Cải cách tư pháp

Chuyển đổi số ngành Tòa án: Đột phá chiến lược trong thời đại số

PV 18/07/2025 - 09:44

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngành Tòa án nhân dân (TAND) đã xác định rõ vai trò then chốt của chuyển đổi số, coi đây là con đường tất yếu để đổi mới quản trị, hiện đại hóa nền tư pháp, nâng cao chất lượng xét xử và phụng sự nhân dân một cách hiệu quả, công bằng, minh bạch.

ngo-hoai-thuong.jpg
Ông Ngô Hoài Thương, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ thông tin TANDTC

Chuyển đổi số - Nhiệm vụ chiến lược trong tiến trình cải cách tư pháp

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là văn kiện mang tầm chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện đất nước, hướng tới xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số phát triển bền vững.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Hoài Thương - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ thông tin TANDTC cho biết, ngày 18/3/2025, Đảng ủy TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03, khẳng định chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, lâu dài và có ý nghĩa chiến lược trong tiến trình hiện đại hóa Tòa án.

Tinh thần đổi mới được quán triệt xuyên suốt, với nhận thức rằng: chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin đơn thuần, mà còn là sự thay đổi căn bản phương thức vận hành, cải cách quản trị, hiện đại hóa quy trình xét xử và cung cấp dịch vụ tư pháp theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả.

Những kết quả tích cực sau hơn 6 tháng triển khai Nghị quyết 57

Sau hơn nửa năm triển khai thực hiện Nghị quyết 57, chuyển đổi số trong ngành TAND đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo dấu ấn rõ nét trong tiến trình đổi mới và hiện đại hóa hoạt động tư pháp.

Đáng chú ý, ngành Tòa án đã phát triển và nâng cấp phần mềm “Trợ lý ảo” với nhiều tính năng thông minh hỗ trợ Thẩm phán trong công tác chuyên môn như tra cứu hồ sơ, tổng hợp án lệ, tự động trích xuất văn bản pháp luật. Đây là bước đi cụ thể nhằm ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn xét xử.

Đồng thời, ngành cũng kết nối thành công với Trục liên thông văn bản quốc gia, bảo đảm gửi, nhận văn bản điện tử thông suốt trong toàn hệ thống chính trị.

Một trong những dấu mốc đáng ghi nhận là chiến dịch 90 ngày đêm số hóa 2,5 triệu bản án, quyết định hôn nhân nhằm làm sạch dữ liệu hộ tịch và đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Kết quả này vừa nâng cao hiệu quả quản trị ngành, vừa góp phần thực chất vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Những thách thức không thể xem nhẹ

Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, quá trình chuyển đổi số trong ngành Tòa án vẫn còn đối diện với nhiều thách thức.

Trước hết là hệ thống công nghệ thông tin chưa đồng bộ, do được triển khai theo từng giai đoạn khác nhau, dẫn đến phân mảnh trong kết nối và vận hành.

Hạ tầng kỹ thuật số tại nhiều Tòa án địa phương đã lạc hậu, không còn phù hợp với yêu cầu an toàn thông tin, tiềm ẩn nguy cơ mất dữ liệu và gián đoạn hoạt động tố tụng.

Nguồn nhân lực CNTT thiếu và yếu, đặc biệt ở các TAND khu vực, khiến việc triển khai, duy trì hệ thống công nghệ gặp nhiều khó khăn. Sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đã trở thành điểm nghẽn trong tiến trình số hóa.

Hạ tầng pháp lý chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Nhiều quy trình, quy định tố tụng hiện chưa được pháp luật điều chỉnh phù hợp với môi trường số, ảnh hưởng đến việc áp dụng mô hình Tòa án điện tử.

Ngoài ra, tâm lý e ngại thay đổi, chưa sẵn sàng tiếp cận môi trường làm việc số hóa vẫn còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ. Việc chưa tuân thủ kỷ cương, thiếu đồng bộ trong triển khai ở một số đơn vị cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ chung.

9 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy xây dựng Tòa án điện tử đến năm 2027

Để khắc phục triệt để những khó khăn, thách thức nêu trên, đồng thời hoàn thành mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2027, Chi bộ Cục Công nghệ thông tin TANDTC đã đề xuất Đại hội tập trung chỉ đạo 9 nhiệm vụ trọng tâm:

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực CNTT cho toàn hệ thống, đặc biệt tại TAND khu vực; đồng thời đào tạo toàn diện kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng pháp lý, tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tố tụng trên môi trường điện tử, xét xử trực tuyến, lưu trữ số.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, an toàn, đồng bộ, đồng thời quy hoạch và xây dựng kho dữ liệu số ngành Tòa án, phục vụ điều hành, xét xử thông minh và đào tạo trí tuệ nhân tạo.

Thống nhất quản trị và tổ chức các hoạt động tố tụng trên một nền tảng số duy nhất, nâng cao tính minh bạch, chính xác, hiệu quả trong toàn ngành.

Cung cấp dịch vụ tư pháp công trực tuyến đầy đủ, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận công lý mọi lúc, mọi nơi, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo toàn diện trong công tác điều hành, hỗ trợ thẩm phán ra quyết định, từng bước tự động hóa quy trình nội bộ, tinh gọn tổ chức và nâng cao hiệu suất công việc.

Tăng cường công khai, minh bạch hoạt động Tòa án trên nền tảng số, góp phần xây dựng môi trường pháp lý ổn định – yếu tố then chốt thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Liên thông, kết nối dữ liệu với các nền tảng số quốc gia, tạo dòng chảy dữ liệu thống nhất, hỗ trợ triển khai hiệu quả mô hình Tòa án điện tử, đồng thời kiến tạo nền tư pháp số và Chính phủ số.

Ban hành nghị quyết cho phép thử nghiệm các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa, nhằm nhanh chóng đánh giá hiệu quả, hoàn thiện mô hình Tòa án số và nhân rộng trong toàn ngành.

Kiên định với con đường đổi mới, hiện đại hóa Tòa án Việt Nam

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là động lực chiến lược to lớn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, hiện đại hóa hệ thống tư pháp và cải cách hành chính tư pháp theo hướng hội nhập và phát triển.

Với ngành Tòa án, Nghị quyết này chính là kim chỉ nam cho tiến trình cải cách Tòa án trong thời đại số, định hướng rõ ràng việc đổi mới phương thức quản trị, tăng cường công khai minh bạch, nâng cao chất lượng xét xử và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Quá trình chuyển đổi số chắc chắn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đó là con đường tất yếu và không thể đảo ngược. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, lãnh đạo TANDTC và sự nỗ lực đồng lòng của toàn ngành, ngành Tòa án Việt Nam vững tin hoàn thành mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2027, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên số.

PV