Hà Nội: Làm sống lại khuôn viên tại Thủ đô
Đời sống - Ngày đăng : 14:52, 17/01/2019
Mật độ dân cư không ngừng tăng cao do xu thế người dân từ các tỉnh đổ về thủ đô sinh sống, làm việc và định cư lâu dài chưa bao giờ dừng lại. Con số ngày một tăng cao, nên nhu cầu lớn về không gian xanh và sân chơi lành mạnh rất thiết yếu... Cụ thể, mật độ dân cư khu vực nội thành trung bình từ 11.220 người/km2. Đặc biệt, tại quận Đống Đa mật độ dân cư lên tới 43.302 người/km2.
Khi mật độ dân cư càng cao, thì khoảng không gian dành cho vui chơi, giải trí, thư giãn của người dân càng bị thu hẹp lại. Vì vậy, bài toán tận dụng diện tích khu sinh hoạt công cộng sao cho hiệu quả, phát huy tối đa công năng “tấc đất, tấc vàng” là điều hết sức cần thiết đến mức cấp thiết. Theo khảo sát của một cơ quan độc lập, hiện trạng hệ thống cơ sở vật chất tại một số công viên có diện tích rộng hàng đầu thủ đô như: Thống Nhất, Nghĩa Đô, Cầu Giấy,... đều đã xuống cấp. Nguyên nhân do đã được đầu tư, lắp đặt từ lâu, nên chất lượng thiết bị cũng như số lượng không còn đủ đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân.
Trên hết, vị trí các công viên này thường nằm xa khu dân cư, phần lớn không thuận tiện cho việc đi lại. Trong khi nơi vui chơi, giải trí công cộng cho người lớn ngày càng thu hẹp thì điểm vui chơi cho trẻ em lại càng hiếm hoi và bộn bề khó khăn. Đây là trăn trở lớn của lãnh đạo thành phố và cũng là sự quan tâm đặc biệt của người dân Thủ đô.
Việc đầu tư, sử dụng, quản lý điểm tập thể dục thể thao và vui chơi công cộng sao cho hiệu quả được đánh giá là một bài toán khó đối với các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhu cầu cải thiện sức khỏe, giao lưu cộng đồng là rất cần thiết trong giai đoạn phát triển như vũ bão của nền công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng.
Hướng tới mục tiêu của UBND thành phố Hà Nội nhằm cung cấp cho khu vực nội đô, các công viên đạt được diện tích công viên trung bình 3,92m2/người, các vườn hoa cấp đơn vị ở mức 1m2/người. Đây sẽ là địa điểm thu hút người lớn tuổi và trẻ em trong khu dân cư tham gia thường xuyên nhờ khoảng cách thuận tiện. Chính phủ đã có cuộc gặp gỡ các công nhân viên cũng như gia đình các cán bộ tại 38 khu công nghiệp. Thành phố đã cam kết sẽ tạo điều kiện về đời sống, tinh thần, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả công việc của các hộ gia đình công nhân (khoảng 140.000 người).
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố Hà Nội, 1000 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố đang được triển khai và đi vào hoạt động với sự ủng hộ của người dân cũng như du khách. Đồng thời, thành phố cũng kêu gọi xã hội hoá về các dịch vụ phục vụ cộng đồng ở các công viên, vườn hoa. Đây là hành động hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của UBND thành phố Hà Nội nhằm đảm bảo đời sống, an ninh xã hội cho khu dân cư, cũng như tập thể cán bộ tại các khu công nghiệp, nơi có nhu cầu thiết yếu về đời sống tinh thần mà trước đây chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức.
Được biết, sau dự án 1000 nhà vệ sinh công cộng thành công, đơn vị này tiếp tục đề xuất dự án xây dựng lắp đặt đồng bộ hệ thống 100 sân tập thể dục thể thao ngoài trời và 100 khu vui chơi trẻ em.
Dự án này hướng tới việc tận dụng những công viên, vườn hoa đã có trong thành phố để hoàn thiện môi trường sống sạch - đẹp - văn minh. Những không gian trước nay vốn đã sử dụng thiếu hợp lý trong thành phố sẽ được cải thiện tốt nhất. Các hồ tại công viên được cải tạo sạch đẹp để phục vụ người dân.
Đề xuất này giúp giảm tải cho các trung tâm vui chơi giải trí, các vườn hoa công viên lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, chủ trương giáo dục trẻ em toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần sẽ được thực hiện qua các hoạt động liên quan đến gắn kết cộng đồng và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các khu vui chơi trẻ em và tổ hợp sân tập thể dục thể thao phục vụ hoàn toàn miễn phí cho người dân.
Công trình công cộng cùng với việc cung cấp các dịch vụ cộng đồng từ lâu đã phổ biến ở các đô thị phát triển. Với sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Công ty Vinasing hy vọng dự án này sẽ là điểm đến hấp dẫn, tạo thói quen rèn luyện sức khoẻ, giao lưu, kết nối, sáng tạo và hoạt động nghệ thuật,... Những công trình như tổ hợp sân chơi nói trên không chỉ mang lại lợi ích lâu dài cho người dân mà còn tạo tiền đề, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong kiến tạo và phát triển cộng đồng.