Xử lý, kỷ luật cán bộ phải đảm bảo tính răn đe
Chính trị - Ngày đăng : 08:29, 26/10/2016
Nhiều vấn đề trong công tác bổ nhiệm
Phiên họp diễn ra từ ngày 17-21/10, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, xử lý kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 và một số cá nhân. Theo đó, Ban cán sự Đảng (BCSĐ) Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016, đã có những vi phạm, khuyết điểm lớn, đáng chú ý là việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ... Cụ thể là những vi phạm trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh và một số cán bộ vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện; Đánh giá, quy hoạch cán bộ một số trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình; để đồng chí Vũ Huy Hoàng, Bí thư BCSĐ tự ý đề nghị phê duyệt bổ sung quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với Trịnh Xuân Thanh và một số trường hợp khác; Vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Doanh nghiệp trong việc bổ nhiệm đồng chí Vũ Quang Hải (con trai Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng) làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; điều động, đề cử tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)…
Theo UBKT ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016. Cá nhân ông Vũ Huy Hoàng có những vi phạm, khuyết điểm như: Thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai giữ các chức vụ: làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng giám đốc Sabeco; vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Thực hiện không đúng thẩm quyền khi đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang; Báo cáo không trung thực về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với Trịnh Xuân Thanh…
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016; cảnh cáo đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo kiểm điểm, thi hành kỷ luật các tổ chức và cá nhân vi phạm theo quy định; thu hồi, hủy bỏ các quyết định sai trái trong công tác cán bộ của Bộ Công Thương. Đồng thời, UBKT cũng ban hành quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương; cảnh cáo đối với ông Đào Văn Hải, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Công Thương.
Cùng thời điểm này, tại Hải Dương, thông tin Sở LĐ-TB&XH tỉnh này có 46 biên chế cán bộ công chức thì có tới 44 cán bộ từ cấp phòng trở lên, chỉ có 2 người là chuyên viên được các phương tiện thông tin phản ánh. Sự việc này càng làm dấy lên những nghi ngại, bất bình trong xã hội về việc bổ nhiệm cán bộ tràn lan, sau những bức xúc của dư luận liên quan đến việc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa bổ nhiệm tới 8 Phó giám đốc hay việc tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà ở một số địa phương thời gian qua.
Từ những sự việc nêu trên, trong hai ngày 21 và 22/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có hai chỉ đạo liên quan đến việc thanh tra công vụ về việc tuyển dụng lao động, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức ở một số địa phương.
Lựa chọn hình thức kỷ luật để đảm bảo tính răn đe
Sự kiện này cũng được nhiều ĐBQH quan tâm và cho rằng kết luận của UBKT Trung ương về các trường hợp trên là quan trọng và đúng nguyên tắc, thẩm quyền.
Theo ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cá nhân ông rất đồng tình với kết luận này nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Vì cần phải xác định được, đằng sau những sai phạm trong vụ việc bổ nhiệm cán bộ ở Bộ Công Thương thì có động cơ, mục đích gì và hậu quả của nó ra sao? Một cán bộ như Trịnh Xuân Thanh đã bộc lộ sự vi phạm pháp luật, biết không đủ tiêu chuẩn mà vẫn đồng ý để thuyên chuyển, đề bạt, bổ nhiệm giao trọng trách cho người ấy, liệu có tiêu cực hay không, cần phải làm rõ, ông Mão nhận định.
Kết luận trên của UBKT Trung ương là mới chỉ làm ở cơ quan Đảng, cơ quan này chỉ xem xét kỷ luật cán bộ, trong đó hình thức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng, cụ thể ở đây là Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị mức xử lý cảnh cáo về Đảng đối với ông Vũ Huy Hoàng. Chúng ta không thể không đi đến cùng với một vụ việc hết sức nghiêm trọng như vậy. Quan trọng là việc kiểm soát quyền lực, chính kiểm soát quyền lực không tốt dẫn tới công tác cán bộ không tốt, dẫn tới tham nhũng và từ đó gây bức xúc nhân dân. Vì thế, sau khi UBKT Trung ương có kết luận thì các cơ quan chức năng khác của nhà nước như Thanh tra Chính phủ, các Bộ ngành liên quan phải tiếp tục vào cuộc làm rõ, kết luận rõ, đây là vấn đề dư luận rất quan tâm.
Ông Vũ Mão cũng cho hay, lâu nay chúng ta vẫn nói về hưu rồi là “hạ cánh an toàn”. Quan niệm như vậy là không đúng và càng không nên để họ hạ cánh an toàn nếu họ thực sự có những vấn đề liên quan, để lại hậu quả do trách nhiệm của mình khi đang đương chức. Những người dù đã về hưu nhưng có liên quan đến trách nhiệm của mình khi còn đương chức thì vẫn phải đưa ra xem xét, xử lý, như thế mới là công bằng. Còn những người đang đương chức thì đương nhiên là phải xem xét xử lý theo đúng quy định pháp luật, nguyên tắc, điều lệ của Đảng. Có như vậy mới góp phần xây dựng xã hội phát triển ngày càng ổn định hơn.
Cũng nhận định về vấn đề trên, ĐBQH Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTWMTTQ Việt Nam cũng cho rằng, cần tiếp tục làm cụ thể, cẩn thận, chứ không chỉ dừng lại ở những việc chung. Vì liên quan đến vi phạm quy định của Nhà nước, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Hình sự, xâm phạm đến nhiều lợi ích chung, hình thức kỷ luật cảnh cáo là chưa bảo đảm tính răn đe. Trong trường hợp này phải làm rõ những dấu hiệu đã có thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ mới đến nơi, đến chốn.
Liên quan đến việc tỉnh Hải Dương một Sở có tới 44 lãnh đạo trong khi chỉ có hai nhân viên, ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng từ thực tế này, cần rà soát lại tổng thể, kể cả việc bổ nhiệm ở cuối nhiệm kì vừa qua, nhằm làm rõ mối nghi ngờ của dư luận về việc có người lợi dụng để bổ nhiệm ồ ạt trước khi về hưu hay không. Ông cho biết, Quốc hội khóa XIV dự kiến có một chương trình giám sát tối cao về công tác tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vào năm 2017 để cùng với Chính phủ đánh giá một cách toàn diện về hệ thống tổ chức bộ máy và công chức, viên chức. “Thời gian tới, cần kiên quyết làm tốt vấn đề này, kẽ hở cần chấn chỉnh nhất là trách nhiệm của người đứng đầu”. Ông nói.
Liên quan đến việc thực hiện thanh tra công vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, cơ quan này đã họp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, tiến hành thành lập đoàn thanh tra công vụ để kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương.