Sự thật đau xót phía sau các đường dây tàn sát động vật hoang dã
Đời sống - Ngày đăng : 16:41, 20/09/2018
Các nhà hàng sau khi ký cam kết không buôn bán giết mổ chế biến động vật rừng, thì vẫn có khu trữ đông hoặc hầm “biệt giam” rất nhiều loài hoang dã quý hiếm để phục vụ thực khách. Đấy là chưa kể tình trạng nhập nhèm cấp phép cho tư nhân nuôi động vật hoang dã, biến trang trại trở thành nơi “rửa” hoang thú từ thiên nhiên hoặc thẩm lậu qua biên giới vào các “nông hộ”, để rồi hợp thức hóa chúng thành “hàng có giấy tờ” mà thả sức xuất bán.
Kỳ 1: Thâm nhập “thủ phủ hàng rừng”, hãi hùng cảnh bẫy, giết thú hoang
Các nhà hàng và các ông bà “trùm” săn bắn, buôn bán thú rừng ở tỉnh Đắk Nông bây giờ rất cảnh giác khi có khách lạ hỏi về thịt thú rừng. Nhưng có tín hiệu “dây mơ rễ má” quen biết hoặc biết rõ thực khách rủng rỉnh tiền là họ dẫn vào hầm tối chọn hàng, nghe tiếng gầm gừ cáu giận hay rên xiết tuyệt vọng của động vật hoang dã ngay.
Ném thú rừng ra sàn, bỏ lên cân, hét giá, cắt tiết…
Theo tài liệu chính thức mà chúng tôi có được, cách đây chưa lâu, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã truy quét một chuyến, thu hơn 300 tiêu bản của nhiều loài động vật quý hiếm. Hầu hết chúng bị bắn giết, bẫy bắt, ăn thịt rồi “nhồi trấu” bộ da, lông, sừng hầu như còn giữ nguyên. Mục đích là để trưng bày cho ra dáng người giàu có. Có trong tay bức ảnh la liệt các loại tiêu bản nai, hoẵng, voọc, khỉ, gấu, vượn, linh miêu… được thu giữ, bất kỳ ai cũng phải ngạc nhiên.
Thú rừng xếp hàng lũ lượt, lớp trước lớp sau, lớp trong lớp ngoài, màu đen màu vàng, màu hung màu trắng. Vài trăm con vật bị tàn sát, đứng la liệt. “Mật độ” nhiều hơn bất cứ cánh rừng hay vườn thú nào trên thế giới.
Ánh mắt sợ hãi của những con khỉ bị bắt nhốt trái phép
Chúng tôi đã theo chân thợ săn thú. Có lần, trên đỉnh Nâm Nung (huyện Krong Nô), ngọn núi huyền thoại đứng vào hàng cao nhất của tỉnh Đăk Nông, PV còn chụp được bộ ảnh các loại bẫy rập, bẫy treo, bẫy dây phanh xe đạp. Có con voọc cái dính bẫy, treo tay lên cây cho đến chết khô, đàn con của nó vây quanh mẹ, chắc là khát sữa và đói ăn, rồi chết phủ phục tạo nên một không gian “tang tóc”.
Gần đây, ống kính của nhóm nhà Đắk Nông, họ công khai bày bán đủ loại thịt thú rừng, bày ra ven quốc lộ 14, với phản thịt và các con thú rừng nguyên lông tứa máu, hằn vết đạn chì và đứt “tay chân” vì bẫy rập.
Chưa hết, chúng tôi vô cùng sửng sốt khi thấy cảnh người ta bắt cả một đàn khỉ lớn bé, già trẻ, trói gô lại, lồng cây gỗ qua các kheo chân bị trói trật cánh khuỷu rồi cứ thế họ khênh đi. Cả chùm “con cháu Lão Tôn” nháo nhác, giãy giụa, treo bung biêng, rồi các đôi mắt úp xuống mặt đường cứ thế chứa chan tuyệt vọng. Không hiểu sao, tôi có cảm giác rất rõ là chúng đang khóc.
Cả núi bẫy dây phanh xe máy, cái tròn, cái dài, bên cạnh là vài con hoẵng, con nai nằm thuồi luồi, con đã bị giết, con đang giãy chết. Những cảnh tượng này rất giống thời nguyên thủy, thuở hồng hoang.
Theo các nghị định của Chính phủ Việt Nam cũng như Công ước Quốc tế mà nước ta là thành viên, người giết thú hoang quý hiếm có thể bị xử tù và hoặc bị phạt số tiền rất lớn. Không biết, khi diễn ra những cảnh trên, cơ quan chức năng ở đâu và đang làm gì?
Để tiếp cận với một vài đối tượng săn bắn và buôn bán chế biến các sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã, chúng tôi nhập vai là chủ một nhà hàng chuyên thịt thú rừng ở Sài Gòn, cần “hàng con” thường xuyên, đắt rẻ một chút không thành vấn đề, cốt phải là hàng xịn.
Sau thời gian học đủ các thứ “thuật ngữ”, tiếng lóng của ông bà trùm, chúng tôi đã tạo vỏ bọc cho mình bằng một “danh phận” in trên các-vi-dít đàng hoàng. Chìa danh thiếp, có “đàn em” tiền hô hậu ủng đi cùng, chúng tôi đã tạo được niềm tin nơi các “đối tác”.
Mèo rừng cũng bị bắt nhốt và rao bán
Khi đã nhập vai rồi, chúng tôi vào các nhà hàng, được các ông bà chủ cho xem cả thực đơn có động vật rừng. Lợn rừng, chồn, nhím, cầy, cheo, đủ cả, in thành từng trang thực đơn, đặt lên bàn cho khách thỏa sức chọn. Với các loài quý hơn thì họ quảng bá bằng miệng. Khách chỉ cần gợi ý là có người mang đến ngay.
Với những loài được bảo vệ bởi Nghị định của Chính phủ và Công ước Quốc tế, khi bị kiểm tra xử phạt sẽ rất nặng, thì các chủ nhà hàng giấu giếm kỹ hơn. Hầu hết các nhà hàng được chúng tôi khảo sát ở các huyện Đắk R’Lấp, Đắk Glong rồi Đắk Mil và thị xã tỉnh lỵ Gia Nghĩa đều chung một thủ đoạn: Giấu giếm, nhưng luôn sẵn hàng. Khi có yêu cầu của khách, họ ném thú rừng ra sàn, bỏ lên cân, hét giá, cắt tiết, chế biến luôn…
Ở các “điểm nóng” này, vì là “thủ phủ hàng rừng”, các toán thợ săn giăng bẫy và vác súng tự chế lùng sục xuyên đêm ngày khắp rừng núi, nên hầu như không có chuyện đem ba ba, rùa, cầy, hươu, nai, gấu nuôi sinh sản ra đánh lừa thực khách. Thú rừng bị bắn, bị bẫy, vết thương rất rõ. Các chuyên gia bảo tồn đi với chúng tôi xác nhận, các thợ săn luồn rừng lội núi bẫy thú ngay… trước mắt nhóm điều tra.
Các “tay chơi” còn dạy khách cách nhai thú rừng phải rón rén ra sao. Vì trong đó có rất nhiều đạn chì, đạn ấy vấp phải răng thì tê buốt hơn đá và sắt, rất kinh khủng. Lúc thui thú, họ có thể trông rõ các vệt da con vật tội nghiệp bị rách theo hình tròn rạn nứt. Đó là vết đạn ghém bắn theo chùm của súng tự chế. Hoặc “chân tay” chúng bị tấy đỏ, thối rữa, què quặt vì vết rít cứa của dây phanh bẫy treo, bẫy rập có hai hàm “răng” bằng sắt.
Thịt thú rừng được đông lạnh để đem bán
Với một số loài thú rừng đắt tiền, ví dụ như tê tê (thậm chí có chủ buôn còn rao bán “thịt hổ”), thì phải đặt hàng trước. Con gì cũng có và bao nhiêu họ cũng đáp ứng. Có khi họ có trong nhà, trong kho nhưng không “show” (giơ ra) cho khách vì sợ bị úp sọt (bị bắt giữ bởi cơ quan chức năng như cảnh sát môi trường, kiểm lâm cơ động, quản lý thị trường “trinh sát hóa trang”), cũng có thể họ cần đi đặt ở đầu mối khác, vì các món đắt ít khách ăn hơn.
Cứ “gọi món là có hàng”, sao cơ quan chức năng bất lực?
Tại nhà hàng C. ở đường Nguyễn Tất Thành, huyện Đắk Mil, ông chủ và nhân viên tiếp khách rất cởi mở, không chút nghi ngờ “các mối quan hệ đặc biệt” của “chủ buôn Sài Gòn” với giới “trùm” trên “thủ phủ hàng rừng”. Đủ loại nhé, lợn rừng, sóc, thỏ, chim, gà rừng, người ta cấm mặc người ta, ông chủ bảo chúng tôi lên phòng lạnh, họ giết mổ khênh lên ngay.
Nếu đặt tiền thì có cầy hương, rắn hổ trâu (đều là các loài thuộc danh mục bảo vệ của Chính phủ được quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP, Nghị định 32/2006/NĐ-CP và Phụ lục I, II Công ước CITES mà Việt Nam là thành viên). Tóm lại là khách cứ yêu cầu, nhà hàng đáp ứng đủ.
Tại huyện Đắk Glong, ở nơi giáp ranh 3 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Đắk Lắk, chúng tôi vừa ướm hỏi, trông thấy cán bộ địa phương hay “mở tiệc thú rừng” đi cùng, chủ nhà hàng cởi mở hết cỡ vì gặp khách quen.
Cầy, cheo, thú rừng quý hiếm được lôi ra từ tủ lạnh, ném uỵch giữa nhà. Con vật nhe răng, “tay” co quắp vì bị thui như đang van lơn cầu cứu, nhiều con, lớp “tuyết” trắng phủ lan man dọc cơ thể đã thui vàng. Nó vừa được móc ra từ tủ bảo ôn.
Theo một tài liệu đáng tin cậy, có ít nhất 7 đầu mối (kiểu đại lý) buôn bán vận chuyển động vật rừng ở khu vực thị xã Gia Nghĩa. Có ngày, một “trùm” lén lút đem cả tạ thịt thú rừng từ Đắk Nông về TP.HCM, Bình Dương, thậm chí cả Cần Thơ để “đổ mối”.
Trong vai chủ buôn đi gom hàng, khi tiếp cận bà H. ở thị xã tỉnh lỵ Gia Nghĩa, nhóm điều tra còn “giáp mặt” với cả hầm động vật rừng, vài chục con dúi, cua đinh, rắn hổ mang chúa, rùa đá như một khu “trại tù binh” của thú rừng.
Theo ghi nhận, có ít nhất 6 cái tủ đông ngăn nào cũng có thịt động vật rừng. Việc giết mổ diễn ra náo nức như một cái lò mổ lợn gà, trước ống kính quay lén của chúng tôi. Máu thú, thịt thú, máy khò quẳng la liệt.
Người dân buôn bán công khai thịt thú rừng quý hiếm
Bà Nguyễn Thị H. vừa đóng thịt thú rừng vào thùng xốp chuyển vào phía Nam cho khách “đặt trước”, vừa cho biết tê tê, rắn hổ mang chúa, cầy hương, cheo cheo, khỉ sống, những loài đắt tiền khác nữa, đặt tiền là hàng về, nếu lười đến lấy thì cứ ở nhà, xe khách và cửu vạn sẽ khênh tận nơi. Tiền qua tài khoản, nhanh gọn, an toàn, khỏi lo. Các giao dịch trắng trợn, các loài muông thú rên xiết, đó cũng là sự chà đạp lên các quy định và luật pháp đến xót xa.
Một “bà trùm” khác tên là T., chủ buôn nổi tiếng ở khu vực Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp còn “hồn nhiên” cho khách sộp vào thẳng nhà, cứ thế “khoe hàng” từ cầy hương, chồn mướp, dúi, nhím, lợn rừng, mèo rừng, rắn hổ chúa. Cứ như bà ta thu gom cả rừng núi Tây Nguyên vào cái “bảo tàng thú rừng” sống và vườn thú chết của mình vậy. Bà chủ tự tin, cứ đặt hàng, có cả tê tê và bò rừng luôn. Thợ săn từ Tây Nguyên này nhiều, xuống mạn Bình Phước cũng đông, người Cam (Campuchia) đi giết thú bán sang ta cũng nhiều. Con bị bắn, dính bẫy thì thịt cho vào đông lạnh, con sống thì làm chuồng nuôi nhốt.
Các tiết lộ của trùm B. ở huyện Đăk R’Lấp khiến chúng tôi không tin vào tai mình nữa. “Mụ” bảo vừa bị bắt, phải “chạy” mất bao nhiêu tiền, đi buôn cả hổ rồi bị lộ và bị tịch thu mất luôn cả vị “chúa sơn lâm”. Bà ta đưa chúng tôi vào xem móng hổ, móng gấu la liệt. Nếu chúng tôi thích thì giao dịch qua zalo cho kín đáo.
Thợ săn đến nhà bà trùm B. bán đồ rừng, ai cũng lấm lem rách rưới sau cả tuần phục kích bắn nốt những con thú hoang tinh ranh nhất. Họ cạo trọc rừng, vét nhẵn muông thú. Không con nào chạy thoát.
D. và R. là hai thợ săn đang bán cả bao tải thịt rừng cho bà trùm. Chúng tôi hỏi chuyện, xin số điện thoại, các “chàng trai đồng rừng” vô tư giao lưu. Họ bảo mỗi tháng thu nhập cũng khoảng 10 triệu đồng, nhưng thời gian ở rừng nhiều hơn ở nhà. Giàu thì không giàu, nhưng mức đó đã là cao ngất ngưởng so với làm rẫy rồi. Chả trách, riêng lúc chúng tôi có mặt, tại vị 20 con dúi nhốt trong chuồng nhà bà B.
Khi chúng tôi phỏng vấn những người bày bán thú rừng công khai ven Quốc lộ 14, ở xã Trường Xuân, giáp thị xã Gia Nghĩa thì họ bảo, thợ săn của họ tự đi săn và bán lại. Ngồi mở mạng ra, chúng tôi thấy báo chí mới đăng ầm ầm: Nông Đức Cường, ở xã Trường Xuân vừa đi săn thú, gặp dáng lom khom trong bụi rậm, tưởng khỉ hoang xuất hiện, anh ta siết cò và bắn chết chính bạn săn của mình là Hoàng Minh Trung (người xã Đăk R’moan).
Có chuyện bi hài thế này, cách đây chưa lâu, kiểm lâm Đắk Nông đột ngột đến kiểm tra nhà ông Nguyễn Văn Toàn ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil và nhà hàng Đ.C của ông Doãn Hữu Đại ở thị trấn huyện này, thu giữ cùng lúc tới 68,4kg thịt rừng các loại và 5 cá thể động vật rừng còn sống. Hai ông này đều khai nhận mua động vật rừng của người đi săn.
Đặc biệt, ông Đại còn có giấy ký cam kết với kiểm lâm là không buôn bán giết mổ động vật rừng! Nói cứ nói, ký cứ ký, làm bậy thì vẫn cứ làm, chung quy cũng vì đồng tiền.
Rất nhiều súng tự chế và các loại bẫy được dùng để săn thú quý hiếm
Có vào kho súng mà người dân vừa giao nộp hoặc bị tịch thu ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong thì mới hiểu. Súng chồng chất, nòng sắt nòng nhựa, bắn cồn bắn bi sắt, đủ cả, dài hơn mét và ngắn vài chục xăng ti, không thiếu loại nào. Hoang thú có chạy đằng giời.
Lại có chuyện, khi đi làm phóng sự này, đến xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, ngay ven đường to nhất xã, chúng tôi chứng kiến hai chú khỉ con bị nhốt làm trò tiêu khiển, cách chăm sóc quá cẩu thả. Chủ nhà vô tư kể, khỉ mẹ bị bắn chết, hai con ôm mẹ khóc và bị bắt làm “tù binh”.
Khách vờ hỏi mua, chủ nhà nhiệt tình bán, nói là bán rồi lại nhờ thợ săn kiếm đàn khác. Còn vào nhà hàng, khách chỉ cần đút tay túi quần, xem thực đơn, gọi món là có, đặt tiền là có hàng. Trước thảm trạng ấy, câu hỏi đặt ra là, cơ quan chức năng đứng ở đâu và đang làm gì? Việc bắn khỉ mẹ rồi công khai nuôi đàn khỉ con là vi phạm luật pháp, chúng tôi lái ô tô và lơ đễnh đến vùng đất Quảng Tâm lần đầu tiên trong đời, thế mà còn phát hiện ra. Sao cán bộ địa phương không ai biết?
Khi chúng tôi tố cáo các vi phạm trên, gọi đến đường dây nóng, gửi “hồ sơ”, video lên Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thì cơ quan hữu trách mới chậm chạp vào cuộc.
Nhiều kết quả khảo sát đáng tin cậy của một tổ chức bảo tồn động vật có uy tín trên toàn thế giới tiến hành điều tra đã được hoàn thành, họ gửi tài liệu rồi tố cáo hàng chục địa điểm vi phạm, với hình ảnh, video, hồ sơ rõ ràng, nhưng ngày qua tháng lại, tiến độ xử lý vẫn còn nằm ở thì… tương lai.
Đằng sau các câu chuyện “trẻ lên ba cũng hiểu” trên là gì?
(Còn tiếp...)