Tăng chế tài xử phạt, nâng cao ý thức của người dân
Đời sống - Ngày đăng : 06:12, 18/12/2018
Ngày 10/10/2018, TAND huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa đã mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với với bị cáo Lê Văn Hân, sinh năm 1959 ở khu 4 thị trấn Lam Sơn về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015. Đây là vụ thứ 2 trên cả nước được tòa án đưa ra xét xử liên quan đến người đi bộ gây tai nạn giao thông.
Khoảng 14 giờ ngày 10/4/2018, tại đường quốc lộ 47 thuộc khu 5 thị trấn Lam Sơn, Lê Văn Hân đã có hành vi chạy qua đường không quan sát các phương tiện đang đi tới nên đã dẫn đến va chạm với người điều khiển xe mô tô. Hậu quả làm người điều khiển xe mô tô ngã xe dẫn đến tử vong.
Theo quy định “ở những nơi không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi đảm bảo an toàn và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn khi qua đường”. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và lời khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Lê Văn Hân 12 tháng cải tạo không giam giữ theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự.
Trước đó, cuối năm 2009, TAND huyện Mỹ Hào, Hưng Yên đã xét xử một vụ án hy hữu về tai nạn giao thông do người đi bộ gây tai nạn. Bị cáo là Nguyễn Thị Dương (SN 1990, sinh viên trường CĐ Bách khoa Hưng Yên) bị tuyên phạt 9 tháng tù, 18 tháng thử thách về hành vi cản trở giao thông đường bộ. Nữ sinh này đã trèo qua hàng rào phân cách để sang đường, khiến một người đi xe máy không kịp xử lí và đâm vào lề đường, tử vong.
Phiên tòa xét xử người đi bộ vi phạm an toàn giao thông tại TAND huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa
Thực tế hiện nay cho thấy số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ khá cao, chiếm 15% tỉ lệ số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nguyên nhân phần lớn số những vụ tai nạn trên do người đi bộ tùy tiện qua đường làm người điều khiển phương tiện không xử lí kịp; va chạm trực tiếp với người đi bộ hoặc tránh người đi bộ mà gây tai nạn với các phương tiện khác.
Đã từng có không ít vụ va chạm, tai nạn xuất phát từ sự thiếu ý thức của người đi bộ. Chẳng hạn, sáng ngày 24/10, ba người phụ nữ đang đi bộ tập thể dục trên khu vực đường Võ Nguyên Giáp (Hà Nội) thì bất ngờ bị một xe ô tô đâm trúng. Hậu quả, 2 người tử vong tại chỗ, 1 người bị thương rất nặng.
Cách đó ít năm, khoảng tháng 4/2014, trên đường Hồng Bàng quận 6, TP Hồ Chí Minh, một phụ nữ đi bộ qua đường không đúng nơi quy định đã xảy ra va chạm với một nam thanh niên đang điều khiển xe mô tô biển số 52X5-2696 lưu thông theo hướng từ vòng xoay Phú Lâm đi cây Gõ. Vụ va chạm làm người phụ nữ bị ngã xuống đường. Xe ô tô mang biển số 51B-033.37 lưu thông cùng chiều với xe mô tô bất ngờ, không tránh kịp nên đã cán qua. Hậu quả, nạn nhân tử vong tại chỗ, vụ tai nạn xảy ra khiến cho giao thông trên tuyến đường Hồng Bàng và các tuyến đường lân cân cận bị ùn tắc nghiêm trọng.
Ngày 2/11, trên phố Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chiếc xe bồn trộn xi măng do Nguyễn Huy T. (25 tuổi, quê Thanh Hóa) điều khiển di chuyển trên đường Vĩnh Tuy bất ngờ tông trúng ông Nguyễn Viết T. đang đi bộ sang đường. Vụ tai nạn khiến ông Nguyễn Viết T. ngã ra đường và bị xe bồn cán qua người, tử vong tại chỗ. Theo người dân chứng kiến vụ việc, người đàn ông đi bộ qua đường do không chú ý quan sát nên đã xảy ra vụ việc đáng tiếc trên.
Trước đó, anh Nguyễn Văn Chiến (Quảng Ninh) đi qua đường va chạm với xe tải do anh Bùi Văn Tám điều khiển. Hậu quả, anh Chiến tử vong tại chỗ. Nguyên nhân do anh Chiến sang đường không chú ý quan sát, lái xe tải không làm chủ được tốc độ.
Trên thực tế, việc xử lý người đi bộ vi phạm đã được quy định khá rõ trong nhiều văn bản luật như: Luật Giao thông đường bộ; Nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt… Luật Giao thông đường bộ quy định, nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ qua đường thì người đi bộ phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn và qua đường đúng các vị trí đó. Không đi đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người tham gia giao thông sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền… Quy định xử lý liên quan đã có, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, do đa số người đi bộ sai quy định vẫn ít bị xử lý nên dẫn đến hiện tượng “nhờn luật”.
Theo Nghị định 46, từ 1/1/2018, người bộ hành đi qua đường không đúng nơi quy định, vượt qua dải phân cách hoặc đi vào đường cao tốc, có thể bị phạt hành chính từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng. Còn theo quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260) không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà còn được mở rộng ra về “người nào tham gia giao thông đường bộ”. Theo đó, nếu người đi bộ băng qua đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 260 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì cũng đối diện với nguy cơ bị phạt tù ở khung cao nhất là 15 năm tù giam.
Tuy nhiên, theo ghi nhận tại Hà Nội, ở những khu vực giao thông phức tạp như Bến xe Mỹ Đình, người đi bộ vẫn thản nhiên nườm nượp qua đường. Thậm chí, quanh nhiều trường đại học và cao đẳng, mặc dù có cầu vượt bộ hành nhưng người dân vẫn chọn đi tắt qua đường.
Việc xử lý người đi bộ vi phạm gặp những khó khăn nhất định do mức phạt hiện nay rất thấp. Về cơ bản, CSGT chỉ xử lý các trường hợp đi lên đường cao tốc và nhắc nhở đối với một số trường hợp đi vào nơi không dành cho người đi bộ qua đường, chủ yếu hiện tại vẫn là nhắc nhở để người dân nâng cao ý thức.