Thanh Hóa: Nhiều tài sản hư hỏng, nhà tốc mái, nguy cơ sạt lở cao do mưa bão
Bão số 3 chưa đổ bộ vào đất liền nhưng do dông lốc, mưa lớn đã khiến nhiều tài sản, nhà cửa của người dân Thanh Hóa bị tốc mái. Cơ quan chức năng đã phát đi cảnh báo nguy cơ lũ, sạt lở đất.
Thống kê sơ bộ tới sáng ngày 21/7, mưa dông đã làm 23 nhà dân bị tốc mái, 1 nhà hư hỏng một phần; 3 công sở tại xã Mường Lát và phường Hạc Thành bị hỏng mái; nhiều cây xanh bật gốc và 2 ô tô con hư hỏng nặng; 1 người bị thương do cây đổ đè vào người khi đang di chuyển trên đường ở xã Mậu Lâm.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, các địa phương, đơn vị đang tiếp tục rà soát, tổng hợp thiệt hại. Cùng với đó triển khai các biện pháp xử lý, hướng dẫn khắc phục hậu quả.
Đối với hệ thống điện, các xã, phường bị ảnh hưởng đã liên hệ với đơn vị điện lực và viễn thông để phối hợp xử lý sự cố. Các hộ dân bị tốc mái, hư hỏng nhà ở được di dời để bảo đảm an toàn.

Hàng loạt cột điện bị gãy đổ, dây dẫn đứt, thiết bị điện hư hỏng khiến hơn 100.000 khách hàng bị ảnh hưởng gián đoạn cấp điện. Trước tình hình khẩn cấp, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã nhanh chóng kích hoạt phương án ứng phó thiên tai, huy động toàn bộ nhân lực, vật tư, thiết bị để khẩn trương xử lý sự cố và cấp điện trở lại cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Cụ thể, trên lưới điện trung áp có 7 cột bị gãy đổ, 6 cột bị nghiêng hoặc sạt lở, hơn 1,5km dây dẫn bị đứt cùng hàng chục thiết bị phụ kiện bị hỏng. Lưới điện hạ áp ghi nhận thiệt hại với 151 cột điện gãy đổ, 176 cột nghiêng, rạn nứt, gần 1km dây và hàng chục công tơ, hộp công tơ bị hư hỏng, 107.902 khách hàng bị gián đoạn cấp điện, tổng thiệt hại ước tính lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Tới đêm 20/7, các sự cố cơ bản được xử lý, khôi phục phương thức cấp điện ban đầu cho các khu vực dân cư, bệnh viện, trường học và các cơ sở sản xuất thiết yếu.
Các lực lượng chức năng đã thông báo để chủ tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; hướng dẫn tàu thuyền, bao gồm cả tàu cá, tàu du lịch và tàu vận tải neo đậu tại nơi tránh trú đã được quy hoạch. Cùng với đó, có phương án di dời, gia cố hệ thống lồng bè nuôi trồng thủy sản và nhà nổi để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ.

Tới sáng ngày 21/7, Thanh Hóa có 6.566 phương tiện với 21.868 lao động đã neo đậu, tránh trú bão an toàn tại bến; còn 9 phương tiện với 88 lao động đang hoạt động trên vùng biển không bị ảnh hưởng của bão. 100% phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về bão số 3 và thường xuyên liên lạc với gia đình cũng như cơ quan chức năng.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh trực tiếp đi kiểm tra công tác ứng phó, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn; đồng thời tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo vệ an toàn cho tàu thuyền về nơi tránh trú.

Yêu cầu bố trí lực lượng công an, quân đội, biên phòng, dân quân tự vệ trực 24/24h tại các vị trí xung yếu, sẵn sàng cơ động cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ sơ tán dân khi có tình huống phát sinh. Phân công cán bộ, đảng viên và các lực lượng bám dân, bám cơ sở, nắm chắc tình hình từng hộ, khu dân cư nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Các địa phương, các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang cần theo dõi sát diễn biến của cơn bão số 3 và Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 19-CĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để triển khai ngay các phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ". Kiện toàn, thành lập ngay Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn cấp xã.
Các xã ven biển tiến hành kiểm đếm, giám sát chặt tàu thuyền; kiên quyết cấm ra khơi khi tỉnh có chỉ đạo cấm biển. Các địa phương chủ động phương án cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ các công trình trọng yếu, hạ tầng thiết yếu.
Lãnh đạo các xã, phường, nhất là địa phương ven biển, miền núi, vùng trũng thấp phải lập danh sách, sơ tán bắt buộc người dân ở khu vực có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét, ngập sâu. Có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch cộng đồng.
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, cập nhật kịp thời thông tin bão, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh thiên tai cho người dân. Lãnh đạo các địa phương phải trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý ngay khó khăn khi có tình huống xảy ra. Ngành viễn thông và lực lượng quân đội, công an đảm bảo kết nối thông tin thông suốt. Các xã, phường phân công lực lượng thực hiện nhiệm vụ kết nối trực tuyến để báo cáo tình hình diễn biến trên địa bàn.
Thanh Hóa đã ban hành lệnh cấm biển vào sáng ngày 21/7 để đảm bảo an toàn khi mưa to, sóng lớn. Đối với các địa phương miền núi thường xuyên nắm bắt thông tin, dự báo, tình hình thực tế để lên phương án ứng phó, di dân tới nơi an toàn.