Hải Phòng phát triển trở thành thành phố tầm cỡ châu Á

Đời sống - Ngày đăng : 12:11, 26/01/2019

Năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bên vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và đến năm 2045 có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Đó là mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 45- NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vừa được Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 24/1/2019.

Tại cuộc họp báo chiều 25/1 do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, ông Nguyễn Hữu Doãn - Trưởng ban Tuyên giáo Hải Phòng đã thông tin về nội dung Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo đó, Nghị quyết số 45- NQ/TW của Bộ Chính trị đưa ra 5 quan điểm, 3 mục tiêu, 8 nhiệm vụ và giải pháp phát triển thành phố Hải Phòng. Việc xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế. Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển vùng Bắc Bộ và cả nước.

Nghị quyết cũng chỉ ra, cần chú ý giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa phát triển nhanh và bền vững; các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế- xã hội của Hải Phòng phải gắn liền với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, sinh thái.

Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi cao, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh cao. Tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức Đảng.

Mục tiêu là xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, động lực phát triển của Bắc bộ và cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế và giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học- công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, an ninh được giữ vững. 

Đến năm 2025, Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm (GDP) cả nước đạt khoảng 6,4%. Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2018 - 2025 tối thiếu là 13%. GRDP bình quân/người đạt 14.740 USD. Thu ngân sách trên địa bàn 180.000 đến 190.000 tỷ đồng. 

Đến 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước đạt 8,2%; đóng góp vào GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ 28,3%; tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026 - 2030 thấp nhất là 12,5%; GRDP bình quân/người đạt 29.900 USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 300.000 - 310.000 tỷ đồng. 

Tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới. 

Hải Phòng phát triển trở thành thành phố tầm cỡ châu Á

Khu đô thị ngã năm Sân bay Cát Bi

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Chính trị cũng đặt ra 8 nhiệm vụ, giải pháp để Hải Phòng thực hiện, các cấp ngành và địa phương phối hợp.

Thứ nhất là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó các nguồn lực xã hội cả trong nước và ngoài nước là quan trọng, các nguồn lực Nhà nước giữ vai trò định hướng dẫn dắt.

Thứ hai là coi trọng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với nước biển dâng.

Thứ ba, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ, hiện đại; đẩy mạnh liên kết vùng trong tam giác phát triển Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, các địa phương ven biển Đông Bắc, hai hành lang kinh tế giữa Việt Nam và Trung quốc. 

Thứ tư là phát triển mạnh các thành phần kinh tế để tạo đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội của thành phố Hải Phòng, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế. 

Thứ năm, xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển khoa học, công nghệ của cả nước. 

Thứ sáu là phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. 

Thứ bảy, phát triển kinh tế- xã hội với củng cố quốc phòng- an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Thứ tám là trung chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.

Vũ Ba