Mâm cúng tất niên là nghi lễ văn hóa độc đáo của người Việt
Đời sống - Ngày đăng : 14:17, 04/02/2019
Cụ thể, theo TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, bữa cơm ngày cuối năm thường được làm thịnh soạn hơn ngày thường. Các thành viên sẽ cùng sửa soạn, nấu nướng mâm cỗ mặn để cúng ông bà, tổ tiên, sau đó con cháu quây quần thụ lộc.
Mâm cỗ cúng tất niên tùy từng vùng miền mà có những đặc trưng riêng. Ví dụ miền Bắc không thể thiếu bát canh móng giò hầm măng, rồi bánh chưng, đĩa nem, giò lụa, giò xào; Miền Trung hay có bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua; Còn miền Nam hay có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, nem, chả giò...
Thông thường một mâm cúng tất niên bao gồm những lễ vật sau: Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, trà, rượu, bánh chưng và mâm cỗ thức ăn (chay hoặc mặn).
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Trước đây, mâm cỗ tất niên của miền Bắc nói riêng và mâm cỗ tất niên của người Việt nói chung luôn luôn đảm bảo đủ 6 bát (măng, bóng, mực, nấm thả, miến, mọc) và 8 đĩa (thịt gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh chưng, lòng gà xào dứa và cá kho). Nhưng theo thời gian, các món ăn trên mâm cỗ cúng tất niên cũng thay đổi.
Đồng thời, theo TS Trần Hữu Sơn, tùy điều kiện mỗi gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên khác nhau, nhưng phải thể hiện sự thành kính với ông bà tổ tiên.
Mâm cỗ cúng thường được đặt ở một cái bàn con bên dưới, còn trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, mâm ngũ quả, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng.
Mâm ngũ quả dành cúng gia tiên nên chọn các loại hoa quả thông dụng, ăn được, đẹp mắt.
Sau khi hoàn thành mâm cỗ cúng, người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà sẽ thắp hương và đọc văn khấn, rồi các thành viên khác làm lễ vái. Nội dung chính là mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình.