theo sông Long Đại lên vùng này với vùng Thượng Trạch (Bố Trạch) và một nhánh đi xa hơn là sang bên Lào. Đến năm 1969, 4 hộ gia đình đầu tiên về định cư tại Dốc Mây. Mãi đến năm 1986, bản mới chính thức trở thành đơn vị hành chính thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Tuổi bản bằng chính tuổi những gốc mít cổ thụ mọc đầy thung.

Tuy phải sống giữa sơn cùng thủy tận, thiếu đói triền miền, song cũng giống như nhiều cộng đồng khác sinh sống trên đất Việt, người Vân Kiều ở Trường Sơn nói chung, bản Dốc Mây nói riêng cũng đóng góp công sức của mình trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Qua hai cuộc kháng chiến, Trường Sơn đã chứng kiến và ghi nhận nhiều thanh niên Vân Kiều nhiệt tình tham gia cách mạng và xây dựng quê hương với nhiều chiến công được thế hệ sau nhắc nhớ. Đặc biệt là sự kiện bắt toán biệt kích Mỹ ngụy nhảy dù xuống địa bàn xã ngày 15/9/1963. Bằng tinh thần cảnh giác, mưu trí, dũng cảm, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Trường Sơn đã dồn ép toán biệt kích vào trốn trong hang. Đường cùng, biết không thể thoát, cả 10 tên biệt kích lần lượt thúc thủ, đầu hàng.

Nỗ lực thoát nghèo

“Trước đây Dốc Mây bị cái đói đeo bám quanh năm, bây giờ dân bản miềng chỉ hụt chừng ba đến bốn tháng thôi”, già làng Hồ Hưng khẳng định. Cũng theo già Hưng thì giờ toàn bản Dốc Mây sở hữu gần 100 con trâu, bò; gần 200 con gà; hàng chục con lợn, 3 con dê… nhiều gia đình nuôi đến 10 con bò như gia đình Hồ Lay, Hồ Hưng, Hồ Nhôồng, Đinh Vàng... Không những thế gia đình Hồ Văn Hải, Hồ Văn Lôi, Hồ Hưng, Hồ Lương, Hồ Dũng còn có điện thắp sáng. Chuyện điện sáng Dốc Mây, bây giờ già làng Hồ Hưng vẫn còn tự hào. Thấy người miền xuôi chặn dòng nước suối tạo thành thác, đặt tua bin quay tạo ra điện, Hồ Hưng làm thử, ai ngờ thành công lớn, lần lượt bốn hộ khác học tập Hồ Hưng, bắt con nước cho điện thắp sáng. Năm nhà có điện, dù mỗi đêm sáng khoảng 3 đến 4 tiếng đồng hồ, họ sắm ti vi góp phần đem văn minh đến cho cộng đồng bản Dốc Mây.

Tết ấm no, xuân hy vọng

Bò lợn đầy chuồng, người Vân Kiều đã dần thoát khỏi đói nghèo

    Vì trâu bò, lợn gà lúc nào cũng thường trực dưới gầm nhà sàn, đồng bào không thể trồng trọt trong phạm vi bản định cư. Rẫy vì thế xa bằng nửa tầm “quăng rạ”. Ngoài lúa, người Vân Kiều ở Dốc Mây trồng thêm sắn, ngô, ớt… Sáng mờ sương, bà con lên rẫy. Chiều mặt trời khuất qua bên đất bạn Lào, họ mới quay về. Trong cái khó, ló cái khôn, nhiều hộ gia đình nảy ra sáng kiến dùng một góc nhà sàn tận dụng thùng xốp, thùng gỗ để trồng rau. Góc nhà trưởng bản Hồ Văn Hải có một vườn rau như thế, nằm cạnh những thùng chứa nước sinh hoạt. Nắng kèm thêm gió Lào thổi suốt đêm ngày thế mà nhiều loại rau xanh nhà Hồ Văn Hải vẫn tốt tươi do gần nguồn nước.

Do xa xôi, cách trở nên suốt nhiều năm qua làm bạn chung thủy với đồng bào Dốc Mây chỉ có Bộ đội Biên phòng và hai thầy giáo tiểu học cắm bản. Cũng chính nhờ họ mà cái chữ dần mọc lên ở bản này. Tất cả bắt đầu từ cách đây khoảng hơn chục năm về trước, đó là vào năm 2006, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Làng Mô quyết định “biệt phái” đại uý Nguyễn Văn Việt, Đội phó Đội vận động quần chúng và thượng uý Trần Văn Chung, thầy giáo quân hàm xanh vào bám bản “bốn cùng” ở Dốc Mây. Lúc Bộ đội Biên phòng đến, Dốc Mây hoang sơ lắm, người ở chung với trâu bò. Trẻ con tóc cháy, không có áo quần để mặc. Người dân đau ốm, sốt rét dài ngày nhưng không điều trị, chỉ tin vào ma chay, cúng bái. Dân bản lâm vào cảnh thiếu ăn, đói cơm, rách áo quanh năm. Đêm nằm, bọ chét rúc ráy, bọ mắt cắn liên tục…

Đến giờ, thầy giáo quân hàm xanh Trần Văn Chung vẫn được xem là người đặt nền móng cho cái chữ Bác Hồ neo đậu lại Dốc Mây. Năm học đầu tiên thầy không rành tiếng Vân Kiều, trẻ chẳng biết tiếng Kinh, không tài nào dạy được. Thầy nhanh trí dùng các động tác hình thể, kết hợp với hình vẽ trong sách giáo khoa. Theo thời gian, thầy và trò hiểu nhau, gần gũi nhau hơn. Lớp học xóa mù giữa rừng sâu do thầy Chung làm chủ nhiệm rất linh động: trẻ từ bốn đến mười bốn tuổi học ban ngày. Thanh thiếu niên, phụ nữ, người già tranh thủ xoá mù ban đêm. Trẻ yêu cái chữ nhưng chưa quen cầm bút hơn con dao, cái cuốc. Vật lộn với con chữ mệt quá, chúng trốn biệt lên rừng, lên rẫy, chỉ tội thầy phải lặn lội đến từng nhà động viên. Người lớn biết viết được cái tên của mình là thầy giáo hạnh phúc lắm. “Bốn cùng” với Dốc Mây, Trần Văn Chung trở thành người con của bản lúc nào không ai biết nữa. Tiếng Vân Kiều thầy nói trôi chảy, những lúc bên ché rượu cần người già vui, vuốt râu khen: “Bộ đội Chung là đứa con cưng của Dốc Mây”.

Thắp lên hy vọng

Từ nền móng con chữ Bộ đội Biên phòng đặt nơi Dốc Mây năm nào, bây giờ Dốc Mây sở hữu một “khối tài sản” đáng trân trọng. Trân trọng đối với người thầy đi gieo chữ, trân trọng sự nỗ lực của người dân. Toàn bản có 33 học sinh tiểu học từ lớp một đến lớp ba. Hai học sinh hoàn thành xong chương trình tiểu học cắt rừng ra trung tâm xã và về xuôi học nội trú. Đó là Hồ Thị Bình và Hồ Văn Choi, cả hai em cùng đang học lớp 7.

Thực tế con chữ rất chông chênh tại bản Dốc Mây. Sau khi thầy Chung chuyển công tác về xuôi, nguy cơ mù chữ, tái mù chữ bắt đầu trở lại. Đi tìm nguyên nhân, đồng bào nói thật, lời nói thật đến quặn lòng: “Ơ, học xong cái chữ, không biết cất ở mô, không ăn được, không đổi gạo được, không no cái bụng. Mấy khi có cơ hội được đem ra sử dụng, giao tiếp, đồng bào lên rừng, lên rẫy vài lần, cái chữ bay mất”. Xa xôi, cách trở, hầu như tách biệt với miền xuôi, con chữ, phép toán không ôn, chẳng luyện, tái mù là chuyện đương nhiên.

Trước nguy cơ mù chữ, tái mù chữ, một lớp học đặc biệt hình thành tại Dốc Mây, lớp học xóa mù cho đồng bào. Gọi lớp học đặc biệt vì được tổ chức vào ban đêm, ban ngày dành cho buổi học chính khóa. Thầy giáo giảng dạy là Bộ đội Biên phòng. Đặc biệt hơn vì hơn 30 học viên đủ mọi lứa tuổi, nhiều gia đình anh em, con cái, bố mẹ, vợ chồng cùng theo học. Từ tháng 5/2015 bắt đầu dạy chương trình lớp một, bây giờ lớp xóa mù lên đến lớp ba. Bảy cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô thay nhau đứng lớp dạy chữ, cứ mỗi buổi tối gồm hai người. Cắm bản khoảng 10 đến 15 ngày, hết lương thực, thực phẩm, trở ra đơn vị, hai người khác tiếp tục vào thay.

“Giờ dân bản không còn thiếu đói như ngày xưa nữa, con trẻ cũng được học hành, Tết này Dốc Mây cũng vui hơn”, trưởng bản Hồ Văn Hải hồ hởi. Quả thật, dù người Vân Kiều ở Dốc Mây chưa hẳn đã đoạn tuyệt với đói nghèo, song nhìn từng đàn trâu bò béo tốt nằm ghếch mũi điềm nhiên, lũ lợn ủn ỉn tìm thức ăn hay đàn gà đỏ một góc bản đã minh chứng một điều: Đồng bào ở đây đã biết cung cách làm ăn. Nhiều gia đình lúa rẫy đựng đầy trong các bao, chất cao vợi một góc nhà. Bản đang từng bước chuyển mình...

Đêm xuống, trong nhà văn hóa bản Dốc Mây, ché rượu cần do phó bản Hồ Văn Thùa mang đến đãi khách nghiêng cần chờ người uống, bếp cũng được chêm thêm củi. Người Dốc Mây giữ lửa giữa nhà sàn, giữ lửa trong tim để vững tin hơn vào Đảng, Bác Hồ, vào một ngày mai tươi sáng. Cho Dốc Mây không còn vời vợi ngái xa.

Đào Trang