Chuỗi ngày tăm tối nơi đất khách của cô gái Mông
Đời sống - Ngày đăng : 08:32, 20/11/2018
Bi kịch bắt nguồn từ sự cả tin
Tính đến giờ cũng đã gần 8 năm trôi qua, kể từ ngày trốn thoát khỏi động mại dâm phía bên kia biên giới, thế nhưng gương mặt Vừ Thị Sùa (SN 1989, người dân tộc Mông, ở Si Ma Cai, Lào Cai) vẫn lộ rõ vẻ bàng hoàng, kinh sợ mỗi khi nhắc nhớ lại. Tất cả bi kịch của cô, đều khởi nguồn từ sự nhẹ dạ, cả tin.
Học đến lớp 4, do bố bị bệnh nặng nên Sùa đã phải bỏ học theo mẹ làm nương. 14 - 15 tuổi, Sùa bắt đầu “trổ mã”. Cũng đã có vài gia đình nhờ bà mối đem trầu cau đến nhà nhưng mẹ Sùa chưa nhận lời, vì bà muốn Sùa lớn thêm chút nữa. Đầu năm 2007, trong một lần gùi rau cùng mẹ xuống chợ huyện, Sùa gặp một thanh niên tên Páo. Sau khi mua hết một nửa số rau của Sùa, Páo xin Sùa số điện thoại để “phiên chợ sau mua tiếp”.
Kể từ hôm đó, gần như ngày nào Páo cũng tìm cách liên lạc với Sùa. Ban đầu Sùa cũng chỉ trả lời ậm ừ kiểu xã giao, sau thấy Páo nói chuyện có duyên, tình cảm trong cô cũng lớn dần lên. Sau vài lần trò chuyện, Sùa càng ngày càng tin tưởng Páo. Trong một lần trò chuyện, Páo kể có một bà cô ruột đang kinh doanh quần áo dưới thành phố Lào Cai, và đang cần người làm. Nếu Sùa muốn, Páo sẽ xin giúp cho vào làm ở đó với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Nghĩ đến viễn cảnh sẽ được ăn sung mặc sướng, công việc nhàn hạ mà mỗi tháng lại có vài triệu gửi về cho gia đình, Sùa đồng ý.
Đối với một sơn nữ không được học hành đến nơi đến chốn như Sùa thì thật khó để nhận biết cái bẫy của kẻ “săn đầu người” ranh ma như Páo đã giăng ra. Cô tưởng rằng đi theo Páo sẽ thay đổi được số phận, có nhiều tiền gửi về chữa bệnh cho bố nhưng nào ngờ cuộc đời mình sắp sửa rơi vào bi kịch.
“Vào khoảng giữa tháng 4/2007, Páo bảo em mang theo vài bộ quần áo rồi nói là đưa em xuống TP. Lào Cai. Suốt đường đi, Páo bảo em nếu có gặp ai hỏi gì, nói gì cũng phải im lặng, không được trả lời. Xuống đến thành phố, ngủ lại một đêm, sáng hôm sau có một người đi xe máy đến đón em và Páo. Sau đó họ đưa em ra bờ sông rồi lên thuyền sang bờ bên kia. Ở đó có hai người đàn ông đi xe máy đến, đưa cho Páo một ít tiền rồi bắt em lên xe. Lúc đó em mới biết mình đã bị Páo bán sang Trung Quốc”, Sùa nhớ lại.
Vừ Thị Sùa: “Có lẽ cả đời này em không quên được những ngày tủi nhục bên Trung Quốc”
Về sau này Sùa mới biết, hai người đàn ông đón cô chính là bọn tay chân của một quán mại dâm, chủ quán tên là Khôn, người Trung Quốc. Ngay sáng hôm sau, Sùa đã bị bọn chúng ép phải tiếp khách. Sùa từ chối liền bị chúng đánh bầm dập cả người và gẫy một cái răng. Biết mình “thân cô thế cô”, chống lại chỉ có chết nên cô đành phải nghe theo.
“Nô lệ tình dục” nơi đất khách
Quá đau đớn và tủi nhục vì phải làm gái bán hoa nơi đất khách, mấy lần Sùa định tìm đến cái chết nhưng rồi lại nghĩ, mình chết ở đây ai biết, cố gắng sống thì mới mong có cơ hội trở về. “Bọn em được bố trí ở tập trung nhưng không được nói chuyện, trao đổi với nhau bởi luôn luôn có 2 người đàn ông to cao, mặt dữ tợn kèm sát. Nếu có ý định bỏ trốn hay từ chối đi khách, ngay lập tức bọn em sẽ được nhận những trận đòn thừa sống thiếu chết”, Sùa kể.
Hàng ngày, Sùa cùng các cô gái ở đây bị dựng dậy từ rất sớm. Thời gian dành cho các công việc như đánh răng rửa mặt và ăn sáng chỉ gói gọn trong khoảng chừng 30 phút. Sau đó các cô phải thay những bộ váy áo khêu gợi, hở hang ngồi chờ khách. Rủi thay, do còn trẻ, lại là “lính mới” nên Sùa luôn là người được khách lựa chọn nhiều nhất, có ngày cô phải phục vụ đến 15-20 lượt khách. Chỉ cần tỏ thái độ khó chịu, bất tuân hay thậm chí chỉ cần phục vụ chậm hơn thời gian quy định, Sùa cũng bị ăn đòn.
Không chỉ Sùa, mà tất cả các “đào” trong “động” của Khôn đều sợ nhất những ngày cuối tháng, bởi khi đó, đám công nhân của nông trường gần đó được nhận lương. Có tiền, họ thường rủ nhau đi uống rượu và đến quán tìm “đào” giải khuây. Có tốp đi đến mười mấy gã, toàn vai u thịt bắp, người ngợm hôi rình, hơi thở nồng nặc mùi men. Từ sáng cho đến tối, rồi từ tối cho đến khuya, Sùa và những “đồng nghiệp” của mình phải “làm việc” cật lực, gần như chỉ được nghỉ ngơi một hai tiếng để ăn và uống. Có cô không chịu nổi, ngất ngay bên người khách. Trong khi khách với các “đào” của mình “hành sự”, Khôn cùng đám đàn em ở ngoài làm nhiệm vụ cảnh giới.
Toàn bộ số tiền bán thân, Sùa không được giữ đồng nào. Thể xác rã rời, kiệt quệ nhưng nếu không làm khách vừa lòng có thể nhận những trận đòn không ghê tay từ những ông khách khát gái hoặc từ đám “ma cô” của bà chủ chứa. “Có những lần mệt quá không thể đi khách hoặc phục vụ khách không tốt, em bị đánh đến bầm dập. Thậm chí có cô trong quán không may bị dính bầu, bà chủ sai người lôi đến bác sỹ phá cho bằng được. Phá xong cô ấy cũng chỉ được nghỉ ngơi đúng hai ngày, rồi lại phải tiếp khách. Chúng em đi đâu cũng có kè kè hai tên bảo kê theo dõi, kể cả lúc ngủ”, Sùa kể.
Căn nhà của vợ chồng Sùa
Chính vì chịu sự quản thúc chặt chẽ như thế nên chuyện bỏ trốn đối với Sùa và những cô gái khác là gần như không thể. Mà ví như Sùa có bỏ trốn ra ngoài được, nhưng thân gái dặm trường, lại không rành đường đi thì rất dễ bị bắt lại. Trong suốt gần 2 năm làm “nô lệ tình dục”, Sùa đã nhiều lần phải chứng kiến những “đồng nghiệp” của mình bỏ trốn không thành, bị bắt lại rồi phải đón nhận những trận đòn thừa sống thiếu chết. “Có chị tên là Hua, nhà cũng ở Lào Cai, cả 3 lần chị ấy định bỏ trốn đều bị bắt. Mấy thằng bảo kê ấy đánh dã man lắm, em không dám nhìn, chỉ cần nghe chị ấy kêu cũng đủ biết đau đớn rồi. Có lần chị Hua còn bị chúng cầm kìm rút móng chân để cho không chạy được nữa...”, Sùa kể.
Ám ảnh cả đời
Biết cơ hội trốn thoát để trở về nhà là rất mong manh nhưng Sùa vẫn nung nấu ý định “vượt ngục” cho bằng được. Vào khoảng đầu tháng 1/2010, nhân cơ hội tiếp một ông khách người Trung Quốc hay sang Việt Nam buôn bán, Sùa lựa lời dò hỏi thì được người đó chỉ đường về Việt Nam. Khi đã biết được hướng về, Sùa quyết định bỏ trốn.
Đến khoảng gần tết âm lịch 2010, lợi dụng lúc Khôn và bọn đàn em ăn uống, nhậu nhẹt, Sùa đã liều mình nhảy qua tường lúc đi vệ sinh rồi chạy. Suốt cả ngày hôm đó, cô chỉ biết chạy và chạy, không cần biết mình đang đi về đâu, miễn càng xa bọn buôn người càng tốt. Trên đường chạy trốn, Sùa gặp một số người dân địa phương tốt bụng, họ cho ăn, uống và chỉ đường đi về Việt Nam...
Sau khi trốn thoát về Việt Nam, dù được gia đình hàng xóm cùng các cơ quan, đoàn thể động viên giúp đỡ về nhiều mặt để ổn định cuộc sống nhưng mỗi khi nghĩ lại chuỗi ngày sống kiếp “nô lệ tình dục” nơi xứ người, Sùa vẫn còn hoảng loạn. Sùa bảo: “Suốt nhiều đêm liền, em không tài nào ngủ được. Có nhắm mắt lại thì những hình ảnh về những ngày bị đánh đập, hành hạ bởi đám tay chân của Khôn vẫn hiện ra trong đầu. Ngay cả khi lấy chồng, có con, mệt nhoài với việc nhà, việc nương rẫy mà tối ngủ em vẫn hay giật mình hoảng sợ. Có lẽ cả đời này em không quên được”.
Câu chuyện của Vừ Thị Sùa cũng phản ánh một thực trạng đã và đang tồn tại một số xa, huyện ở vùng cao biên giới Việt Nam. Đó là tình trạng lừa bán phụ nữ và trẻ em qua phía bên kia biên giới. Trong mấy năm gần đây, hoạt động của tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em tập trung ở địa bàn các tuyến biên giới đường bộ, đặc biệt phức tạp tại các tỉnh biên giới. Nạn nhân không chỉ dừng lại ở những cô gái dân tộc thiểu số, hay phụ nữ “quá lứa lỡ thì”, trình độ còn hạn chế… mà ngay cả những học sinh, sinh viên, trẻ em cũng bị lừa bán.
Các đối tượng cấu kết trong và ngoài biên giới hình thành đường dây tuyển mộ, dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ đưa qua biên giới bán cho các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ kinh doanh mại dâm trá hình. Lợi dụng địa hình hẻo lánh sử dụng số đông, hung khí đe doạ bắt phụ nữ tại lán, nương; bắt trẻ em ngay tại nhà. Địa bàn biên giới vừa là nơi tập kết, trung chuyển, vừa là nơi chúng lẩn trốn. Thiết nghĩ, việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, tuyên truyền để ngăn ngừa phòng, chống loại tội phạm buôn bán người này không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng biên phòng, Công an mà còn là nhiệm vụ chung của toàn thể cộng đồng xã hội.
Ngày “thoát ly” quê hương, các nạn nhân của bọn buôn bán người đều ngập tràn hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng đến khi bị bán đi và lưu lạc nơi xứ người, ước mơ cũng chính là mục đích sống duy nhất của họ là có thể trở về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Hành trình trốn chạy khỏi “động quỷ” của chị em đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí phải trả giá bằng máu.
Nhằm phòng và chống tội phạm buôn bán người, chính quyền cũng như lượng chức năng của các tỉnh biên giới cần chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp phòng ngừa xã hội. Đồng thời, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào ở những xã biên giới, trình độ dân trí còn thấp, mật độ dân cư thưa thớt, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho những nạn nhân, như: dạy nghề, hỗ trợ về vốn, tạo công ăn việc làm ổn định..., cũng cần phải được quan tâm, chú trọng. Chỉ có như thế, tội phạm mua bán người mới giảm, bản làng mới bình yên hơn. Và quan trọng là những sơn nữ như Sùa sẽ có đủ nhận thức để tự bảo vệ mình, trước “nanh vuốt” của bọn buôn người.