Câu like ảo nhưng dễ bị xử lý hình sự
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang vào cuộc xác minh, xử lý một tài khoản mạng xã hội đăng clip sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Trước đó, ngày 10/7, trên trang Facebook "Tin Nóng Việt Nam" đăng tải 1 video clip có lời bình tiêu đề "Chấn động: CSGT dừng xe tang giữa đường, bé gái bất ngờ chui ra từ quan tài" xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ngay sau khi video clip trên xuất hiện, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh khẩn trương tiến hành kiểm tra, xác minh, làm rõ vụ việc.
Qua xác minh, Công an tỉnh Thanh Hóa xác định thông tin trên là sai sự thật. Hiện, các đơn vị chức năng Công an tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục kiểm tra, xác minh chủ tài khoản đăng tải video clip nói trên để điều tra, làm rõ động cơ, mục đích, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo, việc lan truyền clip sai sự thật trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra.
Các cá nhân, tổ chức khi chia sẻ thông tin sai sự thật có thể bị phạt tiền, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng như ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân.
Người dùng mạng xã hội cần nâng cao ý thức cảnh giác, sàng lọc trong việc tiếp nhận và chia sẻ thông tin. Nên kiểm chứng thông tin (qua các kênh thông tin chính thống) trước khi chia sẻ, không nên tin ngay vào những thông tin chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin tiêu cực, gây hoang mang.
Luật sư Trịnh Thị Tuấn (Giám đốc Công ty luật Sao Việt – Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, người dùng cần tuân thủ các quy định của pháp luật về việc đăng, phát, chia sẻ thông tin. Thực hiện hành vi, ứng xử phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Nếu vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020, hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân của các Trang tin điện tử vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.
Bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm (quy định tại Điểm a, Khoản 3 và Điểm a, Khoản 5 Điều 99).
Hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng.
Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm (quy định tại Điểm a, Khoản 3 và Điểm a, Khoản 5 Điều 100).
Hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm (quy định tại Điểm a, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 101).
Hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng (quy định tại Điểm n, Khoản 3, Điều 102).
Hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vu khống" theo khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự.
Người phạm tội sẽ bị xử phạt tù từ 01 năm đến 03 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật để thu lợi bất chính từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự.
Người phạm tội sẽ bị xử phạt tiền từ 30 triệu đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân với mục đích nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị xử lý về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117, Bộ luật Hình sự; người phạm tội sẽ bị xử phạt tù từ 05 đến 12 năm.