Ngồi trên nóc xe ô tô: Hành vi liều lĩnh thách thức pháp luật và tính mạng
Ngồi trên nóc xe ô tô giữa đường phố là hình ảnh phản cảm không chỉ khiến dư luận bức xúc mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức và văn hóa giao thông đang bị xói mòn.
“Trò vui” phản cảm khi tham gia giao thông
Trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube, không khó để bắt gặp những đoạn video ghi lại cảnh người trẻ liều lĩnh ngồi trên nóc xe ô tô đang chạy. Hành vi nhiều người coi là “trò vui”, “giải trí” này lại là hành động nguy hiểm, có thể dẫn tới hậu quả chết người.

Một pha phanh gấp hay va chạm bất ngờ hoàn toàn có thể khiến người ngồi trên nóc bị hất văng xuống đường, chấn thương sọ não, tử vong tại chỗ. Không chỉ đe dọa chính bản thân họ, hành vi này còn gây nguy hiểm cho người đi đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn dây chuyền, nhất là trong giờ cao điểm hoặc tại khu vực đông dân cư.
Không dừng lại ở đó, tiếng hò hét, những màn "biểu diễn" phản cảm dễ gây mất trật tự công cộng, khiến tài xế khác mất tập trung, dẫn đến va chạm đáng tiếc. Việc những hình ảnh này được lan truyền trên mạng xã hội càng làm dấy lên làn sóng chỉ trích về sự xuống cấp trong ý thức một bộ phận người tham gia giao thông.
Ngoài những nguy cơ về an toàn, hành vi này còn gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh giao thông văn minh, tạo ấn tượng phản cảm trong mắt cộng đồng, đặc biệt là du khách nước ngoài. Việc lan truyền những hình ảnh tiêu cực như vậy trên mạng xã hội càng khiến dư luận thêm phẫn nộ, cho thấy sự xuống cấp trong ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông.
Thực tế đã có nhiều vụ việc bị phát hiện và xử lý. Tại Hà Nội, một tài xế bị phạt 6 triệu đồng, trừ 6 điểm trên giấy phép lái xe sau khi để người ngồi trên nóc ô tô di chuyển qua đường Lê Đức Thọ. Trước đó, ở Gia Lai (trước đây thuộc Bình Định), một người phụ nữ cũng bị xử phạt 4 triệu đồng, tước bằng lái hai tháng sau khi để con nhỏ ngồi trên nóc xe đang di chuyển...
Các tình huống vi phạm như vậy thường có xu hướng gia tăng vào những dịp lễ, Tết, hoặc sau các trận bóng đá, đám cưới hay các sự kiện tốt nghiệp - thời điểm mà sự phấn khích dễ bị đẩy lên cực độ và kéo theo hành vi thiếu kiểm soát.
Tình trạng này không phải là hiện tượng đơn lẻ mà xuất phát từ nhiều nguyên nhân phức tạp, đan xen nhau - từ nhận thức cá nhân hạn chế, tác động tiêu cực của mạng xã hội, sự buông lỏng quản lý đến lỗ hổng trong giáo dục gia đình và nhà trường. Trong đó, mạng xã hội chính là “chất xúc tác” nguy hiểm, tiếp tay cho những hành vi gây sốc này.
Việc một số thanh thiếu niên sẵn sàng liều lĩnh quay clip mạo hiểm để đăng lên TikTok, Facebook hay YouTube chỉ nhằm thu hút lượt xem, tương tác và thể hiện bản thân cho thấy sự lệch lạc về giá trị sống. Với họ, đó là cách khẳng định cá tính, mà không hề nghĩ tới hậu quả pháp lý và tính mạng.
Một phần không nhỏ trong số đó là những người chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về luật giao thông và kỹ năng phòng ngừa rủi ro. Họ chưa ý thức được rằng hành vi “ngồi chơi cho vui” ấy có thể phải trả giá bằng cả sinh mạng. Thêm vào đó, điều đáng lo ngại là trong nhiều trường hợp, chính tài xế - người có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hành khách - lại là người tiếp tay, thậm chí khuyến khích hành vi. Sự thỏa hiệp này khiến những người vi phạm dễ dàng “nhờn luật”, coi thường quy định và xem nhẹ hậu quả.
Bên cạnh đó, không thể bỏ qua vai trò của gia đình trong việc giáo dục và kiểm soát hành vi của con trẻ. Sự thiếu quan tâm, lơ là giám sát của cha mẹ - nhất là trên môi trường mạng - khiến giới trẻ dễ bị cuốn vào những trào lưu nguy hiểm mà không có điểm dừng. Khi giá trị về an toàn và tuân thủ pháp luật không được truyền đạt đầy đủ từ trong gia đình, nhận thức của giới trẻ sẽ lệch lạc theo hướng lệch chuẩn xã hội.
Thực tế tại nhiều địa phương cũng cho thấy, công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý còn chưa theo kịp diễn biến. Việc thiếu các công cụ giám sát khiến nhiều trường hợp vi phạm không được phát hiện kịp thời, dẫn tới việc xử lý còn chưa được triệt để.
Đáng chú ý, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, người điều khiển phương tiện chở người trên nóc xe không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn bị trừ điểm trên giấy phép lái xe. Đây là bước tiến đáng kể trong việc tăng tính răn đe, song hiệu quả thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Cần những giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ
Để ngăn chặn triệt để hành vi này, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ pháp lý đến giáo dục, truyền thông. Trong đó, việc xử phạt nghiêm minh là yếu tố then chốt. Các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát đặc biệt trong các dịp lễ hội, sự kiện thể thao hay nơi đông người tụ tập. Những trường hợp vi phạm phải được xử lý nghiêm khắc, công khai danh tính để răn đe.
Song song đó, cần mở rộng hệ thống camera giám sát giao thông, khai thác dữ liệu từ mạng xã hội, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các video, hình ảnh vi phạm lan truyền. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok cũng cần hợp tác với cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung độc hại và xử lý người đăng tải.
Bên cạnh chế tài, công tác tuyên truyền, giáo dục cần được đẩy mạnh, đặc biệt là hướng tới giới trẻ - đối tượng dễ bị kích thích bởi trào lưu và hành vi bốc đồng. Những chiến dịch truyền thông hiện đại, sử dụng kênh phổ biến như YouTube, TikTok sẽ giúp chuyển tải thông điệp về hậu quả nguy hiểm một cách hiệu quả hơn.
Phía gia đình và nhà trường cũng cần vào cuộc mạnh mẽ. Phụ huynh phải quan tâm, giám sát con em cả trong đời thực lẫn trên môi trường mạng. Trường học nên lồng ghép giáo dục văn hóa giao thông vào các hoạt động ngoại khóa. Chỉ khi giáo dục đi trước pháp luật, vi phạm mới có thể được ngăn chặn từ gốc.
Chấm dứt hành vi ngồi trên nóc xe không chỉ là yêu cầu về mặt pháp lý mà còn là đòi hỏi cấp thiết về văn hóa giao thông và ý thức bảo vệ sinh mạng. Chỉ khi xã hội cùng đồng lòng thì những hành vi nguy hiểm như thế này mới thực sự bị đẩy lùi, trả lại sự an toàn cho mỗi lượt lưu thông.
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2025, người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi chở người trên nóc xe khi xe đang chạy có thể bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Đồng thời bị trừ 6 điểm trên giấy phép lái xe.