Tỏa sáng khí phách, tinh thần Bà Trưng, Bà Triệu
Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 19/10/2018
“Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”
73 năm, kể từ ngày lập nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân ta đã từng bước giành lấy độc lập, tự do từ tay thực dân, đế quốc và đưa đất nước ngày càng phát triển. Trong kì tích chung đó, không thể không nhắc đến công lao to lớn của những người phụ nữ Việt Nam.
Cách đây gần 70 năm, có một nữ du kích Thái Bình đã một lòng đi theo cách mạng. Dù có những lúc bị địch bắt, tra tấn dã man, bà vẫn không hề nao núng, kiên cường theo đuổi lý tưởng cách mạng đến cùng. Báo Nhân dân số 60 ra ngày 5/6/1952 có in một bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh CB, trong đó có đoạn viết: “Nữ trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên là một cố nông, 22 tuổi, vào đội du kích từ 1946... Chị Chiên, vì yêu nước, căm giặc, trung thành với đoàn thể, kiên quyết bám sát dân, luôn luôn thương yêu đồng đội, nắm vững và ra sức thi hành chính sách nên đã lập được công to, rất xứng đáng là Anh hùng Quân đội”.
Người nữ anh hùng đầu tiên của lực lượng vũ trang Việt Nam ấy, sau khi rời quân ngũ, đã trở về sống bình dị suốt quãng đời còn lại trong ngôi nhà nhỏ ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Đến tận những năm tháng cuối đời, trí tuệ và tinh thần của bà vẫn luôn hướng tới Đảng, tới dân.
Nữ Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Chiên
Cũng cách đây gần bảy thập kỷ, trên chiến hạm Amyot D'Inville, nữ chiến sĩ công an nhân Nguyễn Thị Lợi trong vai phu nhân của Quốc vụ khanh đã đã kích hoạt 39kg thuốc nổ, làm nổ tung chiến hạm, hơn 200 sĩ quan địch thiệt mạng, cùng với hàng trăm tấn thuốc nổ mà thực dân Pháp dự định chi viện vào chiến trường Việt Nam. Đó cũng là một trong những chiến công vang dội của lực lượng tình báo Công an nhân dân trong thời kỳ đầu mới thành lập, góp phần thắng lợi cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ghi nhận chiến công của bà, ngày 3/8/1995, Nhà nước ta truy tặng cho nữ điệp viên Nguyễn Thị Lợi danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Những nữ anh hùng, dũng sĩ như Anh hùng Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Thị Lợi mãi mãi là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước”. Thực tiễn phát triển của cách mạng Việt Nam đã chứng minh quan điểm của Đảng, của Bác Hồ đối với vai trò của phụ nữ là hoàn toàn tiến bộ và đúng đắn.
Ngay từ những ngày đầu lập nước năm 1945, hàng triệu phụ nữ đã có mặt trong các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, tham gia vào các lực lượng vũ trang, dân quân du kích để cùng toàn dân tộc tiến lên giành độc lập. Trong kháng chiến chống Pháp, cả nước có hàng triệu phụ nữ gia nhập dân quân du kích đánh giặc bằng mọi phương tiện có trong tay như “đòn gánh đánh càn” ở miền Bắc, “tầm vông diệt giặc” ở miền Nam.
Tượng đài Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Lợi ở Sầm Sơn, Thanh Hóa
Có thể nói, trong chiến đấu, phụ nữ tỏ ra không hề thua kém nam giới, nhiều tấm gương tiêu biểu đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang như Nguyễn Thị Chiên, Hồ Thị Bi, Lê Thị Tạo, Mạc Thị Bưởi, Tạ Thị Kiều, Võ Thị Sáu...
Trong 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở miền Nam - nơi tuyến đầu của Tổ quốc, phụ nữ quân đội, phụ nữ công an luôn là lực lượng đấu tranh hăng hái, dũng cảm và sáng tạo. Chị em đã vận dụng nhiều phương châm như đấu tranh hợp pháp, bất hợp pháp, xây dựng cơ sở trong lòng địch, bám đất bám dân, kiên cường chiến đấu. Đội quân tóc dài, các đội nữ du kích, nữ tự vệ, nữ biệt động luôn là nỗi kinh hoàng của quân xâm lược.
Vì miền Nam ruột thịt, hàng vạn chị em nơi hậu hương lớn miền Bắc đã tình nguyện tham gia thanh niên xung phong, các đoàn dân công hoả tuyến, trực tiếp chiến đấu trên mọi chiến trường. Không phân biệt đơn vị phục vụ hay đặc thù lực lượng, họ đã đoàn kết, kề vai sát cánh cùng nhau trên nhiều trận tuyến chống lại kẻ thù. Đã có hàng trăm nữ chiến sĩ quân đội, công an được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT như Nguyễn Thị Hạnh, Đinh Thị Vân, Nguyễn Thị Định, Nhất Chi Mai, Nguyễn Thị Út, Ngô Thị Tuyển... Chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975 có những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì đến nay cả nước có hơn 117.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong số ngàn vạn “bà mẹ nghìn năm của nước non” ấy có không ít những người tiễn chồng con ra trận, rồi đau đớn đón nhận hung tin, rồi khắc khoải sống cho tới ngày khuất bóng. Sự mất mát, hy sinh của các Mẹ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sẽ mãi lưu danh cùng sử sách.
“Giỏi việc nước đảm việc nhà”
Kể từ ngày hòa bình lập lại, trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phụ nữ Việt Nam lại tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Vai trò này đã và đang được khẳng định một cách rõ nét hơn bao giờ hết. Họ vẫn luôn biết nêu cao lí tưởng thời đại, thể hiện “khí phách Bà Trưng, Bà Triệu” để luôn phát huy được vai trò của mình trong mọi lĩnh vực công tác, gánh vác sứ mệnh mà dân tộc đặt trên vai mình. Ghi lòng tạc dạ lời Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Yêu nước thì phải thì phải thi đua… Những người thi đua là những người yêu nước nhất”, suốt nhiều năm qua, phong trào thi đua ái quốc đã lan tỏa trong mọi lĩnh vực, mọi thời điểm, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc.
Những tấm gương về phụ nữ điển hình “Giỏi việc nước đảm việc nhà” hàng năm không ngừng được tăng lên, đồng nghĩa với việc thăng tiến, địa vị của người phụ nữ đã được khẳng định trong xã hội. Nếu xưa kia, người phụ nữ bao giờ cũng được xếp sau người đàn ông thì ngày nay tất cả đã “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”, những gì yêu thương, tốt đẹp đều dành cho phụ nữ.
Trong cuộc sống hiện đại, phụ nữ Việt Nam không còn đơn thuần giữ vai trò “nội trợ”, “giữ lửa” trong gia đình mà họ đã khẳng định được vai trò, vị trí và trí tuệ của mình ở tất cả các lĩnh vực trong xã hội, góp một phần rất lớn vào quá trình phát triển của đất nước. Điều đó thể hiện ở số nữ chiếm tỉ lệ cao trong lực lượng lao động. Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phụ nữ Việt Nam “Giỏi việc nước đảm việc nhà”
Tỷ trọng nữ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên đến 66,8%, trong các doanh nghiệp công nghiệp chế biến là 57,5%, trong các doanh nghiệp dệt là 60,8%, trong các doanh nghiệp may là 81,5%. Tỷ trọng phụ nữ trong các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ khoa học kỹ thuật cũng đã tăng lên so với trước đây. Tỷ lệ nữ giáo viên phổ thông lên tới 70,9%; tỷ lệ nữ học sinh trung học phổ thông là 53,2%, nữ học sinh trung cấp chuyên nghiệp là 53,7%...
Đặc biệt, tỉ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội Việt Nam cũng đứng ở mức cao so với các nước trong khu vực, châu Á và thế giới. Theo báo cáo của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội thì tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV là 26,72%, tăng so với hai khóa trước đó, cao hơn mức trung bình của thế giới (23,6%). Và đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ.
Nhận thức được vai trò của phụ nữ trong gia đình, trong đời sống xã hội, Đảng, Nhà nước và cộng đồng đã có nhiều chính sách, biện pháp để bảo đảm sự bình đẳng và phát triển của nữ giới. Cùng với đó, quyền của phụ nữ về kinh tế đã được nâng lên thông qua việc pháp luật quy định phụ nữ cùng đứng tên với nam giới trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản. Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia đã hoàn thành báo cáo về tình hình thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Mạng lưới cán bộ tư vấn về giới hoạt động hiệu quả, hệ thống pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ được tăng cường, Luật Bình đẳng giới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2007.
Có thể nói, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Khi nền kinh tế càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn. Nó phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường và khiến nam giới phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình. Nó có thể giảm nhẹ gánh nặng việc nhà cho phụ nữ, tạo cho họ nhiều thời gian nhàn rỗi hơn để tham gia vào các hoạt động khác. Đồng thời, nó còn tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ phát triển.