Mùa xuân tranh tài “tứ linh” trên quê hương Hải đội Hoàng Sa

Đời sống - Ngày đăng : 08:00, 07/02/2019

Cả năm bôn ba giữa trùng sóng đại dương, ngày Tết cổ truyền, bà con lối xóm trên đất đảo tiền tiêu mới có dịp tụ họp đông đủ nhất.

Bên chiếc bánh chưng, bánh ít lá gai, hành chua, thịt heo, hải sản cùng tí tách món hạt dưa thì câu chuyện chuẩn bị đua ghe “Long, Lân, Quy, Phụng” luôn rộn ràng trên đảo Lý Sơn.

Những ngày tháng Chạp ùa về, báo hiệu mùa xuân đến. Cũng là lúc, sắc xuân tràn ngập khắp con đường làng, khoe sắc cùng với các nàng hoa, nào là cúc mai, hướng dương, hoa ly, bông vạn thọ, cành đào phương Bắc, chậu quất sum suê hoa quả… Tất cả bày biện từ ngay cảng Lý Sơn và trải dài bao phủ các con đường huyết mạch.

Đây cũng là thời điểm trai làng, cùng bô lão từng đội đua ghe chuẩn bị trang hoàng cho chiếc ghe tứ linh của thôn mình. Thanh niên Dương Quang Cao (thầy giáo thể dục) bày tỏ, phong tục đua ghe tứ linh ở đảo Lý Sơn có từ hàng trăm năm rồi, kế thừa tổ tiên để lại, thế hệ con cháu luôn giữ gìn phong tục quý giá này. Khẳng định rằng, ngày hội đua ghe tứ linh là những ngày vui và rộn ràng nhất ở đảo Lý Sơn. Thường lệ bắt đầu ngày hội đua ghe từ mùng 4 đến mùng 8 Tết Nguyên đán hàng năm.

Theo truyền thuyết và ý nghĩa dân gian; biểu tượng linh vật Long (rồng) thể hiện sự uy quyền, mạnh mẽ gắn liền truyền thuyết con rồng cháu tiên; linh vật Lân (kỳ lân) mang lại sự nhân từ, may mắn, phúc lộc, thái bình và thường được gắn liền trên trụ cột hay mái nhà ở đình làng, ngôi chùa; linh vật Quy (rùa) đại diện hình ảnh sự chịu đựng, trường tồn và thịnh vượng lâu dài; linh vật Phụng (phượng vũ) biểu tượng sự bất tử và sống thọ vĩnh cửu.

Mùa xuân tranh tài “tứ linh”  trên quê hương Hải đội Hoàng Sa

Mũi trước từng chiếc ghe trang hoàng hình linh vật của mỗi đội

Đua ghe tứ linh hàng năm, người dân Lý Sơn cầu mong mưa thuận gió hòa, ngư dân được bình an trở về và vượt qua sóng dữ ngoài biển cả, mùa màng bội thu (hành, tỏi, đánh bắt hải sản), mong muốn một năm an lành đầy ắp tiếng cười ấm áp. Bên cạnh chuỗi ngày đua ghe tứ linh, ngư dân Lý Sơn không thể nào thiếu tục lễ xuất hành đầu năm, hi vọng cả năm biển cả che chở và thắng lợi trên từng chuyến ra khơi.

Đón Tết cổ truyền, dù ở phương trời xa xôi nào, hàng ngàn con cháu đều về với quê hương đất tổ, đó là điều đặc biệt mà thế hệ cha ông răn dạy con cháu. Những ngày đầu xuân, cả đại gia đình ngồi quây quần bên nhau, từng thành viên báo cáo thành tích đến cả nhà cùng chia sẻ. Nhân dịp này, bậc cha ông lại nhắc lại về nguồn gốc, lịch sử của tổ tiên với Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải để con cháu giữ lấy, biết đến niềm tự hào vô giá của đất nước Việt Nam.

Mùa xuân tranh tài “tứ linh”  trên quê hương Hải đội Hoàng Sa

Vùng biển Lý Sơn sôi nổi, vang vọng tiếng hò reo cổ vũ cuộc tranh tài đua ghe tứ linh đầu năm mới

 

Cụ Ngô Lý (84 tuổi, ngụ thôn Đông, xã An Vĩnh) tâm sự: “Cứ mùng 1 Tết hàng năm, tôi cùng con cháu đi dâng hương tại nhà thờ tổ tiên, đình làng và Khu trưng bày Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Thông qua từng tờ sắc lệch, mô hình chiếc thuyền câu ngày xưa và các kỷ vật, tôi kể con cháu nghe về tổ tiên mình đã anh dũng bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đã cập kề tuổi gần đất xa trời rồi, tôi mong con cháu luôn khắc ghi lịch sử về Đội hùng binh Hoàng Sa và phải lưu truyền cho thế hệ sau”.

Mùa xuân tranh tài “tứ linh”  trên quê hương Hải đội Hoàng Sa

Lễ hội đua ghe trên đảo Lý Sơn diễn ra dịp Tết cổ truyền và Lễ Khao lề thế lính nhằm tri ân Đội hùng binh Hoàng Sa

Theo ghi chép của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ (Hiệu trưởng trường ĐH Phạm Văn Đồng, nguyên là Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Quảng Ngãi), mỗi năm 70 định suất đi Hoàng Sa, Bắc Hải mới đầu đều lấy người của làng An Vĩnh và An Hải ở vùng cửa biển Sa Kỳ, sau này là ở làng An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn. Mỗi dân binh được vua ban 6 tháng lương thực, 1 chiếc chiếu, 3 sợi dây mây, 7 nẹp tre và 1 thẻ bài. Họ đi trên 5 chiếc thuyền câu từ tháng 2, tháng 3 đến tháng 8 âm lịch mới trở về. Điển hình như ông Võ Văn Khiết làm Cai đội Hoàng Sa từ năm 1786 (năm Thái Đức thứ 9 đời Tây Sơn), Võ Văn Phú cũng làm Cai đội Hoàng Sa (năm Gia Long thứ 2 - 1803), cai đội Phạm Quang Ảnh, Chánh thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật,…

Hàng năm, lễ hội đua ghe tứ linh không chỉ diễn ra dịp Tết cổ truyền, mà người dân Lý Sơn còn tổ chức vào dịp Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch. Trong tháng 4/2013, Bộ VHTT-DL công nhận Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dương Vương