Gian nan cuộc chiến chống buôn người ở Nghệ An

Đời sống - Ngày đăng : 13:12, 19/11/2018

Trong mấy năm gần đây, nạn mua bán người ở Nghệ An nói chung và huyện biên giới Quế Phong có nhiều diễn biến phức tạp. Quy mô, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thế nên cuộc chiến chống tội phạm mua bán người ngày càng khó khăn.

Lừa bán từ trẻ đến già

Qua một số vụ mua bán người được các lực lượng chức năng của tỉnh Nghệ An cũng như của huyện Quế Phong khám phá trong thời gian gần đây cho thấy, địa bàn hoạt động chủ yếu của bọn buôn bán người là các bản làng vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật và hiểu biết xã hội có phần hạn chế.

Với chiêu bài tuyển dụng công nhân làm việc tại các công ty, cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh công việc nhàn hạ, lương cao… các đối tượng dễ dàng lôi kéo các trẻ em gái và nhiều phụ nữ nhẹ dạ sau đó bán sang bên kia biên giới. Đặc biệt, tội phạm mua bán người có sự góp mặt của chính một số nạn nhân đã từng bị bán.

Các nạn nhân phần lớn là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở các xã bản vùng sâu, vùng xa, có đời sống kinh tế khó khăn, đặc biệt là không có công ăn việc làm. Nhu cầu đòi hỏi về đời sống vật chất đã đưa đẩy họ đến chỗ bị rủ rê, lừa phỉnh đem bán. Những phụ nữ đã “quá lứa lỡ thì”, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn; đua đòi ăn chơi; số em gái có tư tưởng thoát ly công việc lao động công nghiệp tại các khu công nghiệp…, cũng là những đối tượng mà bọn buôn bán người hay nhắm tới.

Ngoài số nạn nhân đã được xác định, giải cứu, cá biệt tại một số xã bản có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm phụ nữ, trẻ em bỏ nhà đi khỏi địa phương, nghi bị bán sang Trung Quốc làm vợ, hoặc làm trong các tụ điểm mại dâm. Có những người chỉ vì tin bạn thân mà “tự chui đầu vào rọ”, như trường hợp Lô Thị H (SN 1992, trú tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An).

Tuy cách nhau vài tuổi, nhưng do cùng bản, nhà lại gần nhau nên từ nhỏ H đã chơi thân với Lô Thị Hà (SN 1988, trú tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An). Lớn lên, Hà theo người quen đi làm ăn ở Trung Quốc. Cuối năm 2010, Hà về thăm nhà. Gặp nhau, Hà rủ H sang Trung Quốc làm việc vừa nhẹ nhàng, lương lại cao. Tin bạn, H đồng ý.

Một tuần sau đó, Hà đưa H bắt xe khách xuống TP Vinh. Sau khi xuống bến xe, cô ta nói mới nói rõ là sẽ đưa H sang Trung Quốc để lấy chồng và sẽ đưa cho gia đình 30 triệu đồng. Chị H gật đầu. Sau đó cả hai người bắt xe khách ra TP Móng Cái và vượt biên giới sang Trung Quốc. Nghỉ ở nhà người quen vài hôm, Hà mang H bán cho một người đàn ông ở Bắc Kinh với giá gần 2 nghìn nhân dân tệ. Số tiền thu được, Hà gửi về cho gia đình H 30 triệu đồng như lời hứa, số còn lại thì nữ quái này dùng vào việc chi tiêu cá nhân.

Sau 7 năm chung sống, chị H sinh được 2 người con. Cho đến tháng 10/2017, chị lại tiếp tục bị một người phụ nữ cũng tên là Hà, quê ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, hiện đang làm ăn buôn bán bên Trung Quốc lừa bán cho một người đàn ông khác để lấy làm vợ. Chị H sống với người đàn ông đó được khoảng 1 tháng thì trốn quay về với chồng cũ. Thế nhưng kể từ đó, chị H liên tục bị đánh đập, bạo hành. Đầu năm 2018, nhân lúc chồng đi vắng, chị H đã bỏ trốn về Việt Nam và làm đơn tố cáo Lô Thị Hà lên cơ quan công an.

“Trẻ người non dạ” như Lô Thị H bị lừa phỉnh đã đành, nhưng ngay cả nhiều người đã hoặc sắp sửa “lên ông lên bà” như 3 nạn nhân Lô Thị T (55 tuổi), Hà Thị Ch (45 tuổi) và Lô Thị H (57 tuổi), cùng ngụ bản Lốc, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, vẫn... hồn nhiên chui vào bẫy của bọn “săn đầu người” mới khiến người ta không khỏi giật mình. Chỉ vì một lời hứa của một người phụ nữ xa lạ mà cả ba bà T, Ch, H đều tự biến mình thành nạn nhân.

Tất cả bắt đầu từ cuối năm 2016, khi đó có một người phụ nữ tìm đến gặp ba bà T, Ch, H và giới thiệu mình đã lấy chồng và đang sinh sống Trung Quốc, có thể xin giúp cho nhiều người đi làm giúp việc với lương 5 triệu đồng/tháng. Tin lời, cả ba bà đi theo ra Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh rồi vượt biên qua Trung Quốc. Sau khi sang Trung Quốc, ba người bị nhốt trong một căn nhà để chờ bán.

Gian nan cuộc chiến chống buôn người ở Nghệ An

Bán bạn thân, Lô Thị Hà lĩnh 4 năm tù

Trong lúc chờ bán, những kẻ trong đường dây buôn người này liên tục gọi điện thúc ép, đe dọa gia đình phải đưa tiền chuộc với giá 40 triệu đồng/người, nếu không sẽ giết chết hoặc sẽ bị bán vào nhà chứa. Gia đình các nạn nhân đã trình báo với cơ quan công an. Ngay sau đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng Móng Cái giải cứu thành công ba nạn nhân.

Lấy phòng ngừa là chính   

Kiên quyết đấu tranh với tội phạm mua bán người, trong mấy năm gần đây, các lực lượng chức năng của huyện Quế Phong đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp phòng ngừa xã hội. Đặc biệt, các lực lượng như công an, biên phòng xây dựng kế hoạch, triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, trong từng thời gian thích hợp; thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình tội phạm cũng như xác định địa bàn trọng điểm, lập kế hoạch phòng ngừa; chủ động đề xuất mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm và xác lập các chuyên án, đi sâu điều tra, bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm mua bán người.

Gian nan cuộc chiến chống buôn người ở Nghệ An

Một buổi tuyên truyền của Đồn Biên phòng Tri Lễ

Đồng thời, TAND tỉnh Nghệ An cũng thường xuyên tổ chức các phiên tòa lưu động, xét xử về tội mua bán người ở những xã bản vùng sâu, vùng xa của huyện Quế Phong nhằm tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, xác định phòng, chống tội phạm mua bán người là vấn đề mang tính xã hội cao, lấy phòng ngừa là chính nên các tổ chức, đoàn thể trong huyện cũng thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, phát tài liệu, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các huyện miền núi về vấn đề di cư lao động, phòng chống mua bán người; động viên, tạo công ăn việc làm khắc phục cuộc sống khó khăn; triển khai các hoạt động tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán…

Đặc biệt, các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, tranh thủ các già làng, trưởng bản, người có uy tín để tuyên truyền cho bà con hiểu âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, nhất là tội phạm buôn bán người, đề cao cảnh giác, không bị mua chuộc, lôi kéo vào đường dây của bọn chúng. Đồng thời, triển khai lực lượng thường xuyên bám nắm địa bàn, theo dõi chặt chẽ các đối tượng, nhất là các đối tượng lạ mặt vào khu vực biên giới.

Ví như mới đây, Đồn Biên phòng Tri Lễ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Công an xã Tri Lễ, huyện Quế Phong tổ chức tuyên truyền phòng, chống mua bán người, chống tảo hôn, phòng, chống ma túy cho hội trưởng Hội phụ nữ các thôn, bản và bà con cụm bản Tân Thái, xã Tri Lễ, thu hút sự quan tâm của đông đảo đồng bào. Những người tham gia sẽ được cung cấp thông tin về thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để biết cách nhận diện, phòng tránh. Khi phát hiện hoạt động của các đối tượng phạm tội cần thông tin kịp thời để lực lượng chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Bên cạnh đó, buổi tuyên truyền còn lồng ghép các nội dung về phòng chống ma túy và nạn tảo hôn để tuyên truyền cho bà con.

Còn Đồn Biên phòng Hạnh Dịch vốn được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn 2 xã biên giới Hạnh Dịch và Nậm Giải, huyện Quế Phong. trong suốt một thời gian dài, tình trạng buôn bán người vẫn thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, Đồn đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, tình trạng buôn bán người trên địa bàn xã Hạnh Dịch đã được ngăn chặn và đẩy lùi. Bên cạnh việc phát động các phong trào quần chúng tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, xây dựng bản làng không có tội phạm và tệ nạn xã hội, Đồn còn hỗ trợ người dân cây, con giống, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Ông Lương Tiến Lê, Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch đánh giá: “Đến nay, tình trạng buôn bán người trên địa bàn xã Hạnh Dịch đã được ngăn chặn và đẩy lùi. Để đạt được kết quả đó, hàng tháng, cán bộ Biên phòng và cán bộ xã phải đi đến từng bản để tổ chức họp dân, tuyên truyền nói rõ nội quy, quy định của Nhà nước, đồng thời triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn bán người. Nhờ vậy mà Hạnh Dịch giờ đây cũng dần bình yên”.

Huyền Thương