Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc - 20 năm một chặng đường phát triển
Đời sống - Ngày đăng : 15:16, 25/09/2018
Nhìn lại chặng đường 20 với nhiều nỗ lực và thành công
Sau khi tái lập tỉnh (năm 1997), Vĩnh Phúc còn nhiều khó khăn. Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp nhằm tạo sự tăng trưởng cao cho nền kinh tế, kích thích các ngành dịch vụ, nông nghiệp phát triển. Chính vì vậy, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã quyết định thành lập Ban chuẩn bị dự án để tham mưu cho tỉnh trong việc phát triển khu công nghiệp (KCN) tập trung và thành lập Ban Quản lý các KCN làm tham mưu cho tỉnh trong công tác thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Theo đề nghị của tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 29/9/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 190/1998/QĐ-TTg về việc thành lập Ban quản lý các KCN Vĩnh Phúc.
Toàn cảnh KCN Bình Xuyên Vĩnh Phúc
Khi mới thành lập, Ban quản lý các KCN Vĩnh Phúc chỉ có 7 cán bộ do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban với 02 phòng chức năng là Văn phòng và Phòng nghiệp vụ Kế hoạch tổng hợp, trực thuộc Ban quản lý các KCN Việt Nam.
Đến nay, Ban đã thành lập 09 phòng chuyên môn: Văn phòng, phòng Quản lý đầu tư, phòng Quản lý doanh nghiệp, phòng Quy hoạch xây dựng, phòng quản lý Lao động, phòng quản lý Tài nguyên môi trường, phòng Đại diện KCN, Thanh tra Ban và 01 Trung tâm Dịch vụ & Hỗ trợ đầu tư trực thuộc Ban. Số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có mặt tại Ban là 48 người, trong đó công chức, viên chức là 35 người, hợp đồng lao động khác là 13 người.
Cùng với sự phát triển của các KCN trên địa bàn tỉnh, tập thể Ban Quản lý các KCN ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, dần khẳng định được vị trí, vai trò, trách nhiệm trong hệ thống các sở, ban, ngành, đóng vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh và trong sự nghiệp phát triển công nghiệp tỉnh nhà; là cơ quan tham gia tích cực trong thực hiện cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao chỉ số cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc; nhiều năm liên tục là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tập thể Ban và nhiều cá nhân đã được trao tặng phiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành chức năng và của tỉnh. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ban luôn tỏ rõ quyết tâm sẽ sát cánh cùng nhau, tập trung sức lực và trí tuệ tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức vì sự phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và đột phá hơn nữa của Ban quản lý các KCN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Định hướng phát triển trong thời gian tới
Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy nhanh quá trình thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư từ nước ngoài. Vĩnh Phúc đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch của Vùng và cả nước, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ 21. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển mạnh sản xuất công nghiệp để “công nghiệp tiếp tục là động lực cho sự phát triển của tỉnh”.
Ban quản lý các Khu công nghiệp xác định các nhiệm vụ chính, chủ yếu, có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của Ban trong thời gian tới là phải tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các KCN hiện có; ưu tiên các dự án có suất đầu tư lớn, công nghệ cao, tăng tỷ lệ lấp đầy diện tích các KCN. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường pháp lý, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp SXKD; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và điều hành thực hiện quy hoạch các KCN; chủ động quỹ đất cho phát triển công nghiệp, tận dụng quỹ đất đồi kết hợp khai thác lợi thế từ vị trí địa lý để phân bố hợp lý các KCN trên địa bàn; nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào KCN với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho KCN, xây dựng đời sống văn hoá cho người lao động tại các KCN.
Huy động các nguồn vốn ngoài xã hội, từ các nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, phương pháp quản lý tiên tiến, hiệu quả để đảm nhận nhiệm vụ chủ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng các KCN, nhằm đạt mục tiêu phát triển các KCN hiện đại, bền vững. Gắn thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp với quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội.