Ma túy học đường, thực trạng đáng báo động

Đời sống - Ngày đăng : 08:49, 15/11/2018

Trong nhữnng năm vừa qua, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn ra hết sức phức tạp, có xu hướng gia tăng, thủ đoạn của loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây bọn tội phạm ma túy đã len lỏi tìm mọi thủ đoạn để dụ dỗ, mua chuộc, thậm chí khống chế các em học sinh - sinh viên đang học tập tại các trường phổ thông, cao đẳng, đại học,... trên địa bàn tỉnh tham gia vào việc vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy nhằm tránh sự chú ý của cơ quan chức năng. Thực trạng này đã và đang gây không ít hoang mang, lo lắng cho các bậc phụ huynh và nhà trường.

Ma túy học đường, thực trạng đáng báo động

TAND tỉnh Bắc Giang đưa ra xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất ma tuý”, trong đó có bị cáo Chu Thị Hiên là sinh viên tham gia phạm tội.

Mới đây, Tòa án thành phố Bắc Giang đưa xét xử tuyên phạt Lý Đình Hùng (SN 1999), trú tại xóm Nam, thôn Song Khê 2, xã Sông Khê (TP Bắc Giang) hai năm tù cho hưởng án treo về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Trước vành móng ngựa với vai trò là bị cáo, hình ảnh bị cáo còn khoác trên mình chiếc áo đồng phục học sinh khiến những người dự khán không khỏi xót xa.

Tại phiên tòa Hùng khai nhận đã mua của một người không quen biết 2,413 gam ma túy cần sa với giá 200 ngàn đồng, khi đang giao dịch bán số ma túy này với giá 250 ngàn đồng thì bị phát hiện và bắt giữ.

Quá trình xét hỏi, xét thấy bản thân của Hùng là người chưa thành niên, khi phạm tội đang học văn hóa bậc phổ thông, có thái độ ăn năn, hối cải, chưa có tiền án tiền sự, gia đình có công cách mạng; vì vậy Hội đồng xét xử đã cho Hùng được hưởng án treo để tạo điều kiện cho Hùng được tiếp tục học tập, hoàn thiện bản thân.

Trong một vụ án khác, TAND huyện Yên Dũng vừa xét xử vụ án Phạm Văn Đoàn (SN 1995), trú tại thôn Đông Thắng, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) cùng đồng bọn phạm tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy”. Bản thân Đoàn là học sinh cấp 3 cũng là đối tượng nghiện. Do cần ma túy để sử dụng và có tiền tiêu vặt, Đoàn đã chủ mưu bàn với 7 đối tượng nghiện khác cùng trang lứa, trong đó có 2 đối tượng cùng là bạn học, góp tiền để thực hiện hành vi mua bán ma túy. Sau 5 ngày liên tiếp thực hiện hành vi, Đoàn cùng đồng bọn bị bắt giữ.

Với vai trò chủ mưu, Phạm Văn Đoàn bị TAND huyện Yên Dũng xử phạt 9 năm tù, các đối tượng còn lại trong vụ án có mức án từ 5 năm 4 tháng tù đến 8 năm 3 tháng tù.

Là một sinh viên ưu tú của trường Đại học Nông lâm tỉnh Bắc Giang, trong quá trình học tập, Nguyễn Quang Hợp (SN 1993), trú tại thôn Dĩnh Cầu, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) có nhiều nghĩa cử cao đẹp. Hợp đã dùng số tiền thưởng vì có thành tích tốt trong học tập để ủng hộ đồng bào bão lụt, bản thân nhiều lần tình nguyện hiến máu nhân đạo, được các cơ quan báo chí tuyên dương. Mẹ của Hợp là nhà giáo ưu tú, được Chính phủ tặng Bằng khen vì nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Hàng tháng Hợp đều nhận được tiền trợ cấp của gia đình để lo việc học tập, nhưng trước cám dỗ dễ kiếm tiền nên từ một sinh viên tiêu biểu, Hợp lọt vào đường dây mua bán “cái chết trắng”.

Theo lời khai của Hợp, bản thân có quen biết với đối tượng tên là Quý, Quý và Hợp thống nhất là nếu bán được mỗi gói ma túy đá giá 500 ngàn đồng thì Quý sẽ cho bị cáo 100 ngàn đồng. Ngay sau đó, đối tượng tên Quý có giao cho Hợp 2,9 gam ma túy đá (Methamphetamine) và một cân tiểu ly. Khi Hợp đang bán mua túy tại phòng trọ của mình thuộc địa phận xã Bích Sơn (Việt Yên) thì bị lực lượng Công an bắt quả tang trước sự ngỡ ngàng, hụt hẫng của bạn bè và nhà trường.

Với hành vi này của Hợp, đã bị TAND huyện Việt Yên tuyên phạt 2 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Đây có lẽ là bài học đắt giá cho Hợp và cũng là dấu chấm hết cho ước mơ trở thành một kỹ sư Lâm nghiệp giỏi mà bản thân và gia đình hằng mong đợi.

Ông Ngô Quang Dũng, Chánh tòa Hình sự (TAND tỉnh Bắc Giang) cho biết: "Đối tượng phạm tội về ma túy đưa ra xét xử có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Vài năm trở lại đây, trung bình hàng năm có khoảng 30% số bị cáo mà Tòa án hai cấp trong tỉnh phải giải quyết phạm tội về ma túy dưới 25 tuổi, trong đó có cả lứa tuổi chưa thành niên là học sinh, sinh viên. Với độ tuổi dưới 18, sống phụ thuộc gia đình, không có thu nhập thì việc sử dụng ma túy, nghiện ma túy là con đường ngắn nhất dẫn đến việc phạm tội của lứa tuổi này".

Thiếu tá Đỗ Thế Dũng – Đội trưởng đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Bắc Giang nhấn mạnh: Nếu đã sa ngã vào con đường sử dụng ma túy, các đối tượng sẽ sử dụng chiêu bài “khuyến mại” để lôi kéo. Theo đó, chúng “khuyến mại” ma túy một thời gian cho những học sinh, sinh viên mới nghiện để các em này lôi kéo được người khác vào sử dụng ma túy, sau đó kiếm lời. Một thủ đoạn khác, các đối tượng dựa vào những điểm yếu của các em để khống chế. Nếu không tham gia vào nhóm của chúng, chúng đe dọa sẽ công khai tất cả những điểm yếu của bản thân các em mà chúng tìm hiểu được. Vì sợ hãi, nên không ít em học sinh, sinh viên đã phải phục tùng làm theo những gì mà tội phạm, những kẻ xấu buộc phải làm.

Thiếu tá Dũng cho biết thêm: "Nguyên nhân dẫn đến học sinh, thanh, thiếu niên vướng vào ma túy còn nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan như lối sống thực dụng, buông thả, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, nhà trường. Bên cạnh đó, khi các em không có nhiều những kỹ năng để phòng chống ma túy thì các em không thể đối đầu, xử lý với nhiều tình huống có nguy cơ dẫn đến hành vi sử dụng ma túy. Chính vì thế, việc trang bị cho các em học sinh, sinh viên những kỹ năng, kiến thức cơ bản này sẽ giúp các em chủ động tránh xa ma túy, có như vậy mới góp phần ngăn chặn được sự tấn công của các loại ma túy mới vào giới trẻ hiện nay".

Thực tế, khi các em học sinh chưa có những hiểu biết đầy đủ về ma túy như khái niệm, các chất, các loại ma túy... sẽ dẫn tới thái độ thiếu cảnh giác, thiếu đề phòng với những loại ma túy trá hình đang xuất hiện phổ biến và những loại ma túy tổng hợp.

Trước thực trạng trên, đòi hỏi các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, đoàn thể,.... tại các địa phương trong tỉnh cần có những biện pháp kiên quyết để đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, nhà trường cần quan tâm lồng ghép những kiến thức pháp luật, đặc biệt là kiến thức pháp luật về ma túy vào trong chương trình học tập để các em thấy được hiểm họa và tác hại của việc sử dụng ma túy đối với sức khỏe, tinh thần, nhân cách con người. Từ đó nâng cao ý thức phòng ngừa, tránh xa ma túy, góp phần giảm tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội nói chung và trong học đường nói riêng, tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh.

Chí Dũng