Người phụ nữ 25 năm trồng sen và những đứa con của “người mẹ cầm súng”

Đời sống - Ngày đăng : 08:25, 30/01/2019

Cuối năm thời tiết nhiều mưa, thừa gió, trong ngôi nhà nhỏ, lợp tôn cũ tại ao sen ở ấp Suối Lớn (xã Dương Tơ, Phú Quốc, Kiên Giang), chúng tôi đã được nghe câu chuyện của người phụ nữ 25 năm trồng sen, biến vùng nước đầm lầy thành khu du lịch.

Đặc biệt hơn, đó là hành trình đi tìm, chăm lo cho những người con của “người mẹ cầm súng” từ năm 2010 đến nay.

Cơ duyên gặp người trồng sen…

Cơ duyên để chúng tôi biết được thông tin là những người con của chị Út Tịch, nữ Anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, là nhân vật được cố nhà văn Nguyễn Thi khắc họa qua hình tượng người mẹ cầm súng, đang sống tại Phú Quốc, cũng khá bất ngờ. Đó là chuyến đi công tác về các tỉnh Tây Nam Bộ để tuyên truyền về các tấm gương anh hùng, qua trao đổi với cán bộ chính sách Quân khu 9 thì mới biết, con cái chị Út Tịch đang sống dưới sự bảo bọc, chăm sóc của gia đình chị Hai Tiến tại Phú Quốc.

Khi đó, với thói quen nghề nghiệp, chúng tôi cũng chỉ ghi lại thông tin này vào sổ tay với dự định sẽ nhờ một số người quen tại Phú Quốc chỉ dẫn để tìm đến gặp chị Hai Tiến. Nhưng cũng có một điều may mắn khác là anh Lại Đình Hùng, một thương binh thời chống Mỹ, khi đến Phú Quốc, đã mời chúng tôi đến ăn cơm tại quán ao sen. Mấy hôm liên tục phải chịu đựng bia rượu và hải sản nên nghe được mời đi ăn cơm với cá kho, rau luộc, gà rẫy nướng là cả nhóm nhận lời ngay.

Từ nhà khách T90 của Văn phòng Quân khu 9 trên đường Trần Hưng Đạo đi đến quán ao sen khoảng gần 10 cây số, với cảnh sắc hai bên đường Dương Đông - An Thới đã bị biến dạng vì trật tự xây dựng không được quản lý tốt, nhưng khu vực quán ao sen vẫn giữ nguyên được cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp làm lòng người phơi phới niềm vui.

Lúc đó, ngồi sát bên mép nước, nhìn đàn cá với hàng chục loài vô tư bơi lội trong không gian ao sen hồng rực được tô điểm bằng dãy chòi lá chen lẫn vài gốc tràm nước còn sót lại, bóng dãy núi Vô Hương mà theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ là lâm viên sinh thái, sừng sững phía sau càng làm say đắm lòng người. Điều bất ngờ là chủ quán ao sen lại là gia đình chị Hai Tiến, là nhân vật là chúng tôi dự kiến sẽ gặp để tìm hiểu về câu chuyện hành trình đi tìm những người con của người mẹ cầm súng. Vậy là có duyên lại gặp được người và câu chuyện về tình đồng chí thời kháng chiến, tình người thời hậu chiến đã được khơi mở tại ao sen của đảo ngọc Phú Quốc, là hòn đảo lớn nhất Việt Nam.

Người phụ nữ 25 năm trồng sen và những đứa con của “người mẹ cầm súng”

Khu quán ao sen của chị Hai Tiến

… Tình người và mong ước

Sách vở viết rằng chị Út Tịch là hiện thân cho tinh thần bất khuất trong kháng chiến chống Mỹ của người dân miền Nam. Chị sinh năm 1931, tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi với vai trò giao liên. Năm 1954, chị cùng chồng là anh Lâm Văn Tịch, không tập kết ra Bắc mà ở lại hoạt động binh vận, đánh nhiều trận, tuyên truyền vận động nhiều binh lính đối phương bỏ ngũ. Năm 1965, chị Út Tịch được cử đi dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua lực lượng vũ trang toàn miền Nam tại Hà Nội, được gặp Bác Hồ và được bầu là Nữ anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.

Còn câu chuyện của mà chúng tôi được nghe qua lời kể của chị Hai Tiến và người chồng cũng là bộ đội chống Mỹ tại vùng căn cứ rừng U Minh, thì lại thấm đẫm tình đồng chí và tình người. Chị Út Tịch khi tham gia kháng chiến đã gửi các con cho nhiều gia đình người quen, trong đó có gia đình chị. Mẹ ruột chị Hai Tiến và chị Út Tịch đều có thói quen ăn trầu nên hai người đã dùng thùng đạn cũ để đựng cau trầu, vôi tiêm. Hai vợ chồng chị Út Tịch đều hy sinh vì bom đạn giặc Mỹ trên đất Kiên Giang, những đứa con thì có 2 người được đưa về căn cứ, rồi sau đó ra Bắc, những người còn lại được tổ chức đưa về Cần Thơ, xuống Bạc Liêu, Cà Mau… sống nhờ nhà dân.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, con cái của chị Út Tịch được nhiều cán bộ Quân khu 9 bảo bọc, cho đi học văn hóa nhưng vì nhiều lý do nên họ quay trở lại mảnh đất Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, là nơi quê hương của mẹ ruột để sinh sống. Trong khi đó, gia đình chị Hai Tiến từ năm 1992 đã chuyển nhà từ đất liền ra ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc để lập nghiệp.

Thời điểm này, phần lớn người dân tại Phú Quốc đều tìm đến các khu đất có suối, có nước ngọt phía sâu trong các thung lũng để khai hoang trồng lúa, trồng tiêu, trồng sen, nuôi cá. Gia đình chị Hai Tiến đã bỏ công sức khai hoang nhiều khu đất tại xã Dương Tơ, Cửa Cạn, Bãi Thơm, An Thới… cũng như bỏ tiền sang nhượng lại đất của các hộ dân khác để canh tác nông nghiệp. Đất cũ đãi người mới nên sau hàng chục năm đổ mồ hôi và công sức, gia đình chị Hai Tiến đã có cuộc sống khá hơn so với trước đây.

Năm 2010, khi nghe được tin các con của chị Út Tịch đã trở về dựng nhà sống gần nghĩa trang Cầu Kè để ngày ngày chăm sóc phần mộ của cha mẹ, sau một đêm mất ngủ, vợ chồng chị Hai Tiến đã quyết định đi Trà Vinh. Do thời gian xa cách quá lâu nên khi gặp được nhau thì chỉ vợ chồng chị Hai Tiến nhận ra những đứa con của người mẹ cầm súng. Còn các con chị Út Tịch thì chỉ nhớ mang máng. Chỉ đến khi chồng chị Hai Tiến gọi tên và nói rằng “Tụi bay không nhận ra anh chị sao?”, thì ký ức mới dần trở lại với người con chị Út Tịch, rồi nước mắt ngày gặp mặt tuôn trào sau vòng tay ôm lấy nhau trong nỗi xúc động của mọi người về ngày gặp mặt sau thời gian dài xa cách.

Sau những cảm xúc và sẻ chia về cuộc sống, nhận thấy hoàn cảnh sống của con cái chị Út Tịch gặp nhiều khó khăn, chị Hai Tiến đã bàn bạc với gia đình là hỗ trợ cho con cái của người bạn chiến đấu bằng cách đưa họ ra Phú Quốc để bắt đầu cuộc sống mới. Lý do là gia đình chị đã có đất khai hoang tại Phú Quốc, chỉ cần chăm lao động thì đất sẽ không phụ lòng người. Vậy là câu chuyện những người con của chị Út Tịch đã có mặt tại Phú Quốc chỉ đơn giản là tấm lòng son của những người đã sống và chiến đấu với niềm tin về cuộc sống tươi đẹp khi đất nước sạch bóng quân thù.

Nói thì đơn giản nhưng thực tế thì không, vì ngôi nhà tạm, lợp tôn cũ được mấy người con của chị Út Tịch dựng lên để làm nơi thắp hương cho cha mẹ, cũng là nơi để buôn bán nhỏ nằm ven con đường nhựa tại ấp 2, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, lại được nhiều cán bộ địa phương với tư duy xơ cứng cho là nhà xây không phép nên liên tục đòi cưỡng chế.

Nỗi lo không có chỗ ở ngày càng đè nặng lên tâm trí mọi người khi Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn năm 2017 đã ban hành quyết định cưỡng chế. Không còn cách nào khác, chị Hai Tiến lại phải cầm theo giấy tờ xác nhận của Quân khu 9, bản sao các Huân, Huy chương của chị Út Tịch, đi tàu vượt biển vào gặp chị Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang để cầu cứu. Nhờ đó, ngôi nhà tạm vẫn chưa bị cưỡng chế, nhưng sau đó vài tháng thì cán bộ UBND xã Cửa Cạn lại tiếp tục có thông báo sẽ cưỡng chế, sự việc cứ nhùng nhằng theo kiểu tạm ngừng vài tháng rồi lại có văn bản cưỡng chế.

Cuộc sống không yên ổn nên chỉ còn một người con của chị Út Tịch là anh Lâm Thanh Hùng vẫn ở lại ngôi nhà tạm để buôn bán nhỏ, sống qua ngày. Những người còn lại thì về ở chung với vợ chồng chị Hai Tiến tại ấp Suối Lớn, hàng ngày phụ giúp công việc tại quán ao sen.

Khi chúng tôi đang viết về câu chuyện này thì nhận được điện thoại của chị Hai Tiến là có hai người con của chị Út Tịch đang phải chữa trị tại Bệnh viện quân y 121 tại Cần Thơ, những người còn lại vẫn chờ đợi được UBND xã Cửa Cạn bỏ lệnh cưỡng chế, cho sửa lại ngôi nhà tạm để không còn dột nước mỗi khi trời mưa, để bàn thờ anh chị Út Tịch bớt lạnh lẽo.

Với niềm tin vào Đảng và lòng tốt của các cán bộ đã giúp đỡ cho hoàn cảnh sống của những người con chị Út Tịch trong nhiều năm qua, chị Hai Tiến mong rằng cơ quan chức năng huyện Phú Quốc có chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho con cái người có công với cách mạng, với quỹ đất được gia đình khai hoang từ năm 1993. Đáng tiếc là gần 1 năm qua, chị vẫn chưa nhận được phản hồi của UBND huyện Phú Quốc.

Khi câu chuyện này được chúng tôi chia sẻ với nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình, là một người con đất Kiên Giang, thì bất ngờ được biết, trong kháng chiến chống Mỹ, lúc cậu bé Nguyễn Chiến Bình cũng vì hoàn cảnh cha mẹ phải đi công tác thường xuyên, được gửi sống nhờ nhà dân, tham gia học văn hóa tại Trường Lý Tự Trọng trong chiến khu. Khi đó chị Út Tịch đã dắt người con là Lâm Thanh Hiển, đến thăm và tặng cậu bé “tuy nhỏ mà lanh” mảnh vải dù làm chăn đắp. Đây là kỷ niệm không thể nào quên, vẫn được nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình nhắc lại mỗi khi về lại chiến trường xưa.

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đã xúc động khi nghe nhắc đến việc làm có ý nghĩa của chị Hai Tiến và đề nghị báo chí phản ánh đậm nét hơn nữa về tấm gương sáng này để cơ quan chức năng huyện Phú Quốc làm tốt hơn chính sách đền ơn đáp nghĩa cho các gia đình có công với cách mạng. Đây là sự thể hiện rõ nét sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, là bước đi cụ thể của chủ trương không ai bị bỏ lại phía sau của Chính phủ.

Văn Vũ