Tòa án

Tòa án nhân dân những ngày đầu giữ gìn nền độc lập của nhà nước

17/07/2025 11:02

Ngày 02/9/1945, Tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

a1847ba14b2efd70a43f.jpg

Ngày 02/9/1945, Tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau khi giành được chính quyền, chúng ta đã xóa bỏ bộ máy hành chính, quân đội, bộ máy tư pháp của chính quyền phong kiến, đồng thời khẩn trương thiết lập bộ máy Nhà nước dân chủ nhân dân.

Xác định Tòa án là một thiết chế Tư pháp quan trọng của bộ máy Nhà nước, được giao nhiệm vụ thực hiện quyền xét xử, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, nên chỉ sau Lễ Tuyên ngôn độc lập 11 ngày, ngày 13/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 33-C thiết lập các Tòa án Quân sự; và ngày 24/01/1946 ban hành Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Tòa án nhân dân và các ngạch Thẩm phán.

anh-edit-bai-01.jpg

Sự ra đời Tòa án quân sự, tiền thân của Tòa án nhân dân ngày nay, đã khẳng định vai trò của Tòa án là cơ quan tư pháp trong bộ máy Nhà nước, có nhiệm vụ xét xử, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo vệ thành quả cách mạng và cuộc sống của nhân dân ngay từ những năm đầu đất nước mới độc lập.

Nhìn lại những ngày đầu thành lập, tổ chức và hoạt động của Tòa án chỉ tổ chức một cấp. Quyết định của Tòa án sẽ được thi hành ngay sau khi tuyên án, không có quyền chống án, trừ người bị Tòa án Quân sự kết án tử hình thì có quyền làm đơn lên Chủ tịch Chính phủ xin ân giảm.

Tiếp sau đó là nhiều sắc lệnh của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và đặc biệt là Hiến pháp năm 1946 đã giúp cho việc tổ chức và hoạt động của Tòa án ngày càng hoàn thiện hơn. Các Tòa án tiếp tục được thành lập tại nhiều khu vực, địa phương trên cả nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thống nhất cả về tổ chức và chuyên môn; tính nhân dân của Tòa án được thể hiện rõ nét trong tổ chức và hoạt động, nhất là trong công tác xét xử.

anh-02-edit-bai-01.jpg

Trong những năm đầu lập nước, trong điều kiện hết sức khó khăn, tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án còn giản đơn, nhưng hoạt động của các Tòa án Quân sự trong giai đoạn này đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc trấn áp bọn phản cách mạng, kịp thời trừng trị nghiêm khắc các hành vi phá hoại, các phần tử phản động, bảo vệ chính quyền và các quyền công dân, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với chính quyền cách mạng.

Ở miền Bắc, đồng chí Phan Mỹ được cử làm Chánh án; đồng chí Bùi Lâm được cử làm ủy viên Chính phủ của Tòa án Quân sự đầu tiên tại Hà Nội để tổ chức phiên tòa tại Hà Đông, xét xử tên Quản Dưỡng, tay sai đắc lực cho chính quyền thực dân Pháp.

Tháng 9/1945, khi đoàn người gồm đông đảo các tầng lớp nhân dân, biểu tình đòi bọn thực dân xâm lược phải trao lại chính quyền cho cách mạng tiến vào Trại Bảo an binh ở Hà Đông, Quản Dưỡng là phụ trách trại đã ra lệnh cho binh lính dưới quyền bắn vào đoàn biểu tình, làm chết và bị thương gần 100 người.

Tại phiên tòa, nhiều nhân chứng đã căm phẫn lên án hành động giết người tàn bạo của Quản Dưỡng và đề nghị Tòa án trừng trị nghiêm khắc kẻ cố tình làm tay sai cho giặc, phản dân, hại nước. Quản Dưỡng đã thú nhận mọi hành vi phạm tội. Căn cứ vào tội trạng của bị cáo, Tòa án quân sự Hà Nội đã tuyên phạt Quản Dưỡng mức án tử hình.

Đây là phiên tòa xét xử đầu tiên ở phía Bắc, được đông đảo nhân dân địa phương và các vùng lân cận đến dự, chứng kiến tận mắt tên Việt gian phản quốc hại dân bị Tòa án cách mạng trừng trị. Quần chúng như được tiếp thêm sức mạnh, tin tưởng và ủng hộ Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết không sợ hy sinh, gian khổ để đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng và độc lập dân tộc. Sau phiên tòa này, nhiều tên Việt gian tay sai của chế độ cũ rất hoang mang, lo sợ, đã nộp vũ khí đầu hàng để được hưởng lượng khoan hồng của chính quyền cách mạng.

Tại miền Nam, vụ Trung tướng Nguyễn Bình xử đối tượng Ba Nhỏ là một vụ án nổi tiếng trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Có thể nói, đây là một vụ án được tiến hành trong điều kiện cực kỳ khó khăn và phức tạp về nhiều mặt.

Thành công của hai phiên tòa xét xử Quản Dưỡng ở miền Bắc và Ba Nhỏ ở miền Nam đã gây tiếng vang lớn, không chỉ có tác dụng răn đe những kẻ phản động, cơ hội lợi dụng tình hình để chống phá cách mạng, tạo được niềm tin cho nhân dân quyết tâm theo Đảng, theo cách mạng tiến hành kháng chiến cho tới ngày toàn thắng, mà còn khẳng định vị thế của Tòa án trong ngày đầu lâp nước.

Ngay sau khi đất nước giành độc lập, chúng ta phải đối mặt với ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Hoàn cảnh đất nước lúc đó như ngàn cân treo sợi tóc. Nguy cơ lớn nhất là nạn ngoại xâm, đe dọa nền độc lập non trẻ.

Ở phía Bắc, tại vĩ tuyến 16, dưới danh nghĩa đại diện lực lượng Đồng minh vào làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, hơn 20 vạn quân Tưởng đã ồ ạt tiến vào nước ta, kéo theo các tổ chức phản động. Dựa vào quân Tưởng, các tổ chức Việt Quốc, Việt Cách ra sức chống phá chính quyền cách mạng. Chúng tiến hành nhiều hoạt động xuyên tạc, vu khống, nói xấu Việt Minh, ngang nhiên đòi gạt các Bộ trưởng là đảng viên cộng sản ra khỏi thành phần Chính phủ.

picture5.jpg
Di tích cách mạng số 7 phố Ôn Như Hầu.

Tháng 6/1946, theo Hiệp ước Hoa - Pháp, quân đội Tưởng Giới Thạch rút về nước, quân Pháp trở lại miền Bắc. Bọn phản động tay sai của Tưởng một số chạy sang Trung Quốc, một số ở lại làm tay sai cho Pháp. Chúng tập hợp lực lượng lập ra Quốc dân đảng Việt Nam. Dựa vào Pháp, tổ chức phản động này ráo riết hoạt động nhằm chống phá chính quyền nhân dân còn non trẻ của ta.

Qua điều tra, theo dõi, đêm 12/7/1946, lực lượng Công an Việt Nam đã bí mật đột nhập vào trụ sở của Quốc Dân Đảng ở 132 Đuy-Vi-Nhô (nay là Bùi Thị Xuân, Hà Nội), bắt toàn bộ bọn phản động quốc dân đảng, tịch thu các loại tài liệu, đặc biệt là “Kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh”. Qua đó, lột trần âm mưu đen tối của địch là: Vào ngày kỷ niệm Quốc khánh nước Pháp (14/7/1946), chúng sẽ đề nghị Chính phủ Việt Nam cho được diễu binh trên một số đường phố Hà Nội, khi ấy bọn Quốc dân đảng sẽ ném lựu đạn vào quân lính da đen, gây đổ máu. Vin vào đó, Pháp sẽ đổ lỗi cho ta không giữ được an ninh, trật tự, chống lại quân đồng minh, quân Pháp sẽ ập vào Bắc bộ phủ bắt giữ các thành viên chính phủ, tuyên bố đảo chính, lập chính phủ của Quốc dân đảng Việt Nam.

cv2-23-.jpg

Lực lượng Công an đã tiến công truy quét bọn phản cách mạng tại 40 trụ sở của chúng trên địa bàn Hà Nội. Tại nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là Nguyễn Gia Thiều), Công an đã bắt Phan Kích Nam và đồng bọn, giải thoát cho những người bị chúng bắt chưa kịp thủ tiêu, thu nhiều vũ khí, tài liệu phản động, dụng cụ tra tấn, dụng cụ làm bạc giả, thuốc mê và phát hiện 6 xác người bị chúng giết chôn ngay trong vườn.

Vụ án Ôn Như Hầu đã được Tòa án quân sự Hà Nội xét xử. Cục trưởng Cục Quân pháp kiêm Chánh án Tòa án quân sự Hà Nội, đồng chí Lê Văn Chất, làm chủ tọa phiên tòa, đồng chí Bùi Lâm làm Ủy viên Chính phủ.

Việc kịp thời xét xử vụ án phố Ôn Như Hầu đã góp phần đập tan âm mưu của thực dân Pháp câu kết với bọn phản động hòng lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ, củng cố lòng tin của nhân dân vào chính quyền cách mạng, vào đường lối kháng chiến cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Còn tiếp...

Thực hiện: Lâm Thanh - Nhật Minh - Thanh Trà