Bé trai 4 tuổi bị chó nhà cắn trọng thương
Đời sống - Ngày đăng : 20:05, 27/09/2018
Ngày 27/9, thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật cấp cứu cho một bệnh nhi 4 tuổi (trú tại xã Điền Công, TP Uông Bí) nhập viện với nhiều vết thương vùng mặt và vùng cổ do bị chó nhà cắn.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nhiều vết thương, trong đó có 2 vết dài 6cm trên vùng cổ, 3 vết thương dài 2cm tại vùng mặt, 1 vết thương dưới mi mắt phải dài 1,5cm. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành sát trùng và khâu phục hồi các vết thương cho cháu bé.
Bác sĩ tại bệnh viện cho biết, vết thương của bệnh nhi tại vùng mặt không có gì đáng ngại nhưng vết thương tại vùng cổ rất nguy hiểm bởi vì 2 vết thương vùng cổ rất sâu, có nguy cơ tổn thương các mạch máu lớn ở cổ, đặc biệt là vùng thanh khí quản, làm tổn thương đường thở khiến trẻ suy hô hấp do phù nề chèn ép hoặc sặc máu rất nguy hiểm.
Chị Phạm Thị D., mẹ của cháu bé cho biết, chiều 26/9, khi đang ở trong nhà thì nghe tiếng con khóc lớn ngoài sân. Chị D. chạy ra thì thấy con chó nhà nuôi đang tấn công bé trai. Trước đó 1 năm thì bé cũng đã từng bị chó nhà tấn công.
Từ đầu tháng 9 đến nay, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển đã tiếp nhận và điều trị 6 trường hợp bị thương do chó cắn. Do chủ quan, thiếu trách nhiệm trong việc chăn nuôi chó và công tác quản lý, xử lý của cơ quan chức năng còn coi nhẹ nên các địa phương đã xảy ra nhiều vụ chó cắn, gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Tại Hải Phòng, 6/2015, bà Lý Thị N. (SN 1947, trú tại thị trấn An Lão, huyện An Lão, TP Hải Phòng) bị chó nuôi tại một công ty trên địa bàn cắn dẫn đến tử vong.
Mới đây, 7/2017, ông Vũ Văn H. (SN 1957, quê ở xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) đang đi bộ trong ngõ phố thì bị chó nuôi của nhà số 16/512 Nguyễn Văn Linh, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP Hải Phòng cắn toàn thân. Sau đó, ông H. bị con chó này đẩy ngã ngửa, đập gáy xuống đường chấn thương sọ não và sau đó tử vong do vết thương quá nặng.
Những con chó nuôi sẽ biến thành mãnh thú khi gia chủ không quản lý chặt chẽ
Các bác sĩ khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ, không để trẻ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương... Hàng năm, chó phải được tiêm vaccine ngừa bệnh dại đúng kỳ. Khi thả chó ra khỏi nơi nuôi nhốt, chủ nuôi phải quản thúc và rọ mõm cho chó.
Khi bị chó cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%. Đồng thời, sau đó, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, tiêm phòng dại kịp thời.