Tòa án địa phương

TAND khu vực 1 - Hà Nội: Ổn định tổ chức, bảo đảm xét xử thông suốt ngay sau khi sát nhập

Mạnh Hùng 27/07/2025 - 20:43

Ngay sau khi được thành lập trên cơ sở sát nhập TAND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ, TAND khu vực 1 - Hà Nội đã nhanh chóng đi vào vận hành ổn định. Với tinh thần chủ động, quyết tâm và trách nhiệm cao, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức của đơn vị đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm hoạt động xét xử không bị gián đoạn, hướng đến xây dựng một Tòa án khu vực chuẩn mực, hiện đại và gần dân.

e86ecb12-4921-418a-8756-0557d30f93c3.jpeg
Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Phó Chánh án TAND khu vực 1 - Hà Nội

Khẩn trương ổn định bộ máy, tổ chức xét xử ngay từ những ngày đầu

Chia sẻ về công việc của đơn vị trong những ngày đầu sau khi sáp nhập, đồng chí Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Phó Chánh án TAND khu vực 1 cho biết, Ban lãnh đạo TAND khu vực 1 đã tập trung cao độ cho công tác tiếp nhận, bàn giao và ổn định tổ chức. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc chuyển giao toàn bộ các mảng công tác từ ba Tòa án quận cũ như tài chính, tài sản công, hồ sơ lưu trữ, công tác thi hành án hình sự... đồng thời tiếp nhận các hồ sơ vụ án đang được các Thẩm phán thụ lý.

Bên cạnh việc tổ chức bàn giao chặt chẽ, đơn vị đã triển khai ngay nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm hoạt động xét xử được thông suốt, không bị gián đoạn. Trong đó, một nội dung quan trọng là sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Các Thẩm phán và cán bộ, công chức được phân công nhiệm vụ một cách khoa học, trên cơ sở đánh giá đúng năng lực và sở trường chuyên môn.

Song song với đó, TAND khu vực 1 đã nhanh chóng ban hành các quy chế làm việc, thống nhất quy trình chuyên môn nghiệp vụ và bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận chuyên môn với bộ phận Hành chính - Tư pháp. Đặc biệt, đơn vị đã hoàn tất việc rà soát, phân loại hồ sơ từ ba Tòa án cũ để không bỏ sót, bảo đảm các vụ việc được giải quyết đúng tiến độ, đúng pháp luật.

Không dừng lại ở đó, Tòa án còn chú trọng cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác xét xử và điều hành hoạt động trong đơn vị. Nhờ sự nỗ lực và đồng bộ ấy, chỉ hơn hai tuần sau khi sát nhập, TAND khu vực 1 - Hà Nội đã giải quyết được 116 vụ án các loại, cho thấy sự vận hành nhịp nhàng và hiệu quả của mô hình Tòa án khu vực trong thực tiễn.

Mô hình Tòa án khu vực - chủ trương đúng đắn, thiết thực và giàu tính chiến lược

Đánh giá về chủ trương tổ chức lại các đơn vị Tòa án theo mô hình khu vực, bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh khẳng định đây là một bước đi có tính chiến lược, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cải cách tổ chức bộ máy, cơ quan tư pháp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp.

2dbba8c5-af72-4913-9a98-6474e31faf3c.jpeg
Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Phó Chánh án TAND khu vực 1 chia sẻ với PV Báo Công lý

Dưới góc độ của một người trực tiếp chỉ đạo hoạt động tại một Tòa án khu vực, Phó Chánh án Hạnh đánh giá: việc hợp nhất các đơn vị giúp tổ chức bộ máy trong Hệ thống Tòa án được kiện toàn, tinh gọn, giảm đầu mối quản lý, tránh chồng chéo, nâng cao hiệu quả điều hành. Mô hình Tòa án khu vực sẽ tập trung nguồn lực, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao và cơ sở vật chất chuyển đổi số, hình thành các khu vực hành chính tư pháp được số hoá mạnh mẽ, tiết kiệm nguồn lực, nhưng người dân vẫn tiếp cận công lý một cách nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thống nhất áp dụng pháp luật, chuẩn hóa quy trình chuyên môn, khắc phục sự chênh lệch giữa các đơn vị cũ.

Với người dân Thủ đô, mô hình này sẽ dễ dàng để người dân tiếp cận công lý, tạo điều kiện để họ được thụ hưởng thông qua khu vực trung tâm Hành chính - Tư pháp một cách chuyên nghiệp, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nhờ sự phân công hợp lý đội ngũ Thẩm phán, các vụ án được giải quyết đúng tiến độ, đúng pháp luật, giảm thiểu tình trạng tồn đọng - điều mà người dân rất quan tâm.

Việc sát nhập sẽ không tránh khỏi những khó khăn nhất định, đặc biệt về con người, khối lượng án và điều kiện làm việc ban đầu, nhưng bà Hạnh tin tưởng với sự chỉ đạo sát sao của TANDTC và sự đồng lòng của toàn hệ thống, mô hình Tòa án khu vực sẽ dần chứng minh tính ưu việt trong thực tế.

Chủ động thích ứng, phát huy thế mạnh tổng hợp, bảo đảm chất lượng xét xử

Trên thực tế, mỗi đơn vị Tòa án trước khi sát nhập đều có những đặc điểm riêng về địa bàn, dân cư, bản sắc văn hoá - xã hội, tính chất phức tạp, nhạy cảm của các loại vụ, việc và phương pháp quản trị của Toà án quận, huyện trước đây. Nhưng theo Phó Chánh án Hạnh, TAND khu vực 1 đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn, tận dụng lợi thế tổng hợp để ổn định và phát triển đơn vị.

Trước hết, đơn vị đã xây dựng lại cơ cấu tổ chức phù hợp, phân công công việc rõ ràng, căn cứ vào năng lực và kinh nghiệm của từng cán bộ, công chức. Việc phối hợp giữa các bộ phận, nhất là giữa các cơ quan nội chính và các phòng chuyên môn, đã giúp nâng cao hiệu quả làm việc, đảm bảo tiến độ xét xử.

Bên cạnh đó, Tòa án cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Việc tổ chức tập huấn kỹ năng xét xử và quản lý, tiếp cận các phương thức làm việc hiện đại đã góp phần giúp Thẩm phán và Thư ký Tòa án xử lý vụ việc nhanh chóng, chính xác, nâng cao chất lượng giải quyết án.

Một trong những giải pháp đáng chú ý mà TAND khu vực 1 áp dụng hiệu quả là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Các phần mềm quản lý án, theo dõi tiến độ, tra cứu hồ sơ, lưu trữ dữ liệu điện tử... đã giúp giảm thiểu công việc thủ công, tăng tính minh bạch và cải thiện hiệu suất xử lý công việc của từng cá nhân cán bộ công chức và đơn vị.

Không chỉ tập trung vào khâu nội bộ, Tòa án còn quan tâm đến chất lượng phục vụ người dân. Tinh thần “gần dân, vì dân” được thể hiện rõ qua việc cải tiến thủ tục hành chính tư pháp, tiếp nhận và xử lý ngay các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo người dân được tiếp cận công lý ngay từ khâu đầu tiên.

Kỳ vọng về một Tòa án khu vực chuẩn mực, hiện đại, gần dân

Với tinh thần chủ động và quyết tâm ngay từ đầu, Phó Chánh án Nguyễn Thị Thúy Hạnh kỳ vọng rằng TAND khu vực 1 sẽ phát triển bền vững, trở thành hình mẫu về chất lượng xét xử và là biểu tượng của niềm tin và công lý tại Thủ đô Hà Nội.

Theo bà Hạnh, mục tiêu quan trọng nhất trong giai đoạn tới là nâng cao chất lượng giải quyết án. Đó không chỉ là yêu cầu nội tại của hệ thống mà còn là đòi hỏi cấp thiết từ người dân. Các vụ án cần được xử lý công minh, nhanh chóng và đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan và góp phần giữ vững niềm tin của công chúng vào hệ thống tư pháp. Thực hiện đúng Nghị quyết số 27/NQ-BCHTW về cải cách tư pháp, đó là lấy “Xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá”.

Ngoài ra, Tòa án sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tư pháp, tối ưu hóa quy trình giải quyết các vụ án, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ nhưng vẫn bảo đảm tính khách quan, minh bạch. Theo Phó Chánh án Hạnh, một quy trình xét xử đơn giản, dễ hiểu và nhanh chóng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân và tạo ra hình ảnh tích cực về Tòa án trong mắt xã hội.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tiếp tục được coi là một đột phá trong giai đoạn mới. Từ quản lý hồ sơ, điều hành công việc cho tới việc kết nối thông tin với người dân – tất cả sẽ góp phần xây dựng một Tòa án thông minh, hiện đại, thuận tiện và minh bạch.

“Chúng tôi sẽ không chỉ dừng lại ở việc xét xử đúng, mà còn xây dựng hình ảnh Tòa án là nơi bảo vệ công lý, là địa chỉ tin cậy của nhân dân trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp và giữ gìn trật tự xã hội”, bà Hạnh khẳng định.

Với những định hướng rõ ràng và sự đồng lòng, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, Thẩm phán, TAND khu vực 1 - Hà Nội đang từng bước khẳng định vị thế và sứ mệnh của mình - trở thành điểm tựa pháp lý vững chắc cho người dân Thủ đô, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Mạnh Hùng