Hội thảo Khoa học quốc tế biển Đông lần thứ 10 “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”

Đời sống - Ngày đăng : 15:54, 08/11/2018

Sáng nay (8/11), tại TP Đà Nẵng, Hội thảo Khoa học quốc tế biển Đông lần thứ 10 đã diễn ra với chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển khu vực”.

Hội thảo do Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS), Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) phối hợp cùng tổ chức với sự tham gia của hơn 300 đại biểu và 30 diễn giả đến từ khắp nơi trên thế giới và Việt Nam.

Qua 10 năm được tổ chức, Hội thảo Khoa học quốc tế biển Đông đã tiếp đón hơn 300 diễn giả, 2000 lượt đại biểu Việt Nam, quốc tế tham dự cùng các viện nghiên cứu thuộc các trường Đại học về vấn đề biển Đông: Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược Hoa Kỳ, Đại học Kyoto Nhật Bản, Học viện quốc phòng Úc, Viện nghiên cứu ASEAN Hàn Quốc,…

Hội thảo Khoa học quốc tế biển Đông lần thứ 10 “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”

Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 10 với chủ đề: “Hợp tác vì An ninh và Phát triển Khu vực” diễn ra tại Đà Nẵng

Sau 10 năm, các học giả đã đưa công việc nghiên cứu biển Đông trở thành lĩnh vực nghiên cứu đa ngành bao gồm: khoa học chính trị, sử học, nghiên cứu chiến lược, môi trường, năng lượng và chính sách đối ngoại của các nước. Các hội nghị về biển Đông được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới. Có rất nhiều học giả trẻ đã viết luận văn, công trình nghiên cứu liên quan đến các vấn đề trên biển Đông.

Năm 2018 đánh dấu một thập kỷ trưởng thành của chuỗi Hội thảo quốc tế về Biển Đông - “Hợp tác vì hoà bình và phát triển khu vực”. Tại hội thảo lần này, 32 tham luận sẽ được trình bày về tình hình Biển Đông, động thái của các nước trong 10 năm qua sẽ được các đại biểu thảo luận, đánh giá toàn diện.

Các chủ đề lớn trong chương trình nghị sự bao gồm: xu hướng phát triển và cục diện khu vực trong thập kỷ qua, vị trí của Biển Đông trong khu vực Ấn Độ Dương- Châu Á-Thái Bình Dương, nội hàm chính sách của các nước lớn đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các tác động đối với khu vực, các biện pháp hoà bình quản lý và giải quyết tranh chấp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam ghi nhận những thành quả mà tổ chức đã đạt được.

“Qua các đợt hội thảo, nhận thức của xã hội nói chung và của người hoạch định chính sách nói riêng về vấn đề biển Đông được nâng cao. Vấn đề Biển Đông trở nên đa dạng, trở thành trọng điểm trong hoạch định chính sách của nhiều nước. Sau 10 năm tổ chức hội thảo Biển Đông, chúng ta đã tạo nên mạng lưới học giả gắn kết bền chặt, bổ sung kiến thức cho nhau, xóa đi sự e dè, tăng cường chia sẻ thông tin về những vấn đề trước đây được cho là nhạy cảm”, PGS. TS. Nguyễn Vũ Tùng nói.

“Tuy nhiên, câu chuyện Biển Đông vẫn còn là vấn đề phức tạp. Những nỗ lực của khu vực và quốc tế để làm giảm căng thẳng trên Biển Đông, nhằm hướng đến những giải pháp hòa bình, đảm bảo an ninh, phát triển hàng hải chưa được như mong muốn. Thời gian qua, gốc rễ của những vấn đề tranh chấp trên Biển đông được bàn đến nhưng vẫn chưa được giải quyết về mặt chính sách, thực tiễn. Nguyên trạng vẫn tiếp tục bị thay đổi theo hướng làm xói mòn trật tự quốc tế, xói mòn lòng tin giữa các nước liên quan”, PGS. TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm.

Hội thảo Khoa học quốc tế biển Đông lần thứ 10 “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”

Các diễn giả trao đổi về vấn đề bên lề sự kiện

Phát biểu dẫn đề tại phiên khai mạc, Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee, Toà án Luật biển quốc tế ITLOS đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo quốc tế về Biển Đông, cho rằng trong 10 năm qua, chuỗi Hội thảo quốc tế về Biển Đông đã trở thành một diễn đàn thiết thực để các chuyên gia, học giả trao đổi, tìm kiếm các cách thức quản lý và giải quyết xung đột ở Biển Đông; cho rằng hợp tác vì hoà bình, ổn định và phát triển tại khu vực Biển Đông cần dựa trên bốn thành tố: ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng, giải quyết tranh chấp và các cơ chế giám sát; khẳng định giải pháp cơ bản để giải quyết tranh chấp là các bên tìm kiếm các sáng kiến hợp tác cụ thể, thực chất, đồng thời kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình.

Hội thảo Khoa học quốc tế biển Đông lần thứ 10 “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”

Phiên thảo luận đầu tiên “Biển Đông: Trái tim của Khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á - Thái Bình Dương” diễn ra vào sáng 8/11

Tại hội thảo lần này, các đại biểu sẽ tham gia thảo luận nhiều nhóm vấn đề quan trọng tại 8 phiên, trong 2 ngày 8 và 9/11, nhằm đánh giá toàn cảnh vai trò địa chính trị của Biển Đông đối với khu vực và các vùng biển lân cận. Đồng thời đánh giá tình hình Biển Đông hiện nay trong tương quan với 10 năm trước, phác họa những nguyên trạng cũng như những thay đổi trên thực địa, trong đánh giá của các chính phủ và trong quan hệ giữa các bên có liên quan. Tại Hội thảo các chuyên gia, học giả uy tín sẽ trình bày các bài tham luận của mình nhằm phân tích, đánh giá sâu sắc những diễn biến mới, nhận diện các động lực đằng sau những căng thẳng hay hòa dịu, đồng thời góp phần tìm kiếm các giải pháp giúp quản lý và giải quyết xung đột hiệu quả trên Biển Đông.

Cụ thể, trong ngày thứ 8/11, các đại biểu sẽ tham dự 4 phiên thảo luận gồm các tham luận: “Biển Đông: Trái tim của Khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á - Thái Bình Dương”; “Biển Đông Tiêu điểm: 10 năm nhìn lại” ; “Lập trường của các Bên yêu sách: Tiếp nối và Điều chỉnh”; và chủ đề “Các nước lớn: Can dự hay Ngoài lề?” sẽ đánh giá tổng thể những thay đổi trong quan điểm và chính sách của các cường quốc đối với Biển Đông và nhận diện những động lực và nguyên nhân đằng sau những thay đổi này.

Ở ngày làm việc thứ 2, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận những thay đổi trong cán cân quyền lực, đánh giá những rủi ro có thể dẫn đến xung đột vũ trang ở Biển Đông; thảo luận các tiến trình xây dựng niềm tin, ngoại giao phòng ngừa và nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; đề cập các vấn đề mới phát sinh có khả năng phá vỡ trật tự ở Biển Đông và tập hợp những suy ngẫm về bản chất của những biến đổi trong thập kỷ qua và những thách thức với Biển Đông trong thập kỷ tới, trên cơ sở rút ra các bài học để cải thiện khả năng quản lý và quản trị Biển Đông vì an ninh và thịnh vượng chung của toàn khu vực. Với các chủ đề: “Xây dựng Lực lượng trên Biển Đông”. “Xây dựng Lòng tin, Ngoại giao phòng ngừa và Giải quyết Tranh chấp”, “Các nhân tố mới có thể tạo bất ổn trên Biển Đông” và “Trật tự và Bất ổn trên Biển Đông: Suy ngẫm”.

Hải Nam - Hải Bắc