Năm 2017 người Việt uống bia hết 4 tỷ USD

Đời sống - Ngày đăng : 13:56, 09/11/2018

Đó là thông tin được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra trong tờ trình Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sáng 9/11.

Trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sử dụng rượu, bia ở liều lượng chừng mực, trên một số cá nhân có thể mang lại một số tác động tích cực.

Tuy nhiên, do rượu, bia đều chứa cồn là chất gây nghiện, được Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư, có tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Do vậy, việc sử dụng rượu, bia có nguy cơ tác động đối với sức khỏe và cần có cơ chế quản lý khác với các hàng hóa thông thường theo hướng phòng ngừa, hạn chế tác hại ngay từ khi con người tiếp cận sản phẩm này.

Năm 2017 người Việt uống bia hết 4 tỷ USD


Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Y tế. Ảnh: Duy Ngọc

Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 05 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy năm 2012 có 8,3% số trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng rượu, bia, 71,7% trường hợp tử vong do xơ gan ở nam do sử dụng rượu, bia. 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần là dành cho điều trị người bệnh loạn thần do rượu, bia.

Bên cạnh đó, tổn hại sức khoẻ do ngộ độc rượu, bia trong đó có rượu, bia không bảo đảm chất lượng, không kiểm soát được nguồn gốc, rượu pha từ cồn công nghiệp cũng là vấn đề đáng lưu tâm.

Không chỉ vậy, sử dụng rượu, bia còn có thể gây ra tai nạn giao thông, mất trật tự xã hội và gia đình.

Nhiều hộ gia đình Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến rượu, bia. 11% hộ gia đình xảy ra bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người khác thuộc nhóm 2 nước cao nhất. Tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người lớn đối với trẻ em phổ biến hơn ở các hộ gia đình nông thôn, thu nhập thấp và có người sử dụng nhiều rượu, bia. Phụ nữ và trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số đang là đối tượng gánh chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, nếu so với hút thuốc lá thì các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra nghiêm trọng hơn nhiều, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Bà Tiến cho biết cụ thể hơn, ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là gần 26.000 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017; chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017).

"Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD", bà nói.

Bộ trưởng Y tế nhận định việc quảng cáo, bán rượu, bia trên mạng xã hội nhiều, chưa có biện pháp hạn chế đối với trẻ em, thanh thiếu niên. Quảng cáo bia diễn ra phổ biến, tần xuất cao, quảng cáo nhiều trong các giờ vàng, buổi tối trên sóng truyền hình, phát thanh. Theo bà, thực trạng này dẫn đến việc quảng bá, thúc đẩy sử dụng rượu, bia và gia tăng trẻ em, thanh thiếu niên sử dụng đồ uống này.

Thảo Nguyên