Cần giải pháp thiết thực để nạn nhân mua bán người tái hòa nhập
Đời sống - Ngày đăng : 22:45, 06/11/2018
Từ nạn nhân, trở thành tội phạm mua bán người
Trong quá trình thu thập hồ sơ về nạn mua bán người (MBN) tại cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, có một tập tài liệu được đánh dấu riêng biệt, bởi đối tượng từng là nạn nhân của MBN nhưng sau đó lại trở thành nhân tố đắc lực của đường dây tội phạm này.
Lần giở hồ sơ, vào những ngày đầu tháng 5/2017, tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lực lượng chức năng của Trung Quốc đã bàn giao cho đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đối tượng Dương Thị Hà (SN 1975), quê quán huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, bị truy nã từ năm 2002 với tội danh MBN.
Đối tượng DươngThị Hà được phía bạn bàn giao cho cơ quan chức năng Việt Nam
Theo tài liệu, khoảng năm 1990, đối tượng Đặng Thị Vy (trú ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) sang Trung Quốc lấy chồng. Một thời gian sau, Vy về quê và gả bán Vân, em cô ta cho một người đàn ông Trung Quốc.
Nơi xứ người, do nắm bắt được tình trạng thiếu phụ nữ trầm trọng ở địa phương, nhiều người đàn ông có nhu cầu mua một cô gái về làm vợ. Thậm chí cả mấy anh em trong một gia đình chỉ đủ tiền mua một phụ nữ về làm vợ chung, nên dần dần Vân và Vỵ đã trở thành các đầu nậu MBN. Và một trong những nạn nhân của họ chính là Dương Thị Hà.
Hà bị lừa bán với giá 500 Nhân dân tệ cho 1 người đàn ông bản xứ. Cuộc sống của cô gái trẻ miền núi xứ Thanh bỗng chốc rẽ sang một hướng khác với gam màu cay đắng. Bất đồng ngôn ngữ, lối sống cùng với việc bị dày vò về thể xác lẫn tinh thần, Hà như rơi vào địa ngục. Cuộc sống lao động cơ cực, vất vả, kèm theo đó là bao nhiêu trận đòn thâm tím mặt mày, người đầy thương tích, cô gái trẻ bị hãm hiếp không biết bao nhiêu lần.
Mặc dù đã tìm cách bỏ trốn năm lần, bảy lượt nhưng đều bị bắt lại, Hà chỉ ước giá như mình đừng nghe lời đường mật của chị em Vân. Giờ ở nhà có khi mình đã có một gia đình yên ấm, thuận hòa, có người yêu thương chiều chuộng, chăm sóc. Nước mắt lăn dài, chảy qua tận ngày mai.
Đến năm 1996, Hà trốn được về Việt Nam cùng... cái bụng làm lùm. Không có công ăn việc làm, lại bị mang tiếng “hoạt động tại nhà thổ bên kia biên giới”, Hà ngày một bị cô lập, không thể hòa nhập với cộng đồng. Thay vì tố cáo chị em Vân, Vy tới cơ quan chức năng, thì bà bầu này lại nghĩ ra cách kiếm tiền bằng việc lừa bán những cô gái đồng hương.
Hà nhanh chóng bắt nối với chị em Vân, Vy ở bên kia biên giới thành đường dây MBN. Bằng việc quảng cáo sang kia biên giới có nhiều công việc hấp dẫn, việc nhẹ, lương cao, chủ rất tốt, nếu sang không đồng ý thì có thể quay về mà chẳng mất chi phí gì để lừa các cô gái nhẹ dạ, cả tin. Vậy là từ nạn nhân, Hà đã thành tội phạm MBN.
Năm 1998, trong một lần phạm tội, Đặng Thị Vy cùng đồng bọn bị bắt giữ, và khai nhận đưa trót lọt 4 phụ nữ bán sang Trung quốc, bỏ túi 2.500 Nhân dân tệ.
Từ lời khai của Vỵ, cơ quan chức năng làm rõ vai trò của Dương Thị Hà. Cô ta khai nhận đã đưa được 1 phụ nữ sang Trung Quốc bán với giá 1.000 Nhân dân tệ. Tuy nhiên thời điểm ấy, do đang nuôi con nhỏ nên Hà được cơ quan chức năng cho tại ngoại. Lợi dụng sự khoan hồng của pháp luật, Hà đã trốn khỏi địa phương.
Trong suốt thời gian dài, việc truy bắt Dương Thị Hà nói riêng, được lực lượng chức năng Việt Nam phối hợp, thông tin thường xuyên với nhà chức trách Trung Quốc. Tháng 3/2017, Văn phòng Sĩ quan liên lạc Cảnh sát, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã có công hàm gửi tới cơ quan chức năng Việt Nam về việc, ngày 6/3, Công an tỉnh Quảng Tây bắt giữ 1 đối tượng không có giấy tờ tùy thân tại thôn Vạn Vỹ, thị trấn Giang Bình, thị xã Đông Hưng.
Quá trình xác minh, nhà chức trách sở tại phát hiện người phụ nữ này có đặc điểm trùng khớp với đối tượng truy nã Dương Thị Hà mà Công an Việt Nam đã trao đổi, đề nghị xác minh, truy bắt. Đối chiếu với thông tin phía bạn cung cấp, Cục Cảnh sát Truy nã tội phạm (Bộ Công an Việt Nam) phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa xác định người phụ nữ bị tạm giữ tại Quảng Tây chính là Dương Thị Hà. Sáng 4/5/2017, tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, thủ tục bàn giao đối tượng truy nã đã được tiến hành an toàn, đúng theo quy định.
Giải pháp nào để nạn nhân MBN tái hòa nhập
Giải pháp căn cơ hiện nay vẫn là cải thiện thu nhập, tạo việc làm cho người dân
Phương thức, thủ đoạn của tội phạm MBN ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia. Các đối tượng này đã lợi dụng các đường mòn biên giới, sự kém hiểu biết, thiếu thông tin của nạn nhân hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người, sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn và thông qua các trang mạng xã hội hoặc những mối quan hệ sẵn có để tiếp cận, rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân để đưa người ra nước ngoài.
Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, sự đấu tranh quyết liệt của cơ quan chức năng thì một vấn đề cấp bách được đặt ra là tái hòa nhập cho nạn nhân MBN. Bởi nạn nhân của những vụ MBN bị tổn thương nặng nề cả về tinh thần lẫn thể xác, sức khỏe giảm sút do bị ép buộc lao động quá sức. Nhiều trường hợp bị đánh đập, tra tấn, giam giữ, bóc lột tình dục dẫn tới mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác. Không chỉ nạn nhân mà ngay cả gia đình, người thân cũng chịu nhiều hậu quả, điều tiếng.
Chính vì vậy, hỗ trợ tại cộng đồng là giải pháp hiệu quả giúp nạn nhân tái hòa nhập cuộc sống. Nạn nhân bị bán thường là những phụ nữ, trẻ em vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới và đang trong độ tuổi kết hôn, không có việc làm ổn định. Theo các chuyên gia, cần có các mô hình hỗ trợ nạn nhân với mục đích trợ giúp cho các đối tượng có nguy cơ bị mua bán và bị mua bán trở về tiếp cận các dịch vụ nhu cầu thiết yếu như giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp tâm lý, học văn hóa, học nghề, khám sức khỏe.
Giải pháp căn cơ hiện nay vẫn cải thiện thu nhập, tạo việc làm cho người dân. Cần quan tâm tập trung giảm nghèo bền vững, xóa mù chữ, chống tái mù; hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, tạo sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số… Các địa phương cần bố trí ngân sách phù hợp dành riêng cho công tác phòng, chống việc MBN; đặc biệt là công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương; tăng cường giám sát về việc thực hiện pháp luật về phòng, chống MBN.