Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh
Chuyển đổi hàng triệu xe máy xăng sang phương tiện xanh là bước đi quyết liệt của Hà Nội để bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, đây cũng là mối lo lớn với người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp.
Tại Tọa đàm "chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh" diễn ra sáng 18/7, đại diện Sở Xây dựng thành phố Hà Nội cho biết đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ trực tiếp từ 3–5 triệu đồng/người để giúp người dân chuyển đổi thuận lợi, đồng thời triển khai loạt giải pháp hạ tầng, tín dụng và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Tập trung hỗ trợ nhóm yếu thế
Theo số liệu công bố tại tọa đàm, hiện thành phố có hơn 9,2 triệu phương tiện lưu thông, trong đó trên 6,9 triệu xe máy đăng ký tại Hà Nội và gần 1,5 triệu xe máy từ tỉnh ngoài. Đáng lo ngại, khoảng 70% xe máy đang lưu hành là xe cũ, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long dẫn chứng: Xe máy đang chiếm 94% lượng hydrocacbon (HC), 87% CO, 57% NOx và 33% bụi mịn PM10 từ hoạt động giao thông. Phát thải từ xe máy là nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí đô thị liên tục ở mức báo động.
Để giải quyết tận gốc, Hà Nội đang triển khai lộ trình hạn chế xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026 theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố cũng đẩy mạnh xây dựng chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp để chuyển đổi phương tiện sang xe điện, xe thân thiện môi trường.
Trả lời băn khoăn của người dân về khả năng chi trả khi chuyển đổi xe, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thành phố đang nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ đa dạng như: hỗ trợ trực tiếp bằng tiền (từ 3–5 triệu đồng), miễn/giảm phí trước bạ, ưu đãi vay vốn mua xe điện, và hỗ trợ doanh nghiệp thu mua xe cũ – đổi xe mới.
Ông Phan Trường Thành – Trưởng phòng Tài chính – Đầu tư (Sở Xây dựng) khẳng định, mức hỗ trợ tiền mặt hiện mới là đề xuất ban đầu của đơn vị tư vấn, chưa phải chủ trương chính thức. Việc sử dụng ngân sách phải thực hiện theo quy trình thẩm định chặt chẽ.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng khuyến khích 126 xã/phường chủ động xây dựng vùng phát thải thấp nếu có đủ điều kiện hạ tầng. Theo bà Lưu Thị Thanh Chi – Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội), thành phố sẽ hỗ trợ chuyên môn, dữ liệu môi trường và kết nối nhà đầu tư cho các địa phương đủ điều kiện triển khai mô hình này.

Nhiều hãng sản xuất cam kết thu mua xe cũ, giảm giá xe điện
Việc chuyển đổi xe máy xăng sang phương tiện xanh không thể thành công nếu thiếu sự tham gia của doanh nghiệp. Ông Đào Việt Long cho biết, nhiều hãng sản xuất và hiệp hội xe máy đã cam kết đồng hành, có thể triển khai chính sách thu mua xe cũ, giảm giá xe điện, miễn phí bảo dưỡng, tặng pin…
Về phía người dân, ông Nguyễn Đại Hoàng (Admin diễn đàn Otofun) đề xuất nên có thêm cơ chế tặng vé xe bus, miễn phí sạc điện, hỗ trợ các dịch vụ xe đạp – xe máy điện công cộng… nhằm thay thế dần phương tiện cá nhân. Đồng thời, kiến nghị kiểm định xe cũ, định danh người dùng để từng bước hạn chế xe phát thải cao lưu thông.
Tất cả các ý kiến đều cho thấy quyết tâm chung: Hà Nội phải xanh hơn, sạch hơn, thông minh hơn – và việc chuyển đổi phương tiện giao thông chính là chìa khóa quan trọng để đạt được mục tiêu này.