Nghe chuyện phước lành từ tranh Đông Hồ
Đời sống - Ngày đăng : 18:00, 06/02/2019
“Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong”…
Tết đến, chơi tranh Đông Hồ là thú vui tao nhã, một phong tục đẹp của người Việt Nam xưa, đặc biệt ở các vùng đồng bằng Bắc bộ. Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, khắp các nẻo chợ quê đâu đâu cũng thấy bày bán đủ các thứ tranh Đông Hồ rực rỡ. Những bà mẹ quanh năm tần tảo, cuộc sống dù chật vật, ngày Tết đi chợ, thế nào cũng phải mua bằng được bức tranh gà, tranh lợn...Và khi ngoài sân, những tràng pháo nổ đì đùng thì ở trong nhà, những bức tranh vẽ lợn cũng được gia chủ treo lên tường, tô điểm cho cảnh Tết.
Về làng tranh Đông Hồ, ngồi bên chén trà thơm nghe cụ Nguyễn Đăng Chế - nghệ nhân cao tuổi nhất làng kể chuyện: “Tranh Đông Hồ không phải sự minh họa về ngày Tết mà thông qua nội dung của các bức tranh này là sự gửi gắm, là lời chúc phúc những gì tốt đẹp nhất cho một năm mới, một năm phát tài, phát lộc bằng những hình ảnh biểu tượng dân dã, gần gũi nhưng lại chứa đựng những thông điệp ẩn ngữ đầy tính nhân văn”.
Với sự phong phú, đa dạng cả về mẫu mã, thể loại, chủ đề, tranh dân gian Đông Hồ phản ánh hầu như tất cả những gì diễn ra trong đời sống bình dị của người lao động với cái nhìn hóm hỉnh mà sâu sắc. Tranh dân gian Đông Hồ càng xem càng cảm nhận thấy ý nghĩa văn hóa, chứa đựng những ẩn ý, nhắc nhở, răn dạy chi tiết, đầy đủ về mọi sự đúng sai, phải trái ở đời, mang đậm một cái nhìn lạc quan, trìu mến và tha thiết đối với cuộc sống.
Người Việt từ xưa đến nay vẫn có niềm tin rằng, trong một giáp, 12 năm, mỗi năm đều do một con vật quản lý. Năm Mậu Tuất qua đi, năm Kỷ Hợi lại đến, loài chó phải bàn giao công việc cho “Lão Trư”. Năm Hợi nói chuyện tranh con lợn cũng thấy nhiều điều thú vị.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế
Từ bao đời nay, lợn vẫn là một con vật được con người yêu quý, nuôi dưỡng chăm sóc để phát triển kinh tế, sử dụng trong văn hóa ẩm thực và đặc biệt là làm cỗ thờ cúng. Trong tâm thức của người Việt, lợn là một trong những vật tế lễ ở các nghi thức tâm linh, được người đời dâng lên thần thánh, tổ tiên trong ngày giỗ, ngày hiếu, ngày hỉ, ngày Tết.
Ở nước ta trước đây có nhiều vùng làm tranh dân gian, trong đó tranh lợn là một trong những nội dung được nhiều người ưa chuộng. Cha ông ta vẫn quan niệm gia súc, gia cầm, vườn rau, ao cá, lúa, ngô, khoai, sắn là gốc rễ của ấm no, đủ đầy cho cuộc sống; hình ảnh con lợn thể hiện rất rõ sự bình đẳng, bởi nó gần gũi, gắn bó với cả người nghèo và người giàu có.
Chỉ vào những bức tranh lợn treo trên trường, lão nghệ nhân ôn tồn giải thích: “Hình ảnh con lợn hiện hữu trên bức tranh Tết Đông Hồ như “Lợn đàn”, “Lợn ăn cây ráy”, “Lợn độc” đều thể hiện sự sung mãn, phồn thực, vui vẻ hạnh phúc. Con lợn trong quan niệm văn hóa cổ truyền thuộc dòng âm ôn hòa nhã nhặn, sinh nở đầy đàn nên yếu tố phồn thực được đề cao trong loại tranh dân gian, chúc tụng năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc”.
Giữa những tờ giấy phá tư khổ bằng lá mít đến những tờ giấy phá ba nhỉnh hơn một chút, trên nền đỏ hoa hiên đậm đà, màu vàng hoa hòe ấm áp hay màu trắng điệp xôm xốp, chỗ này một ổ lợn con lúc nhúc dưới chân con lợn mẹ ủn ỉn đòi ăn; nơi kia là con lợn nái chân lũn cũn đang ngước mồm ngoạm cây khoai ráy; góc khác lại là con lợn với những khối thịt tròn lẳn, nhiều ngấn mỡ, dáng đứng khệ nệ, lưng võng, bụng sa sát đất… Thôi thì có đủ thứ màu trắng, xanh, đỏ, tím, vàng...
Năm Hợi, tản mạn về chuyện tranh con lợn cũng là để chiêm nghiệm một điều: Mọi hình tượng nghệ thuật và những biểu tượng chỉ có thể đi vào lòng người một cách thực chất khi nó gắn với con người, gắn với cuộc sống, gắn với chiều sâu văn hóa dân tộc.
“Thân lợn hình ngang, nhưng mõm lại nhìn từ đằng trước. Trên mình lợn có vòng khoáy Âm - Dương ngụ ý phát triển, sinh sôi nảy nở. Qua bức tranh, người nghệ sĩ dân gian muốn truyền đạt cho đời sống xã hội một con lợn hoàn chỉnh. Nhìn hình lợn vẽ, lòng lại rạo rực ước mơ con lợn trong chuồng cũng đẹp như tranh, quanh năm lúc nào cũng có lợn nái béo tốt, lợn con đầy đàn... “, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chia sẻ.
Vẽ ra con lợn, nghệ nhân phác họa thế giới của mình, tâm cảnh lồng vào ngoại cảnh, từ những lam lũ gieo neo vươn tới giấc mơ no ấm, sum vầy đông đúc. Con lợn trong một giáp phải 12 năm sau mới xuất hiện một lần, nhưng những “Đàn lợn âm dương”, “Lợn độc”, “Lợn ăn cây ráy” sẽ sống mãi trong đời sống tình cảm của nhân dân và trở thành tài sản tinh thần vô giá của cha ông truyền lại cho con cháu chúng ta.
Sông Đuống vẫn đợi…
Bên trong ngôi nhà lưu giữ hàng trăm bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, cụ Chế hồi tưởng lại, khi mùa đông trải nốt những ngày giá lạnh cuối cùng, gió từ bờ sông bời bời thổi, len lỏi trong từng bức tường cũ kỹ của những căn nhà hốc hác, cũng là lúc người dân làng Đông Hồ mở hội. Làng Đông Hồ có cả thảy 17 dòng họ, với hàng trăm gia đình làm tranh. Tháng 8 Âm lịch hằng năm, cả làng rộn ràng, lách cách tiếng đục gỗ làm bản in. Rồi họ đi khắp các vùng tìm nguyên liệu sản xuất tranh. Việc tất bật, ròng rã hằng tháng trời, đến gần Tết mới kết thúc. Khắp làng, bất cứ khoảng trống nào, từ sân đình, mái nhà, lề đường, bờ sông… đều được tận dụng để phơi tranh. Tranh Đông Hồ phủ khắp nơi, đứng phía bờ sông nhìn sang, làng như một tấm thảm gấm khổng lồ.
Ngày đó, trẻ con trong làng mới chập chững đã quen với mùi mực, mùi giấy, lớn lên cùng những câu Kiều, những tích truyện trong tranh. Lên 6, lên 7, bọn trẻ đã biết phụ giúp gia đình làm tranh, để rồi lên 9, lên 10, tự tạo cho mình những bức tranh đầu tiên. Mỗi bức tranh được làm ra chứa chất cả tấm lòng người làm tranh. Từ việc tìm được những tấm gỗ thị, loại gỗ vốn mềm, mịn, thớ nhỏ để làm bản in cho đến việc xuống Hải Phòng kiếm vỏ sò nghiền ra làm màu trắng, lên Bắc Giang tìm sỏi son để tạo màu đỏ, đến vùng dân tộc Nùng kiếm lá chàm để làm màu xanh… Những bí quyết, từ cách pha màu, đến khắc bản in, người dân làng Đông Hồ chỉ truyền cho con cháu, cho nên tranh có nét đặc trưng riêng, khác hẳn những vùng đất khác.
Hàng nghìn, hàng triệu bức tranh được mang bán cho những lái buôn, hoặc bán lẻ cho các gia đình mua về làm tranh treo Tết để cầu mong bình yên, phú quý cho gia đình. Chợ tranh làng Hồ - chợ Hồ trở nên nhộn nhịp và tấp nập nhất vào tháng Chạp với năm phiên họp vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26. Bởi thế, những người trong làng dù có đi làm ăn khắp nơi vẫn luôn nhớ nằm lòng câu ca: “Dù ai buôn bán trăm nghề/Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh”.
Nhưng, giống với con người, tranh Đông Hồ cũng trải qua biết bao thăng trầm, thịnh suy. Từ cuối thế kỷ 19 tới cách mạng tháng Tám 1945 là thời kỳ cực thịnh của tranh. Đến những năm kháng chiến, nghề này tạm thời gián đoạn. Sau ngày đất nước thống nhất, tranh mới có cơ hội "phục sinh". Tuy nhiên, giữa cơn sóng của thị trường, của các tác phẩm "mỳ ăn liền", tranh Đông Hồ ngày càng bị phai nhạt. Nhìn niềm tự hào của ông cha dần lùi vào dĩ vãng, lớp nghệ nhân vàng như cụ Chế không khỏi xót xa. "Tranh Đông Hồ ngày nay vẫn giữ nội dung và theo những thao tác thủ công truyền thống. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí khác nên người ta dần quên tranh rồi", cụ Chế tâm sự.
… Để “màu dân tộc” mãi “sáng bừng trên giấy điệp”
Sau hơn 30 năm dạy học ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội, năm 1990, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nghỉ hưu về sống cùng con cháu tại làng Hồ. 30 năm xa quê cũng là quãng thời gian dài để làng Hồ có nhiều thay đổi. Không còn cái cảnh bến nước con đò cứ nhộn nhịp vào những ngày chợ phiên, không còn cái cảnh trẻ em tíu tít giúp mẹ mang tranh ra sân phơi nắng. Chợ xưa giờ đìu hiu lạnh lẽo chỉ còn trơ trọi lại bãi đất hoang vắng, sông xưa giờ vắng hẳn những chuyến đò.
Làng Hồ không còn cảnh yên bình của một vùng quê Kinh Bắc, thay vào đó là sự ồn ào náo nhiệt từ buổi bình minh. Xe máy, xe tải vào làng nườm nượp. Làng Hồ đang giàu lên nhờ buôn bán hàng mã. Giờ đây đi khắp thôn, thay cho những bức tranh “gà lợn nét tươi trong”, thay cho “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” là màu sắc nhộm nhoạm xanh đỏ của giấy hàng mã.
Chùm ảnh tranh lợn Đông Hồ
Nỗi đau ấy cứ ám ảnh cả trong giấc ngủ, khiến cụ phải thức trắng canh gần một năm trời. Để xoa dịu niềm đau, đầu năm 1991, cụ quyết định dốc hết tiền nong gom góp cả đời trong nghiệp giảng dạy của mình để phục dựng lại dòng tranh cổ. Cụ tìm đến từng nhà mua lại những bản khắc gỗ, những thứ mà khi chuyển sang làm hàng mã với nhiều người chỉ là kỷ niệm, còn với một số người giờ chỉ là những đống gỗ tàn.
Bồi hồi ngắm từng chồng bản khắc gỗ từng phủ bụi thời gian và những bức tranh dân gian được treo trang trọng trên tường mang đậm sắc thái Việt, tôi hỏi cụ Chế: “Sao cụ lại mê nghề làm tranh như vậy?”, lão nghệ nhân nở nụ cười hồn hậu, nếp nhăn trên trán giãn ra theo sự cởi mở của đà truyện: “Nói thực với cô, nghề của ông cha, giữ gìn là trách nhiệm của con cháu. Bỏ nghề, rửa nghề thì nhục lắm. Những năm tôi làm giảng viên ở Trường Mỹ thuật Việt Nam và công tác ở Nhà xuất bản Văn hóa đã cho tôi khả năng truyền đạt tranh dân gian trong đời sống và năng động trong xuất bản. Tôi đã vận dụng và phát huy sau khi nghỉ hưu về làng. Như cô đã thấy bí quyết của tôi là sản xuất tranh đẹp theo nhiều nhu cầu khác nhau và tạo được màng lưới phát hành tranh rộng rãi trên cả nước...”.
Là nghệ nhân truyền đời thứ 20 theo nghiệp tranh của gia đình, năm 2007, cụ Nguyễn Đăng Chế đã đề nghị địa phương cho thuê mảnh đất bên chân sông Đuống của làng để xây dựng "Trung tâm văn hóa dân gian truyền thống" mà cụ hay gọi thân mật là xưởng tranh. “Với hơn 3 tỷ đồng đầu tư ngày ấy, giờ xưởng tranh đã trở thành điểm du lịch quen thuộc của nhiều đoàn khách tham quan trong và ngoài nước, giá trị kinh tế lên tới cả chục tỷ đồng”, cụ Chế phấn khởi.
Ngôi làng nhỏ nép mình dưới triền đê thơ mộng, ven dòng sông Đuống hiền hòa. Với những ai đã đến với làng Hồ, đã được ngắm tranh Đông Hồ đều không thể quên những đường nét, sắc màu chân quê, đích thực Việt Nam. Cùng những chất liệu nghệ thuật độc đáo, qua năng lực sáng tạo tài hoa, tranh Đông Hồ đã thăng hoa thành nghệ thuật tạo hình dân tộc.
Hơn 500 năm qua, “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” đã được những người nghệ nhân làng Đông Hồ gìn giữ qua nhiều thế hệ. Qua nhiều thập kỷ, thuở vàng son của làng tranh dân gian có lúc tưởng chỉ còn là dĩ vãng. Nhưng hy vọng, với nỗ lực lặng thầm của những nghệ nhân tâm huyết, Đông Hồ sẽ từng bước ngược dòng tìm lại hình bóng về một làng tranh tấp nập kẻ bán người mua…