Thái Nguyên: Thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt 26,2 triệu đồng/người/năm
Đời sống - Ngày đăng : 09:00, 06/09/2018
Trong năm 2017, thành phố Thái Nguyên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 yêu cầu cao hơn tiêu chí giai đoạn 2011 - 2015 (49 chỉ tiêu so với 39 chỉ tiêu); các xã có xuất phát điểm thấp hơn giai đoạn 2011 - 2015, nhưng với những nỗ lực, quyết tâm, sự tham gia tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, số xã đạt chuẩn NTM vượt mục tiêu đề ra (3 xã), các xã đều tăng tiêu chí, cụ thể:
Về hạ tầng kinh tế xã hội: Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ (giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa thể thao xã, xóm, điểm thu gom rác,..) cơ bản đáp ứng nhu cầu về xã hội, sản xuất, dân sinh và đời sống tinh thần cho người dân.
Nút giao Khu công nghiệp Yên Bình, thị xã Phổ Yên ( Ảnh Mạnh Hùng Báo Thái Nguyên)
Về kinh tế và tổ chức sản xuất: Nhiều HTX được củng cố thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012, hiệu quả hoạt động được nâng lên. Các xã đã có các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, hình thành sản phẩm chủ lực của địa phương. Thông qua các chương trình dự án, mô hình, hợp tác xã chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là khoa học và công nghệ cao vào phát triển sản xuất đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh trong nông nghiệp, nông thôn ở mỗi địa phương.
Bước đầu đã hình thành lên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nông dân cũng được tiếp cận những ứng dụng khoa học kỹ thuật canh tác mới giúp tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, đồng thời có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định cả về sản lượng và giá bán. Điển hình là các mô hình sản xuất chè liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng tại các xã như Tân Cương, thành phố Thái Nguyên; xã La Bằng, huyện Đại Từ; Thị trấn Sông Cầu và xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ... Thu nhập bình quân đầu người dân nông thôn Thái Nguyên hết năm 2017 đạt 26,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đặc biệt ở các xã đạt chuẩn năm 2017.
Về văn hóa, xã hội, môi trường: Các phòng văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tăng cường, tỷ lệ hộ gia đình, xóm đạt tiêu chí văn hóa ngày càng tăng. Môi trường nông thôn được cải thiện đáng kể, các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh đều có cam kết bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Toàn cảnh trung tâm thành phố Thái Nguyên ( Ảnh Mạnh Hùng Báo Thái Nguyên)
Về hệ thống chính trị, an ninh quốc phòng: huy động được cả hệ thống chính trị chung sức xây dựng nông thôn mới. Nhận thức của cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt. Đội ngũ cán bộ được tập huấn, đào tạo dần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Giờ đây, sức lan tỏa trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thực sự đi vào chiều sâu, thiết thực hơn bao giờ hết với người dân nông thôn. Kết thúc năm 2017, toàn tỉnh Thái Nguyên có 12 xã đạt chuẩn NTM và thành phố Sông Công hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đã được công nhận đạt chuẩn NTM vào tháng 7 năm 2018. Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên đã và đang đề ra nhiều giải pháp, tập trung nguồn lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2016 - 2020.