An Giang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế mạnh của quốc gia
Ngày 14/7, Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại hội trường Tỉnh ủy và trực tuyến đến 102 xã, phường, đặc khu.
Tham dự hội thảo có ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; cùng đại diện các bộ, ngành liên quan, viện, trường và các chuyên gia, nhà khoa học tham dự.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải cho biết, tỉnh An Giang đang đứng trước một thời cơ lịch sử để phát huy vai trò trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trở thành vùng kinh tế năng động của khu vực.
Với diện tích hơn 9.888 km2, hội tụ đủ các yếu tố “đồng bằng - đồi núi - biển đảo - biên giới”, có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế biên mậu, logistics, du lịch và đô thị thông minh, nhất là du lịch biển chất lượng cao.
Quy mô dân số gần 5 triệu người, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ tạo ra thị trường tiêu dùng nội địa rộng mà còn thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Với xuất phát điểm khá lý tưởng đó, tỉnh An Giang xác định mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước; là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia; Đặc khu Phú Quốc là trung tâm du lịch đạt tầm cỡ quốc tế; Rạch Giá là trung tâm chính trị - hành chính, thương mại - dịch vụ, tổng hợp và chuyên ngành.
Vùng tứ giác Long Xuyên - Châu Đốc - Rạch Giá - Hà Tiên là động lực phát triển công nghiệp, logistics và du lịch văn hóa, sinh thái, trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao. Phát triển kinh tế biên mậu, đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia.

Nhằm tìm giải pháp để cụ thể hóa mục tiêu trên, Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030”, hội thảo nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp của đội ngũ cán bộ, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài tỉnh, giúp địa phương hoạch định các giải pháp chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế, đưa địa phương phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Phát biểu tham luận tại hội thảo về định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh An Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng, tỉnh An Giang (cũ) và tỉnh Kiên Giang khi chưa sáp nhập là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn, nay hai địa phương sáp nhập thì quy mô sản xuất nông nghiệp càng lớn hơn, dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa, thủy sản…
Tuy nhiên, ở giai đoạn mới, tỉnh An Giang mới cần có tầm nhìn, tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp.
“Chúng ta phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tư duy kinh tế, trong kỷ nguyên trí thông minh nhân tạo và định hướng kinh tế xanh. Thay vì phân ngành đơn lẻ, chia tách nông nghiệp với lâm nghiệp hay ngư nghiệp, thì nay cần tiếp cận theo tư duy mới: nông nghiệp như một hệ sinh thái đa tầng, đa lĩnh vực, nơi mọi giá trị được tích hợp, gắn kết chặt chẽ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan lưu ý. .
Theo PGS.TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường, (Học viện Chính trị quốc gia HCM), tỉnh An Giang mới có nhiều tiềm năng nhưng địa phương đang phải đứng trước 3 lựa chọn mô hình tăng trường, đó là: phát triển đối xứng; tiệm tiến hay hỗn hợp.

PGS.TS Huyền gợi ý, An Giang nên chọn mô hình phát triển hỗn hợp vì nhìn tổng thể An Giang như một con tàu đang đi ra biển lớn.
Đề đảm bảo mục tiêu tăng trường, tỉnh An Giang cần thực hiện theo định hướng: Một nhất thể (một tầm nhìn, một hành động); hai trục kết nối (Vàm Cống-Rạch Sỏi và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng); ba đột phá (kinh tế biển, hạ tầng, ứng dụng KHCN); bốn trụ cột (KHCN, đổi mới sáng tạo, kinh tế tư nhân, liên kết vùng-quốc tế); năm trọng tâm (Rạch Giá, Long Xuyên, Phú Quốc, Châu Đốc, Hà Tiên)…