Bổ sung 1.713 biên chế cho các Tòa án địa phương

Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012

Sáng nay 23-3, UBTVQH đã họp thảo luận và cho ý kiến về việc bổ sung biên chế cho ngành Tòa án nhân dân năm 2012-2013. Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Tú đã tham dự phiên họp.

Theo báo cáo của TANDTC, trong những năm qua, biên chế của ngành TAND đã được bổ sung để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, do tình hình số lượng án các loại thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành TAND tăng hàng năm khoảng 15-20%, và để thi hành Luật Tố tụng hành chính (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011) với các vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND tăng rất lớn, hay việc thành lập mới các Tòa án cấp huyện mới, công tác thi hành án hình sự… nên cần thiết phải tăng thêm biên chế.

Về đề nghị bổ sung số lượng biên chế, số lượng Thẩm phán TAND địa phương để thi hành Luật Tố tụng hành chính mới có hiệu lực thi hành, TANDTC dự kiến số lượng các vụ án hành chính từ các cơ quan Thanh tra cấp huyện chuyển sang TAND địa phương là 57.530 vụ. Căn cứ vào định mức xét xử của Thẩm phán, TANDTC đề nghị tăng 754 biên chế, trong đó có 62 Thẩm phán trung cấp và 310 Thẩm phán sơ cấp.

Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình phát biểu ý kiến tại phiên họp (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Về đề nghị tăng biên chế số lượng Thẩm phán giải quyết lượng án hàng năm, TANDTC không đề nghị tăng biên chế đối với TAND cấp tỉnh, mà chỉ đề nghị tăng biên chế đối với TAND cấp huyện là 786 người, trong đó có 393 Thẩm phán sơ cấp và 393 Thư ký Tòa án. Hiện nay đã có 10 đơn vị mới thành lập, Chánh án TANDTC đã ra quyết định thành lập TAND cấp huyện đối với các đơn vị đó. Vì vậy để bổ sung biên chế cho 10 Tòa cấp huyện này, TANDTC đề nghị tăng 80 biên chế, trong đó có 30 Thẩm phán sơ cấp và 50 cán bộ khác. Còn về biên chế phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, TANDTC đề nghị tăng thêm 128 biên chế TAND cấp tỉnh.

Như vậy, tổng biên chế mà TANDTC dự kiến tăng trình UBTVQH cho các lĩnh vực trên là 1.862 biên chế (trong đó có 62 Thẩm phán trung cấp và 878 Thẩm phán sơ cấp cho các TAND địa phương). Giữ nguyên biên chế TANDTC, Tòa án quân sự các cấp theo quy định tại Nghị quyết 770/2009/UBTVQH.

Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, số lượng cán bộ Tòa án địa phương hiện nay thiếu nhiều, do hàng năm số lượng cán bộ đến tuổi nghỉ hưu, chuyển ngành chiếm số lượng không nhỏ (mỗi năm trên 200 người), trong khi đó tuyển dụng cũng khó khăn hơn do nhiều sinh viên không thiết với ngành vì chế độ chính sách, tiền lương chưa có nhiều đãi ngộ, nhất là khu vực miền núi. Bên cạnh đó, với số lượng án hành chính tăng như hiện nay, nếu không tăng biên chế rất khó để làm được. Hướng của ngành trong thời gian tới sẽ tích cực tuyển dụng mới, thu hút từ các ngành khác sang và xây dựng riêng cho mình một trường đào tạo cử nhân để chủ động nguồn nhân lực.

Ủy ban Tư pháp Quốc hội đồng tình với đề nghị của TANDTC về việc tăng biên chế cho các TAND địa phương năm 2012 và 2013. Uỷ ban Tư pháp cho rằng, việc phân bổ số lượng Thẩm phán cho TAND địa phương ở thời điểm này cần phải tính đến yêu cầu trước mắt và lâu dài, phải có lộ trình cụ thể và tính dự báo đối với việc tổ chức lại hệ thống Tòa án cũng như thẩm quyền của Tòa án các cấp theo tinh thần cải cách tư pháp (nhất là sau năm 2013 dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Tổ chức Tòa án). Và trên cơ sở tính toán của Uỷ ban Tư pháp đề nghị bổ sung, tăng số lượng biên chế cho các Tòa địa phương là 1.713 biên chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình với việc tăng biên chế cho ngành Tòa án. Tuy nhiên, điều lo lắng hiện nay là làm thể nào để tuyển dụng được nguồn Thẩm phán chất lượng tốt. Và để làm được điều đó, cũng nên tính đến phương án thành lập một trường đại học phục vụ riêng cho ngành Tòa án. Đồng thời nên kéo dài thêm thời gian công tác cho những Thẩm phán lâu năm có kinh nghiệm, có trình độ chuyên khi đến tuổi về hưu để tăng thêm nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Tòa án.

Còn đại biểu Phan Trung Dũng thì cho rằng, việc tăng biên chế cho ngành Tòa án là rất cần thiết, nhưng không nên gói gọn trong một hay hai năm mà phải có chiến lược dài hạn đến 2015.

Kết luận vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhất trí với Tờ trình bổ sung số lượng biên chế của TANDTC đối với Tòa án địa phương, tuy nhiên chốt con số cuối cùng theo đề nghị của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội là 1.713 biên chế. Với số lượng biên chế này giao TANDTC phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyển dụng sao cho đủ biên chế và đạt chất lượng đầu vào tốt. Không hạn chế về thời gian là năm 2012 hay 2013 phải hoàn thành tuyển đủ mà có thể đến năm 2014 để không gây sức ép cho ngành Tòa án về chất lượng tuyển dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh thêm, đồng ý đề xuất bổ sung thêm 1.713 biên chế của Tòa án địa phương năm 2012 đến 2013, giữ nguyên biên chế TANDTC và TAQS các cấp. Để tuyển dụng đủ số lượng biên chế này, ngành Tòa án nên động viên, khuyến khích, và thu hút được nguồn nhân lực từ các ngành khác như Luật sư, cán bộ Thi hành án, Thanh tra …hay kéo dài thời gian công tác của Thẩm phán đến tuổi nghỉ hưu. Việc đào tạo cán bộ cho ngành Tòa án cũng phải nghiên cứu, nhưng nên có hướng đào tạo theo địa chỉ, mới đảm bảo sau khi tốt nghiệp cán bộ về địa phương công tác.

Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bổ sung 1.713 biên chế cho TAND địa phương năm 2012 và 2013.

M.Thoa

congly.com.vn