Văn hóa- Thể thao

Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được ghi danh Di sản Văn hóa Thế giới

Trang Vân 12/07/2025 - 19:01

Vào lúc 13h02 ngày 12/7/2025 (giờ Paris) tức 18h02 giờ Việt Nam, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), Chủ tịch Kỳ họp – Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria) đã chính thức công bố ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới.

gen-h-z6797869736802_e3f31075435bae4017d035ab27d6936e.jpg
Quang cảnh Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp).

Đây là Di sản Văn hóa Thế giới thứ 9 của Việt Nam được UNESCO công nhận, đồng thời là Di sản Văn hóa Thế giới liên tỉnh thứ hai của cả nước sau Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà.

Hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” được ghi danh theo hai tiêu chí: Tiêu chí (iii): Là bằng chứng nổi bật về một truyền thống văn hóa đặc sắc – Thiền phái Trúc Lâm, dòng Thiền Phật giáo mang đậm bản sắc Việt Nam, được sáng lập bởi Phật hoàng Trần Nhân Tông vào cuối thế kỷ XIII và tiêu chí (vi): Có liên hệ mật thiết với các sự kiện và tư tưởng có ý nghĩa toàn cầu, phản ánh sự gắn bó sâu sắc giữa Phật giáo, truyền thống dân tộc và lịch sử đất nước, được thể hiện qua hệ thống di tích tôn giáo, bia ký, mộc bản và các nghi lễ được duy trì đến nay.

UNESCO đánh giá quần thể này là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa triết lý Phật giáo và tư tưởng nhập thế, yêu nước, khoan dung, hướng thiện của người Việt Nam, đồng thời thể hiện sự sáng tạo và thích ứng văn hóa qua nhiều thế kỷ.

gen-h-z6797869738516_18d7921d288837bd092e77f231709223(1).jpg
Yên Tử linh thiêng, kỳ bí chứa đựng trong mình những tinh thần bất diệt.

Việc ghi danh di sản là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và các địa phương. Hồ sơ do tỉnh Quảng Ninh chủ trì xây dựng từ năm 2013 với sự tham gia của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, sự hỗ trợ chuyên môn từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Các tài liệu và minh chứng trong hồ sơ thể hiện rõ các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, tính xác thực, toàn vẹn và có cơ chế quản lý hiệu quả, phù hợp với tiêu chí của Công ước Di sản thế giới năm 1972. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì hướng dẫn lập hồ sơ, phối hợp các bên liên quan để hoàn thiện, đệ trình đúng thời hạn cho UNESCO.

Để chuẩn bị cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản sau ghi danh, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch quản lý di sản tổng thể, trong đó phân rõ trách nhiệm cho từng địa phương, ngành chức năng; đồng thời cập nhật Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) năm 2024 nhằm đồng bộ với các chuẩn mực quốc tế.

5b86631429d89f86c6c9.jpg
Khu danh thắng Yên Tử đã diễn ra nhiều sự kiện tôn giáo quan trọng.

Việc Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được ghi danh không chỉ nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn mở ra cơ hội lớn trong phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, giáo dục di sản, gắn với bảo tồn bền vững. Đây cũng là nền tảng để ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương tiếp tục đầu tư hạ tầng, truyền thông, tổ chức các hoạt động lan tỏa giá trị di sản tới cộng đồng và bạn bè quốc tế.

UNESCO khuyến nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh bảo tồn các yếu tố phi vật thể liên quan đến Thiền phái Trúc Lâm như nghi lễ, lễ hội, tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian; đảm bảo phát triển bền vững thông qua sự tham gia của cộng đồng, tôn trọng môi trường tự nhiên và giữ gìn không gian linh thiêng của di tích.

Với việc chính thức được ghi danh, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành biểu tượng văn hóa, tôn giáo, lịch sử của Việt Nam, góp phần thúc đẩy đối thoại văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Trang Vân