Nghiên cứu sinh các ngành khoa học cơ bản có thể được hỗ trợ học bổng 7 triệu đồng/tháng?
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi nhân dân đối với Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược.
Dự thảo Nghị định gồm 5 chương và 17 điều quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược. Trong đó, Bộ GD&ĐT đề xuất các mức hỗ trợ cụ thể, tiêu chuẩn cho người học, cụ thể:
Mức học bổng
Dự thảo nêu rõ mức hỗ trợ học bổng như sau:
Đối với học viên chương trình kỹ sư, mức học bổng loại xuất sắc là 4.000.000 đồng/tháng; mức học bổng loại giỏi là 2.800.000 đồng/tháng. Thời gian hưởng học bổng tương ứng với kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá quy định trong quy chế của cơ sở giáo dục đại học, nhưng không quá 04 năm với chương trình đào tạo có tổng số tín chỉ dưới 150 và không quá 5,5 năm với chương trình đào tạo có tổng số tín chỉ từ 150 trở lên; đối với học viên chương trình tài năng hưởng gấp 2 lần mức bổng loại giỏi.

Đối với học viên cao học, mức học bổng là 5.000.000 đồng/tháng. Thời gian hưởng học bổng tương ứng với kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá quy định trong quy chế của cơ sở giáo dục đại học, nhưng không quá 02 năm.
Đối với nghiên cứu sinh, mức học bổng là 7.000.000 đồng/tháng. Thời gian hưởng học bổng tương ứng với kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá quy định trong quy chế của cơ sở giáo dục đại học, nhưng không quá 04 năm.
Học bổng được cấp thành 02 đợt. Đợt 1 thực hiện trước ngày 30/4 và đợt 2 thực hiện trước ngày 30/10 hằng năm. Thời gian hưởng học bổng cụ thể như sau:
Học viên đang theo học chương trình đào tạo đại học, chương trình đào tạo kỹ sư hình thức chính quy; chương trình kỹ sư về vi mạch bán dẫn, chương trình đào tạo tài năng được Bộ GD&ĐT phê duyệt: được hưởng học bổng 10 tháng/năm.
Học viên cao học hình thức đào tạo chính quy và nghiên cứu sinh: được hưởng học bổng 12 tháng/năm.
Tiêu chuẩn xét học bổng
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định nêu rõ các tiêu chuẩn xét học bổng đối với học viên theo chương trình đào tạo đại học, chương trình đào tạo kỹ sư; chương trình kỹ sư về vi mạch bán dẫn; chương trình đào tạo tài năng; học viên cao học; nghiên cứu sinh:
Đối với học viên đang theo học chương trình đào tạo đại học, chương trình đào tạo kỹ sư
Đối với học kỳ đầu tiên của khóa học: học viên được hưởng học bổng loại xuất sắc nếu đã đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi khoa học kỹ thuật, kỳ thi về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cấp quốc gia hoặc quốc tế do Bộ GD&ĐT cử tham gia; học viên được hưởng học bổng loại giỏi nếu đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi khoa học kỹ thuật, kỳ thi về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cấp tỉnh; thời gian đoạt giải không quá 03 năm tính tới thời điểm nhập học.
Đối với các học kì tiếp theo: Học viên được hưởng học bổng loại xuất sắc nếu đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau: có điểm trung bình học tập (GPA) học kỳ liền trước từ 3,6 trở lên (theo thang điểm 4,0) hoặc tương đương và điểm rèn luyện của học kì liền trước đạt loại tốt trở lên (nếu có); hoặc có GPA học kỳ liền trước từ 3,2 trở lên (theo thang điểm 4,0) hoặc tương đương, điểm rèn luyện của học kỳ liền trước đạt loại tốt trở lên (nếu có) và đoạt giải nhất, nhì, ba giải thưởng học viên nghiên cứu khoa học cấp cơ sở giáo dục đại học trở lên.
Học viên được hưởng học bổng loại giỏi nếu đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau: có điểm trung bình học tập (GPA) học kỳ liền trước từ 3,2 trở lên (theo thang điểm 4,0) hoặc tương đương và điểm rèn luyện của học kì liền trước đạt loại tốt trở lên (nếu có); hoặc có GPA học kỳ liền trước từ 2,5 trở lên (theo thang điểm 4,0) hoặc tương đương, điểm rèn luyện của học kỳ liền trước đạt loại tốt trở lên (nếu có) và đoạt giải nhất, nhì, ba giải thưởng học viên nghiên cứu khoa học cấp cơ sở giáo dục đại học trở lên.
Đối với học viên chương trình kỹ sư về vi mạch bán dẫn được Bộ GD&ĐT phê duyệt
Đối với 04 học kỳ đầu tiên: học viên được hưởng học bổng loại xuất sắc.
Đối với học kỳ thứ 05 trở đi: học viên được hưởng học bổng loại xuất sắc nếu có điểm trung bình học tập (GPA) học kỳ liền trước từ 3,2 trở lên (theo thang điểm 4,0) hoặc tương đương và điểm rèn luyện của học kì liền trước đạt loại tốt trở lên (nếu có); học viên được hưởng học bổng loại giỏi nếu có GPA học kỳ liền trước từ 2,5 trở lên (theo thang điểm 4,0) hoặc tương đương, điểm rèn luyện của học kỳ liền trước đạt loại khá trở lên (nếu có).
Đối với chương trình đào tạo tài năng: người học đạt tiêu chuẩn được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Đối với học viên cao học
Năm học thứ nhất, người học được hưởng học bổng sau khi trúng tuyển và được công nhận là học viên cao học.
Từ năm học thứ hai trở đi, học viên được hưởng học bổng nếu có GPA học kỳ liền trước đạt từ 3,2 trở lên (theo thang điểm 4,0) hoặc tương đương; hoặc trong năm học thứ nhất, là tác giả chính hoặc đồng tác giả của ít nhất một bài báo, báo cáo khoa học trong các ấn phẩm được tính tới 0,5 điểm trở lên theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định.
Đối với nghiên cứu sinh
Năm học thứ nhất, người học được hưởng học bổng sau khi trúng tuyển và được công nhận là nghiên cứu sinh.
Từ năm học thứ hai trở đi, nghiên cứu sinh được hưởng học bổng nếu trong 12 tháng liền trước đó là tác giả chính của ít nhất một báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành, có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án.
Theo Bộ GD&ĐT, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế toàn cầu hóa, các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược đóng vai trò trọng yếu trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong các lĩnh vực này hiện vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Thực tế cho thấy nhiều ngành khoa học công nghệ tiên tiến đang thiếu hụt nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là các kỹ sư, nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản và có kỹ năng thực tiễn. Điều này ảnh hưởng đến khả năng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới và phát triển các lĩnh vực mũi nhọn của quốc gia.
Chính sách học bổng là công cụ hiệu quả để thu hút sinh viên ưu tú, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng có năng lực học tập xuất sắc, theo học và gắn bó với các ngành khoa học cơ bản và kỹ thuật chiến lược. Qua đó, tạo điều kiện cho người học tập trung phát triển năng lực chuyên môn và tham gia nghiên cứu khoa học.
Việc đầu tư vào chính sách học bổng góp phần xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, hỗ trợ thực hiện các chương trình phát triển khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Chính sách học bổng cũng là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục đại học, đào tạo nhân lực chất lượng cao theo định hướng đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành khoa học, công nghệ trọng điểm đã được Chính phủ xác định và ưu tiên đầu tư.
Do đó, việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược là rất cần thiết nhằm thu hút và khuyến khích các tài năng trẻ học tập, nghiên cứu và phát triển; giúp người học giảm bớt khó khăn tài chính trong quá trình học tập, đặc biệt là đối với những người học tài năng nhưng có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có thể tập trung vào việc học và nghiên cứu mà không phải lo lắng về chi phí nhằm khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế của quốc gia trong tương lai.