Tăng cường đấu tranh nạn mua bán người
Đời sống - Ngày đăng : 08:10, 01/11/2018
Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, có đường biên giới với nước bạn Lào và theo nhiều đường có thể sang Trung Quốc. Không ít khu vực trình độ dân trí còn thấp, dễ bị lợi dụng để các đối tượng MBN hoạt động.
Theo thống kê, hàng năm trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý từ 10 đến 15 vụ với trên 200 nạn nhân bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt đưa đi nước ngoài trái phép. Chỉ tính từ năm 2013 - 2017, các lực lượng chức năng đã điều tra làm rõ và khởi tố 16 vụ, 26 bị can trong đó có 14 vụ mua bán người, 2 vụ mua bán trẻ em; tiến hành giải cứu 34 nạn nhân bị mua bán....
Cùng với đó, qua rà soát, thống kê, trên địa bàn có gần 200 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc có đăng ký kết hôn, hiện đang sinh sống tại Trung Quốc; trên 1.800 phụ nữ tự nguyện sang Trung Quốc lấy chồng, không làm thủ tục đăng ký kết hôn; gần 130 phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc lấy chồng, ép làm vợ bất hợp pháp... Đây là những điều kiện dễ dẫn đến tình hình phức tạp và phát sinh gia tăng tội phạm MBN trong thời gian tới.
Nạn nhân trong vụ MBN được giải cứu khỏi động mại dâm bên kia biên giới
Các đối tượng MBN hoạt động khá tinh vi, liều lĩnh, bất chấp tính mạng, an toàn của đồng loại để kiếm lời. Đã có không ít phụ nữ, trẻ em bị lừa bán với chiêu trò đến những nơi có điều kiện tốt để lao động kiếm được hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Có những đứa trẻ bị bắt cóc trắng trợn...Và thời 4.0, mạng xã hội cũng bị lợi dụng để MBN. Đã có không ít cuộc đời phải chịu nỗi đau khổ khốn cùng do nạn MBN. Sau khi bị lừa bán, nhiều người trở thành nô lệ lao động, nô lệ tình dục, thậm chí là bị lấy nội tạng hoặc bị bạo hành cho đến chết.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương đẩy mạnh công tác phòng chống MBN; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hành động phòng, chống MBN giai đoạn 2016-2020. Trong đó UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm MBN; tiếp nhận, xác minh nguồn tin báo, tố giác về tội phạm MBN; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm MBN trên phạm vi toàn tỉnh; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương, lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng chống MBN, nhất là khu vực biên giới, trên biển; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương theo quy định...
Chị Phạm Thị Ánh xã Ngư Lộc, Hậu Lộc là một trong những nạn nhân của MBN may mắn trở về nhà sau 16 năm bị bán sang Trung Quốc
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày toàn dân phòng, chống MBN” (ngày 30/7 hằng năm), UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành ban hành kế hoạch hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống MBN” với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, vùng miền và tạo sự lan tỏa trong xã hội, với các khẩu hiệu hành động “Tích cực hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống MBN”; “Chung tay phòng, chống MBN” và “Phòng, chống MBN là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội”; phát động phong trào toàn dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm MBN gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...; đồng thời phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, của các tầng lớp nhân dân trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em tại các địa bàn dân cư.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng đã triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tạo chuyển biến trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN. Trong đó, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Công an tỉnh đã chủ trì xây dựng và thực hiện một số đề án, tiểu đề án như: “Đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN khu vực nội địa”; “Tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân”; “Hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống MBN”... Đồng thời tổ chức rà soát, lên danh sách các đối tượng tội phạm, các đối tượng khác có liên quan đến hoạt động MBN tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đẩy mạnh điều tra, khám phá các vụ án về tội phạm MBN; phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để nhân dân nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm MBN. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng được các sở, ngành đẩy mạnh.
Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về MBN
Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về công tác phòng, chống MBN cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tại lớp tập huấn, các học viên đã được đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) giới thiệu chuyên đề về tình hình tội phạm MBN và các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn. Ngoài ra, các học viên còn được nghe một số văn bản pháp luật về phòng, chống MBN... Đây là những kiến thức cơ bản, quan trọng về các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm MBN và pháp luật về phòng, chống MBN... Thông qua công tác truyền thông nhằm huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm MBN, góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế và làm giảm tội phạm MBN trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh sự quyết tâm, đồng bộ vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì người dân cần nâng cao cảnh giác, không bị dụ dỗ bởi những lời đường mật. Sự nhẹ dạ cả tin là mảnh đất màu mỡ để tội phạm MBN lợi dụng, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trên thực tế, nạn nhân của nạn MBN thường ở những vùng quê mà điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, và họ phần nhiều thuộc diện nghèo. Vì vậy cần trang bị kiến thức cho người dân, nhất là những phụ nữ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, nơi tiềm ẩn nguy cơ về MBN.