Chuyên gia hiến kế giúp Việt Nam tăng trưởng từ 10% trở lên
Để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số là từ 10% trở lên, Việt Nam cần có những giải pháp phù hợp, tích hợp nhiều trụ cột, cùng hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất.
Trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Năng lực cạnh tranh còn thấp, nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình; tính dễ tổn thương của nền kinh tế ngày càng lớn do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở mức thấp; chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu; dân số bắt đầu già hóa nhanh; bất bình đẳng về thu nhập và tài sản gia tăng.

Cho rằng thách thức là không tránh khỏi, tuy nhiên, các nhà chuyên gia cũng khẳng định đây là cơ hội lịch sử, là thời điểm có tính quyết định để Việt Nam bứt phá vươn lên.
Tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) với chủ đề “Các giải pháp chiến lược & thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao & bền vững trong bối cảnh mới”, đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, hiệp hội ngành hàng đã cùng chia sẻ những góc nhìn thực tiễn, đề xuất nhiều kiến nghị nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trong năm 2025 và vượt mốc hai con số từ 10% trở lên trong giai đoạn 2026 - 2030.
Ông Nguyễn Xuân Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse - cho biết, hiện nay doanh nghiệp còn khó mở rộng sản xuất hay đầu tư do thủ tục hành chính rườm rà, quy định chồng chéo và thiếu tính nhất quán. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ, nhưng tiến độ còn chậm và thiếu triệt để, khiến cơ hội kinh doanh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp bị cản trở. Vì vậy, để doanh nghiệp có thể tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, cần cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, hiệu quả.
Không chỉ dừng lại ở việc tháo gỡ rào cản, theo ông Phú, vai trò “đồng hành” của Nhà nước cần thể hiện rõ nét hơn trong giai đoạn khởi động và xác lập lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Theo đó, những chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ ban đầu về tiếp cận thị trường, công nghệ, vốn… sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp doanh nghiệp Việt đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Với ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - chia sẻ, hiện nay quy mô xuất khẩu của ngành dệt may đã đạt hơn 45 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu kỳ vọng tăng trưởng 10% mỗi năm đến năm 2030, con số xuất khẩu của ngành dệt may cần đạt khoảng 80 tỷ USD, theo ông Trường, điều này là bất khả thi nếu chỉ phát triển theo chiều rộng trong khi tổng cầu thế giới vẫn chưa phục hồi sau đại dịch.
Do đó, thay vì chạy theo tăng trưởng số lượng, ông Trường đề xuất Chính phủ cần có thêm chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghệ, thúc đẩy năng suất, đặc biệt việc phát triển ngành dệt may theo hướng tuần hoàn, thân thiện môi trường chính là chìa khóa để ngành hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ở góc độ của hoạt động xuất khẩu, PGS.TS . Đào Ngọc Tiến, Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, để thúc đẩy xuất khẩu nhanh và bền vững, Việt Nam cần triển khai một chiến lược toàn diện, tập trung vào việc nâng cao giá trị sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường liên kết nội địa - FDI và hoàn thiện thể chế. Trong đó, việc tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là rất quan trọng để đảm bảo sự bền vững của xuất khẩu.
PGS.TS. Đào Ngọc Tiến chỉ ra, việc cho phép các doanh nghiệp trong nước vượt ra ngoài việc gia công đơn thuần để trở thành nhà cung cấp tích hợp, giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, sẽ giúp Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tăng cường nắm bắt giá trị trong nước và thúc đẩy một nền tảng công nghiệp mạnh mẽ và tự duy trì hơn. Do vậy, cần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước xây dựng thương hiệu mạnh về công nghiệp và liên kết với nhau; Nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu hóa chi phí, tăng cường R&D để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; Có chiến lược hợp lý trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ trong các FTA và tránh bị cáo buộc gian lận thương mại.