Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ đang gồng mình chống bão số 9
Đời sống - Ngày đăng : 08:09, 26/11/2018
Nhiều tuyến đường ngập sâu hơn 50cm, phương tiện ngập trong nước. (Nguồn: TTXVN phát)
Tại thành phố Hồ Chí Minh, mưa lớn kéo dài trong ngày 25/11, trên diện rộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do ảnh hưởng của bão số 9, kết hợp với triều cường lên cao đã gây ngập sâu nhiều tuyến đường.
Các tuyến đường ngập sâu hơn 1m, nước tràn vào nhà dân ở ven đường và khu vực thấp trũng. Nhiều người dân thành phố đã phải gồng mình chống ngập nước tràn vào nhà, lưu thông trên đường.
Ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định cho học sinh nghỉ học trong ngày 26/11.
Theo phóng viên của TTXVN, đến 22 giờ ngày 25/11, mưa lớn vẫn diễn ra và gây ngập hàng loạt tuyến đường ở các quận 2, 8, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp…
Các tuyến đường bị ngập sâu như Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), Lã Xuân Oai (Quận 9), Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), khu Thảo Điền (Quận 2), Nguyễn Văn Quá (Quận 12), khu vực ngã ba mũi tàu giao giữa đường Tỉnh lộ 43 - Bình Chiểu - Lê Thị Hoa và đường Bình Chiểu (quận Thủ Đức)...
Nước ngập sâu có nơi đến gần 1m khiến hàng loạt xe gắn máy, ôtô bị chết máy trên đường. Thậm chí, có chỗ nước ngập sâu, xe ôtô lưu thông vào bị ngập hơn nửa xe khiến xe chết máy, tài xế phải bỏ xe thoát thân.
Tương tự, tại tuyến đường Tô Ngọc Vân, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, nước ngập sâu từ 30-50cm khiến hàng loạt xe lưu thông bị chết máy phải bì bõm dắt bộ trên đường.Do khu vực này trũng thấp và nước từ cống hộp số 6 Linh Tây đổ về mạnh nên gây ngập cho toàn bộ khu vực dân cư phía phường Linh Đông và đoạn đường Tô Ngọc Vân giao với đường sắt Bắc Nam cũng bị ngập sâu trong nước.
Cũng trên địa bàn quận Thủ Đức, mưa lớn làm tuyến Quốc lộ 1, 13, Gò Dưa… bị ngập nước gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, nhiều đoạn nước ngập lênh láng, đặc biệt là đoạn gần giao lộ với đường Võ Văn Kiệt, nước dâng cao gần nửa mét, đen đặc, bốc mùi hôi thối.
Đến tối 25/11, nhiều gia đình dọc tuyến đường Phạm Thế Hiển, quận 8, vẫn phải thức để canh, tát nước mưa tràn vào nhà.
Mưa ngập đã gây ách tắc trên đại lộ Nguyễn Tất Thành nối từ TP Nha Trang đi sân bay Cam Ranh. Ảnh Zing
Theo thống kê của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh thành phố Hồ Chí Minh, đến 17 giờ, ngày 25/11, mưa lớn đã làm một Cây Sao loại 2 với đường kính 40-50cm trên đường Mạc Thiên Tích (Quận 5) và một Cây Sao loại nhỏ trên đường Hoàng Diệu (Quận 4) bị ngã đổ nhưng không gây thiệt hại về người, nhà cửa của người dân. Sau khi sự cố xảy ra, lực lượng công nhân của công ty đã triển khai xử lý đảm bảo lưu thông đi lại của người dân.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lớn, tối 25/11, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo khẩn gửi các phòng giáo dục và đào tạo, các trường học trên địa bàn thành phố thông báo cho học sinh nghỉ học ngày ngày 26/11 (thứ Hai).
Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng đã có quyết định cho học sinh huyện Cần Giờ nghỉ học đến thứ ba (27/11) do ảnh hưởng bão số 9.
Cây hàng chục năm ở trường Tiểu học Hòa Bình (TP Vũng Tàu) bị bật gốc do bão. Ảnh: Huy Thành.
Trước đó, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào lúc gần 18 giờ ngày 25/11, mưa và gió giật vẫn tiếp diễn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và không có dấu hiệu suy giảm. Tình trạng mất điện cục bộ đã xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó nặng nhất là thành phố Vũng Tàu tại điểm ngã tư Lý Thường Kiệt và Trương Công Định, đường 30/3 do cây xanh đổ vào đường dây, cột điện.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, do việc phòng chống tốt nên bão Usagi khi đổ bộ vào đất liền đã không gây thiệt hại lớn đối với các cơ sở giáo dục.
"Một số trường có cây bị gãy cành, ngã và có trường bị bay vài tấm tôn. Nhiều trường là nơi sơ tán dân tránh bão không kịp dọn dẹp, sắp xếp bàn ghế, tháo gỡ chằng cột cửa phòng học nên Sở cho học sinh nghỉ học vào ngày 26/11 ", ông Giang nói.
Ngoại trừ học sinh huyện Côn Đảo, không bị tác động của cơn bão, số học sinh được nghỉ học là hơn 200.000 em.
Bão số 9 đổ bộ lên đất liền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trưa 25/11 với gió giật cấp 8, kèm mưa rất to khiến hàng trăm cây xanh bị bật gốc, đường phố ở Vũng Tàu bị ngập nặng. Nhiều nhà dân không kiên cố cũng đã bị gió bão thổi bay.
Giám đốc Sở Điện lực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Giáp cho biết, càng về tối, gió càng giật mạnh, cây xanh ngã đổ vào đường dây điện nhiều hơn và người dân liên tục gọi điện báo. Điện lực đã huy động toàn bộ lực lượng sẵn sàng sửa chữa đường điện nhưng hiện mưa gió lớn nên không thể triển khai được. Đã có công nhân điện bị ngã khi cố khắc phục đường điện.
Theo thông tin từ các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh này, cây xanh bị gãy đổ rất nhiều, trong đó có nhiều nhất là trên các tuyến đường của thành phố Vũng Tàu. Nguyên nhân là do mưa kéo dài từ đêm hôm trước và cả ngày hôm nay, khiến gốc cây no nước, rễ cây không còn bám đất, đổ khi gió giật mạnh.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến 16 giờ ngày 25/11, thiệt hại ban đầu trên địa bàn tỉnh gồm 24 căn nhà, trong đó nhiều nhất là huyện Long Điền 12 căn và 1 trường tiểu học tạm bị tốc mái, 1 căn nhà bị cháy do chập điện, và 4 công trình phụ bị sập gồm tường bao, bếp chòi canh, 4 tàu cá loại nhỏ (dưới 20CV) bị hư hỏng tại Bãi Trước (Thành phố Vũng Tàu). Bờ bao bãi bùn (nạo vét từ sông lên) ở Long Sơn (thành phố Vũng Tàu) bị vỡ khoảng 25 mét, bùn tràn ngược lại ra sông. Tính đến thời điểm hiện tại chưa có thiệt hại về người./.
Các lực lượng cứu hộ vận chuyển người dân ra khỏi vùng ngập lụt. (Ảnh: Hải Âu/Vietnam+)
Bình Dương lúc 20 giờ 30 phút ngày 25/11, lực lượng cứu hộ-cứu nạn (thuộc Công an phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Dương) đã giải cứu hàng chục người dân sống ở khu vực Suối Giữa thuộc phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã mắc kẹt trong lũ lớn.
Ảnh hưởng bão số 9 đã gây mưa như trút xuống địa bàn thành phố Thủ Dầu Một từ trưa cho đến tối 25/11. Lũ từ thượng nguồn chảy về khu vực Suối Giữa tràn qua bờ dâng cao hơn một mét làm chia cắt hoàn toàn khu vực đường Hồ Văn Cống.
Theo một số người dân cho biết nước dâng lên quá nhanh khiến các hộ dân sống ở khu vực Suối Giữa tại phường Tương Bình Hiệp bị mắc kẹt trong lũ, phải nhờ đến lực lượng chức năng đến giải cứu. Tính đến 20 giờ 30 phút, đội cứu hộ - cứu nạn đã đưa được hàng chục người dân đến nơi an toàn.
Ghi nhận tại hiện trường, cả khu vực đoạn qua trạm thu phí Suối Giữa trên Đại lộ Bình Dương bị ngập sâu trong nước lũ. Nặng nhất là khu vực đường Hồ Văn Cống bị ngập sâu hơn một mét. Nước từ Suối Giữa chảy xiết tràn ngang đường gây chia cắt đường Hồ Văn Cống đến phường Tương Bình Hiệp.
Hiện lực lượng chức năng đang bố trí lực lượng ứng trực hai đầu đường, cấm các phương tiện lưu thông qua đoạn nguy hiểm, vì nước suối đổ về ngày càng dâng cao và chảy xiết rất nguy hiểm cho người đi đường.
Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương, do ảnh hưởng của bão số 9, tính từ lúc 0 giờ đến 20 giờ ngày 25/11, trên địa bàn tỉnh đã có mưa rất to liên tục trên diện rộng.Theo số liệu tại các trạm đo mưa tự động trên địa bàn tỉnh như tại thành phố Thủ Dầu Một lượng mưa là 232,6 mm, thị xã Thuận An là 214,2 mm, thị xã Tân Uyên là 172,6 mm, thị xã Dĩ An là 163,4mm , thị xã Bến Cát là 163,8mm.
Trên Sông Sài Gòn đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương, mực nước đạt 1,23m lúc 6 giờ ngày 25/11; tại Cảng Bà Lụa - Thủ Dầu Một, thấp hơn báo động III là 0,07m. Sông Đồng Nai mực nước đạt 1,42m lúc 6 giờ ngày 25/11 tại trạm Biên Hòa, thấp hơn báo động I là 0,18m. Sông Bé mực nước đạt 22,16m lúc 7 giờ ngày 25/11 tại trạm Phước Hòa, thấp hơn báo động I là 6,84m.
Theo thông tin ban đầu, do có mưa to kèm gió lốc đã gây thiệt hại một số nơi trên địa bàn Thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, huyện Bắc Tân Uyên. Cụ thể như tại Thành phố Thủ Dầu Một gãy đổ 1 cây tràm đường kính khoảng 50cm đè lên hệ thống dây điện tại đường ĐX 054, phường Phú Mỹ, đoạn gần Đình An Mỹ. Mưa làm nước dâng ngập một số đoạn đường 30/4, Cách mạng tháng 8 ở đoạn Cầu Trắng, Cống qua đường Nguyễn Thị Minh Khai ở phường Phú Hòa, Đường Quốc lộ 13 ở đoạn Cống qua đường suối Cát.
Còn tại thị xã Thuận An, khu vực phường Lái Thiêu bị ngập đường Quốc lộ 13 trước siêu thị Lotte khoảng 1.500m, độ sâu từ 0,2 đến 0,3m. Địa bàn của phường An Phú bị ngập khoảng 10ha tại khu dân cư khu phố 03, với độ sâu ngập khoảng 0,2 đến 0,6m. Tại huyện Bắc Tân Uyên bị ngập 8ha lúa tại cánh đồng Bưng Kè, ấp 1, xã Tân Mỹ.
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một đã phối hợp cùng chính quyền địa phương huy động lực lượng hỗ trợ người dân di dời tài sản ra khỏi vùng ngập, trợ giúp nhân dân đi lại an toàn; khẩn trương thu dọn cây xanh bị ngã, đổ; xử lý khắc phục sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng; triển khai lực lượng phân luồng, điều tiết, hướng dẫn giao thông, đảm bảo giao thông tại các tuyến đường quan trọng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Dương, khu vực tỉnh Bình Dương đêm 25/11 và ngày 26/11, trời nhiều mây. Đêm 25/11 và sáng 26/11 có mưa to đến rất to (100-150mm), rải rác có dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, xoáy và gió giật mạnh. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 3, cấp 4. Nhiệt độ cao nhất từ 26 đến 28 độ. Nhiệt độ thấp nhất từ 22 đến 24 độ. Cần đề phòng gió giật mạnh, lốc xoáy, sét và ngập úng.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương đề nghị các địa phương, các ngành có liên quan tiếp tục trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của áp thấp nhiệt đới để ứng phó kịp thời. Toàn tỉnh khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi cần thiết; triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó với mưa lớn, dông lốc, sét, ngập úng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9.
Đại lộ Nguyễn Tất Thành nối TP Nha Trang và sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) bị ngập sâu do mưa lũ. Ảnh: Bình Minh.
Cũng trong ngày 25/11, mưa lớn trên diện rộng Khánh Hòa khiến nhiều tuyến đường giao thông bị tê liệt, nhiều hồ chứa buộc phải xả lũ, các địa phương đang tiếp tục sơ tán dân.
Mưa lớn khiến bốn hồ chứa nước tại khu vực phía Nam tỉnh Khánh Hòa như Suối Dầu, Suối Hành, Cam Ranh, Tà Rục buộc phải điều tiết xả lũ từ 27 đến 180 m3/s.
Các hồ chứa xả lũ kết hợp với mưa lớn gây ngập nhiều khu dân cư và nhiều tuyến đường tại TP Cam Ranh và huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Tuyến quốc lộ 1 đoạn qua TP Cam Ranh, huyện Cam Lâm rạng sáng nay bị ngập sâu khiến các phương tiện không thể đi lại được do nước ngập sâu và chảy xiết.
Tuyến đường sắt cũng bị tê liệt, ngành đường sắt buộc phải dùng xe ôtô để trung chuyển, giải cứu các hành khách trên các chuyến tàu mắc kẹt do nước lũ.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Cam Ranh cho biết, địa phương đang sơ tán hàng trăm hộ dân để tránh lũ. Tại huyện miền núi Khánh Sơn, mưa lớn đã làm mực nước trên các sông, suối dâng cao nhanh chóng, làm ngập các cầu tràn, khiến cô lập nhiều khu dân cư. Cụ thể, tuyến tỉnh lộ 9 đoạn qua thị trấn Tô Hạp, xã Sơn Lâm bị ngập sâu, đã cô lập 4 xã Sơn Lâm, Sơn Bình, Thành Sơn, Ba Cụm Nam với trung tâm huyện.
Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, mực nước trên các sông, suối đang dâng cao gây chia cắt cục bộ nhiều điểm trên toàn huyện.
Địa phương sơ tán khẩn cấp 30 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu ở khu vực ven sông, suối, triền núi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Xã Ba Cụm Nam và thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) đã cắt điện hoàn toàn để tránh gây nguy hiểm cho người dân trong mưa lũ.
Trước tình hình mưa lớn, cơ quan chức năng Khánh Hòa yêu cầu các địa phương cắm biển cảnh báo nguy hiểm vùng xung yếu, lập chốt cắt cử lực lượng túc trực ở hai đầu cầu tràn không cho người dân qua lại. Địa phương cũng tuyệt đối ngăn cấm không cho người dân ra khu vực sông suối trong thời điểm nước lũ đang dâng cao.
Do ảnh hưởng của bão số 9 khiến tuyến đường sắt qua Ninh Thuận bị tê liệt.
Tại Ninh Thuận từ đêm 24 đến sáng ngày 25/11 do ảnh hưởng của bão số 9, gây mưa lớn và lũ lụt làm xói mòn đất đá dưới đường ray qua tỉnh Ninh Thuận. Ngành đường sắt đang lên phương án chuyển tải hành khách bằng đường bộ., Lớp đất chân đường ray bị xói mòn khiến giao thông bị ảnh hưởng
Theo đó , tất cả các tàu Bắc và Nam chạy đến khu vực Cà Ná, Hòa Tân đều phải dừng lại khẩn cấp. "Mưa lũ ở Ninh Thuận gây ngập đường ray, xói mòn lớp đất chân đường ray khiến giao thông bị ảnh hưởng", vị lãnh đạo ngành đường sắt chia sẻ.
Ngành đường sắt đã lên phương án chuyển tải hành khách bằng đường bộ. Do đường sắt qua khu vực đang ngập nặng và mưa lũ từ trên núi đang đổ xuống nên chưa biết khi nào sẽ khắc phục xong.
Sáng cùng ngày, bà Nguyễn Thị Diệu Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, Ninh Thuận cho biết, một số xã ở địa phương hiện đang bị ngập do hồ chứa nước Bà Râu xả lũ. "Tại các điểm ngập nặng chúng tôi bố trí lực lượng chốt trực để ứng phó khi có sự cố xảy ra. Các điểm ngập ở khu vực đường sắt địa phương cũng bố trí lực lượng phối hợp với ngành đường sắt để đảm bảo an ninh trật tự", bà Tuyết thông tin.
Bên cạnh đó, thiệt hại về kinh tế do cơn bão số 9 gây ra cũng đang khiến hàng chục hộ nuôi tôm hùm, nuôi cá ở vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) đang điêu đứng vì thiệt hại quá nặng, có người trắng tay.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, nước lũ từ thượng nguồn đổ về chảy xuống khu vực nuôi trồng thủy hải sản trong vịnh Vĩnh Hy khiến tôm hùm, cá bốp nuôi bằng lồng bè bị chết hàng loạt.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Hải, hiện có 84 bè với 200 lồng; trong đó 80 lồng cá, 120 lồng tôm của 61 hộ bị thiệt hại với ước tính khoảng 12 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Hải cho biết, nguyên nhân tôm hùm, cá chết được xác định là do sốc nước lũ đổ về vùng nuôi. Những thiệt hại về tôm hùm nuôi, cá lồng ở vịnh Vĩnh Hy chỉ là thống kê ban đầu, số thiệt hại có thể còn tăng lên vì tại các vùng nuôi hiện nay đã bị ngọt hóa có thể sẽ khiến các loài hải sản nuôi trong lồng bè bị sốc nước.
Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Hải hiện đang tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chức năng cử lực lượng xuống khảo sát, tiếp tục giúp người dân di chuyển lồng nuôi đến nơi khác có nguồn nước tốt hơn, khẩn trương khắc phục hậu quả.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 26/11, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và phía Nam của Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-70mm, có nơi trên 100mm. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông nên từ 27/11 các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến: Các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày). Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1. Trong khi đó, từ 28/11, trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và các tỉnh miền Đông Nam Bộ xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận phổ biến ở mức báo động 1- báo động 2, các sông nhỏ lên trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2-3. Sáng 26/11 một số nơi tại thành phố Hồ Chí Minh, Long An đã có mưa to đến rất to như: Tân Trụ (Long An) 165,6mm, Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) 87mm, Hóc Môn 78mm, Bình Chánh 64,4mm. Theo nhận định, trong 1-3 giờ tới, khu vực này tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Tình trạng ngập lụt tại vùng trũng thấp, đô thị ở các Long An, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục diễn ra. Dự báo các vùng ngày 26/11: phía Tây Bắc Bộ, có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây trời nắng. Đêm và sáng trời rét. Độ ẩm từ 55-93%. Nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ, vùng núi cao có nơi dưới 13 độ, cao nhất 24-27 độ C, có nơi trên 27 độ C. Phía Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội ngày nắng. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Đêm và sáng sớm trời rét. Độ ẩm từ 50-90%. Nhiệt độ thấp nhất từ 15-18 độ, vùng núi 12-14 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ, cao nhất 24-27 độ C. Khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, riêng Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Phía Bắc đêm và sáng sớm trời rét. Độ ẩm từ 70-100%. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ, cao nhất từ 24-27 độ C. Đà Nẵng-Bình Thuận, có mưa to đến rất to và dông. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 75-100%. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ, cao nhất 24-27 độ C. Tây Nguyên, có mưa vừa, mưa to và dông, riêng phía Nam có mưa to đến rất to. Gió Đông Bắc cấp 3-4. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 70-100%. Nhiệt độ thấp nhất từ 18 -21 độ, cao nhất từ 24-27 độ C. Nam Bộ, ngày có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Gió mạnh cấp 3-4, riêng miền Đông trong tối nay còn có gió giật mạnh và khả năng lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ. Độ ẩm từ 75-100%. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ, cao nhất từ 26-29 độ C. |