Không để nối dài những nỗi đau
Đời sống - Ngày đăng : 08:30, 04/09/2018
Đối tượng mà chúng nhắm đến chủ yếu là những thiếu nữ còn ít tuổi, gia đình khó khăn, nghèo túng, không thông thuộc đường xá để lừa phỉnh họ đi làm thuê dưới thành phố với mức lương ngất ngưởng rồi thừa cơ bán sang biên giới.
Ngày càng tinh vi và liều lĩnh
Do đặc điểm tự nhiên về địa lý của nước ta, các đối tượng thường lợi dụng địa hình đồi núi, sông suối, các đường mòn hoặc qua quan hệ quen biết đã thực hiện nhiều vụ lừa bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới. Đặc biệt ở các tỉnh như Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh và Lạng Sơn… tình trạng buôn bán người luôn ở mức báo động, bởi ở đó tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Không ít nạn nhân chỉ vì nhẹ dạ, cả tin mà sập bẫy của bọn buôn người, trở thành món hàng, thành “vợ bất đắc dĩ” cho người nước ngoài hoặc làm gái mại dâm trong các nhà chứa.
Phàn Quốc Sỉu: “Em bị bắt làm việc không khác gì nô lệ”
Các đối tượng phạm tội đã tạo lập thành các đường dây, ổ nhóm, cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở nước ngoài với các đối tượng ở khu vực biên giới, các đối tượng từ các tỉnh nội địa. Với những thủ đoạn như: Lợi dụng lòng tin, tình cảm yêu đương, hoàn cảnh khó khăn, tâm lý ham làm giàu, sự kém hiểu biết về pháp luật…các đối tượng tội phạm đã dụ dỗ, lừa gạt đưa đi thăm gia đình, đi chơi, đi sinh nhật… sau đó cùng đồng bọn đưa nạn nhân đến khu vực biên giới hẻo lánh, ép buộc đem đi bán.
Đáng chú ý, trong số những đối tượng này có rất nhiều người từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, khi quay lại Việt Nam thăm thân hoặc trốn về lại cấu kết với các đối tượng khác để lừa các nạn nhân, nỗi đau cứ nối dài ra mãi. Chưa kể, một số đối tượng còn giả danh công an, bộ đội biên phòng thông qua mạng Zalo, Facebook để kết bạn làm quen phụ nữ sau đó lừa bán, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, xử lý và giải cứu nạn nhân.
Đặc biệt, đối tượng phạm tội là người nước ngoài cũng đang có xu hướng ngày càng gia tăng, chủ yếu là người Trung Quốc. Các đối tượng này đã lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam, thông qua các hình thức vào du lịch, liên doanh, liên kết làm ăn để lừa gạt phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài…
Chỉ tính riêng từ năm 2011 - 2017, tại Việt Nam, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện, xử lý đối với 2.748 vụ mua bán người với 4.110 đối tượng, số người đã bị mua bán là 5.984 người; trung bình một năm có 900 người bị mua bán, tội phạm mua bán người xảy ra trên cả nước. Đối tượng bị mua bán không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn có gần 50 trường hợp là nam giới, 90% số vụ mua bán người là để đưa ra nước ngoài và tập trung ở các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc (70%), còn lại là tuyến biên giới Lào, Campuchia và một số trường hợp ra nước ngoài qua cửa khẩu sân bay.
Lừa bán cả… đàn ông
Thời gian gần đây, dù các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương đã tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào, thế nhưng ở những xã bản vùng sâu vùng xa, thảng hoặc người ta vẫn phải chứng kiến những cô gái người Mông, người Thái... chỉ vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin sập bẫy bọn buôn người. Hơn nữa, nắm bắt được nhu cầu cần việc làm của con em đồng bào dân tộc là rất lớn nên gần đây, bọn tội phạm buôn người thường dùng “lương khủng” làm mồi nhử để dụ dỗ không chỉ phụ nữ mà còn lừa phỉnh cả đàn ông. Thậm chí, có những “nữ quái” còn sẵn sàng dùng cả thân xác mình để lừa tình đàn ông, sau đó bán họ sang bên kia biên giới.
Và trên thực tế đã có quá nhiều thanh niên, trai tráng người dân tộc thiểu số sập vào cái “bẫy” này. Bằng các con đường tiểu ngạch, chính ngạch, nạn nhân bị đưa ra nước ngoài, đẩy vào các công xưởng, nhà máy, ép buộc lao động quần quật suốt ngày. Họ phải làm những công việc khổ ải mà người bản địa không làm, bị bóc lột sức lao động chả khác gì nô lệ. Chính vì nguồn lợi nhuận thu được không hề nhỏ nên bọn buôn người đã bất chấp pháp luật, dùng mọi thủ đoạn để lừa con mồi vào tròng.
Thời gian trôi qua đã khá lâu kể từ ngày trốn thoát về Việt Nam, nhưng mỗi khi nhắc nhớ lại 100 ngày bị đày ải trong cái lò gạch bên Trung Quốc, gương mặt Phàn Quốc Sửu, SN 1991 và Phàn Văn Lìn, SN 1989, ở thôn Pờ Hồ, Thanh Bình, Mường Khương (Lào Cai) vẫn lộ rõ vẻ bàng hoàng, kinh sợ. Lìn và Sửu còn nhớ như in cái ngày định mệnh ấy. Hôm đó, họ cùng đám thanh niên đang ngồi tán gẫu ở đầu bản thì có 2 phụ nữ, khoảng 40 tuổi, người dân tộc Dao đi đến. Nghe họ nói cần tìm người thuê đi đóng gạch với lương tháng là 5-7 triệu đồng/tháng, 5 thanh niên của thôn Pờ Hồ là Tẩn Seo Trọng, SN 1988; Phàn Quốc Sửu, SN 1991; Phàn Diu Phủ, SN 1990; Phàn Diu Phử, SN 1988; Phàn Văn Lìn, SN 1989 vội vã nhận lời.
Ngay chiều hôm đó, 5 người khăn gói quần áo cùng 2 người phụ nữ vượt biên sang Trung Quốc. Một chiếc ô tô, trên đó có khoảng chục thanh niên đã ngồi sẵn để đón họ và đưa tới một lò gạch thuộc huyện Dương Bà, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Tại đây, chủ lò gạch tuyên bố đã mua họ với giá gần 30 triệu đồng/người, bắt họ phải làm việc tới khi nào trừ hết số tiền mua rồi mới trả lương.
Vậy là những người trên xe bị dồn về sống tập trung trong một trại lớn, tối đến cứ 5 người nằm chung 1 chiếc chiếu trải dưới đất, xung quanh có hàng rào và lực lượng bảo vệ canh giữ. Hàng ngày họ bị bóc lột sức lao động thậm tệ, bị cắt cơm nếu làm sai, làm hỏng. Nếu ai có ý định bỏ trốn hoặc bị bắt lại trong lúc bỏ trốn sẽ bị các tên bảo vệ nhốt vào phòng kín, đánh đập. Quá cực nhọc, những thanh niên Việt Nam bị lừa bán bàn nhau bỏ trốn nhưng không ai biết đường. Rất may là Lìn và Sửu nằm cùng chiếu với 2 người đàn ông cũng bị lừa bán từ 2 năm trước, thạo tiếng địa phương nên biết đường đi lối lại.
Biết họ có kế hoạch bỏ trốn, Lìn và Sửu liền xin họ giúp đỡ. Ngay hôm sau, lợi dụng đêm tối, cả bốn người bí mật bỏ trốn lên rừng, sống chui lủi trong hang đá để tránh sự truy tìm của bọn bảo vệ. Sau đó 4 người cắt rừng chạy ra đường cái, đón xe khách về Hà Khẩu. Để về được đến Lào Cai, Lìn và Sửu đã phải vào các nhà dân dọc đường xin ăn, được một vài người thương tình cho tiền mới về được đến nhà.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Trước tình hình tội phạm buôn người ngày càng tinh vi, phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (138/CP) đã yêu cầu các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm bằng nhiều hình thức với nội dung phong phú; chủ động nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại phạm; tiếp tục tổ chức tốt các đợt triển khai công tác phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng trong tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn vi phạm pháp luật và tội phạm nhất là ở các địa bàn trọng điểm; thực hiện đồng bộ các giải pháp và tăng cường hợp tác quốc tế để ngăn chặn tội phạm mua bán người, phối hợp chặt chẽ trong tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Một đối tượng buôn người ở Nghệ An bị đưa ra xét xử
Ở các “điểm nóng” về tội phạm mua bán người như Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ninh, Tây Ninh... cần tăng cường tổ chức các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, trao đổi, tư vấn, sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề... trực tiếp tại cộng đồng để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người và các vấn đề khác có liên quan như: di cư lao động, hôn nhân và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, thi sáng tác, xây dựng các tiểu phẩm hoặc thi tuyên truyền viên giỏi về phòng, chống mua bán người.
Đồng thời duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật, Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để tư vấn về những vấn đề xã hội, nhất là liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái nhằm nâng cao nhận thức về hôn nhân có yếu tố nước ngoài và phòng, chống mua bán người; Duy trì và nâng cấp mô hình “Ngôi nhà bình yên” để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đánh giá mô hình phòng ngừa mua bán người hoạt động hiệu quả, lựa chọn mô hình phù hợp để nhân rộng; xây dựng mới các mô hình truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn hoặc lồng ghép với các mô hình, câu lạc bộ khác của địa phương đảm bảo phù hợp, thiết thực và hiệu quả.
Phấn đấu 75% xã, phường, thị trấn nhận và triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật, tài liệu truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống mua bán người; thông tin về phòng, chống mua bán người được đăng tải trên các cơ quan báo chí cấp Trung ương và cấp tỉnh ít nhất một tháng một lần. 100% tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người được các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn. 100% thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người chuyển đến cơ quan có thẩm quyền được phân loại, xử lý; những trường hợp có dấu hiệu tội phạm được xác minh theo quy định của pháp luật...
Với quyết tâm và sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan ban ngành đoàn thể từ trung ương tới địa phương, cùng với những chính sách, chế tài phù hợp, hy vọng rằng trong thời gian tới, tình trạng buôn bán người sẽ dần thuyên giảm, trả lại bình yên cho các bản làng, góp phần làm giảm bớt những nỗi đau.