Quảng Ninh lên kịch bản phương án di dân, ứng phó siêu bão
Đời sống - Ngày đăng : 07:58, 15/09/2018
Siêu bão Mangkhut là cơn bão rất mạnh, sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 14 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên trong bán kính khoảng 400km tính từ tâm bão; phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 200km tính từ vùng tâm bão. Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 14/9 ở vùng biển Đông Bắc biển động, có mưa bão và gió mạnh dần lên cấp 11-12, từ sáng 15/9, giật trên cấp 17, biển động dữ dội.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, khả năng cao siêu bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, để chủ động ứng phó đồng chí chỉ đạo: Các ngành, các địa phương có các biện pháp ứng phó với siêu bão Mangkhut; đặc biệt, các địa phương tuyến biển tiếp tục nắm chắc tình hình tàu thuyền, sẵn sàng kêu gọi về nơi tránh trú; rà soát lại người dân đang hoạt động trên các khu nuôi trồng thủy sản để sẵn sàng di chuyển về nơi tránh trú; chủ động rà soát lại toàn bộ tuyến đê trên địa bàn, xác định các vị trí trọng điểm khi bão đổ bộ để sẵn sàng phương án di dân.
Chủ động lên kịch bản phương án di dân trước 17h ngày 16/9, trường hợp xấu nhất phải di dân khẩn cấp; chủ động phương châm 4 tại chỗ; huy động các doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia ứng phó bão; có phương án nghỉ học khi có bão để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Chủ động lên kịch bản phương án di dân trước 17h ngày 16/9, trường hợp xấu nhất phải di dân khẩn cấp
Sở GT-VT không cấp phép cho tàu ra các tuyến đảo, tổ chức thực hiện phân luồng giao thông cho từng địa bàn cụ thể khi có sự cố, trước 10h ngày 16/9 không cấp phép tham quan vịnh Hạ Long; ngành điện kiểm tra an toàn hệ thống điện, đặc biệt là tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc khẩn trương triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn các khai trường, bãi thải, chủ động các biện pháp phòng chống, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ địa phương xử lý tình huống trên địa bàn.
Với quyết tâm không để xảy ra thiệt hại về người, yêu cầu các địa phương triển khai ngay công điện của UBND tỉnh; các ngành chủ động, tăng cường xử lý vấn đề an toàn giao thông khi sự cố xảy ra, an toàn lưới điện, có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công xây dựng, giao thông, các hồ đập… BCH Quân sự tỉnh rà soát lại các phương án, kiểm tra các thiết bị và lực lượng kịp thời ứng cứu khi có mưa lũ.
Các cơ quan truyền thông thường xuyên thông tin kịp thời về tình hình diễn biến của bão, lũ; sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN, PCCC tỉnh về các biện pháp phòng chống tới các cấp, các ngành và nhân dân biết để triển khai.
Các thành viên Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN, PCCC tỉnh và các cấp, các ngành phải thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến của bão, mưa hoàn lưu sau bão để có các quyết định kịp thời; chủ động phòng chống và chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.