Giao thông

Dừng đỗ xe sai quy định - lỗi nhỏ, hậu quả lớn

Hoài Anh 10/07/2025 - 10:28

Nhiều hành vi tưởng chừng vô hại lại đang từng ngày góp phần gây ùn tắc giao thông, tai nạn, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị và gây bức xúc trong xã hội.

Trên nhiều tuyến phố ở nhiều thành phố lớn, không khó để bắt gặp cảnh người điều khiển ô tô, xe máy dừng, đỗ xe một cách tùy tiện: Ngay trước cổng trường, sát trạm xe buýt, trước cửa nhà dân, thậm chí chắn cả lối đi bộ. Những hành vi tưởng chừng vô hại ấy lại đang từng ngày góp phần gây ùn tắc giao thông, tai nạn, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị và gây bức xúc trong xã hội.

Tùy tiện dừng đỗ, cản trở giao thông

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tuyến phố trung tâm tại Hà Nội như Trần Quốc Toản, Bà Triệu, Nguyễn Du, Trần Bình Trọng, Hồ Xuân Hương,… đều tồn tại tình trạng xe dừng đỗ sai quy định một cách phổ biến mặc dù dù hệ thống biển báo cấm đã được lắp đặt rõ ràng, dễ quan sát. Một số tài xế viện lý do “không có chỗ đỗ”, “chỉ đỗ vài phút”, “tiện công việc”... để biện minh cho hành vi vi phạm của mình.

anh-7.jpg
Nhiều tài xế đỗ xe và rời khỏi ô tô tại đoạn đường có biển cấm đỗ xe.

Anh Nguyễn Trọng Hiếu (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, mỗi sáng đưa con đi học, anh đều thấy nhiều ô tô dừng đỗ hàng dài ngay trước cổng trường. “Xe nào cũng chỉ đỗ vài phút, nhưng nhiều xe đỗ cùng lúc khiến lòng đường vốn hẹp lại càng tắc nghẽn. Có hôm suýt xảy ra va chạm giữa xe máy và người đi bộ do đường bị ô tô đỗ, chắn lối đi”, anh Hiếu bức xúc nói.

Hay một số xe khách còn lợi dụng thời điểm vắng mặt lực lượng chức năng để dừng, đỗ sai quy định, đón trả khách ngay trên các tuyến đường lớn như Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Lê Duẩn... Những hành vi này không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn gây cản trở luồng phương tiện di chuyển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Đáng lo ngại hơn, đây đều là các tuyến đường có mật độ phương tiện rất cao, đặc biệt vào khung giờ cao điểm sáng, trưa và chiều là thời điểm học sinh đến trường, người dân đi làm hoặc tan ca. Việc các loại xe như xe tải, xe khách hay xe cá nhân tùy tiện dừng đỗ dưới lòng đường khiến tầm nhìn bị che khuất, không gian lưu thông bị thu hẹp, dễ dẫn đến va chạm và tai nạn. Thực tế đã ghi nhận không ít vụ tai nạn đáng tiếc chỉ vì người tham gia giao thông không kịp phát hiện phương tiện đang dừng đỗ sai quy định phía trước.

Thậm chí, khi được hỏi, không ít trường hợp tài xế bất ngờ vì bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt do dừng hoặc đỗ xe sai vị trí và phân trần rằng bản thân không cố ý vi phạm. Nguyên nhân sâu xa thường xuất phát từ việc chưa nắm rõ quy định hoặc hiểu lầm về ý nghĩa của các biển báo cấm hiện hành. Sự nhầm lẫn này dẫn đến suy nghĩ sai lệch rằng chỉ cần bật đèn cảnh báo, ngồi yên trên xe và dừng trong vài phút thì có thể dừng ở bất kỳ đâu. Chính sự chủ quan ấy đã khiến nhiều người bị xử phạt hành chính trong tâm thế ngỡ ngàng.

Chị L.T.K. (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)), chia sẻ rằng chị vừa phải nộp phạt vì lỗi dừng xe sai quy định trên tuyến đường Bà Triệu (Hoàn Kiếm) nơi đã có biển báo “Cấm dừng, cấm đỗ”. Chị K. kể: “Tôi chỉ tấp vào lề khoảng 5 phút để đón người quen, xe vẫn nổ máy và tôi không rời khỏi ghế lái. Lúc đó tôi nghĩ như vậy là không sao”.

Theo lực lượng chức năng, dù tài xế không rời khỏi xe, việc dừng phương tiện tại nơi có biển “Cấm dừng, cấm đỗ” vẫn là hành vi vi phạm. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định rất rõ về các khái niệm “dừng xe” và “đỗ xe”.

Cụ thể, khoản 1 Điều 18 của luật nêu rõ: Dừng xe là trạng thái phương tiện đứng yên tạm thời trong thời gian ngắn để cho người lên xuống, xếp dỡ hàng hóa hoặc kiểm tra kỹ thuật. Trong khi đó, khoản 2 cùng điều luật định nghĩa đỗ xe là trạng thái xe đứng yên không giới hạn thời gian, người điều khiển có thể tắt máy, rời xe nhưng phải có biện pháp an toàn như cài phanh tay, chèn bánh, nhất là khi đỗ ở đoạn đường dốc.

Việc phân biệt hai hành vi này giúp người điều khiển phương tiện có thể điều chỉnh hành vi phù hợp, đồng thời quan sát kỹ các biển báo để tránh vi phạm và bị xử phạt.

Mức xử phạt không hề nhỏ

anh-8.jpg
Lực lượng chức năng lập biên bản, xử phạt các xe dừng đỗ sai quy định.

Việc dừng, đỗ xe không đúng quy định, ngoài gây cản trở giao thông, còn có thể bị xử phạt hành chính khá nặng theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Cụ thể, theo Điều 6 của Nghị định, người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt từ 800.000 đến 1.000.000 đồng nếu đỗ xe trên vỉa hè sai quy định, không đỗ sát lề đường, hoặc bánh xe gần nhất cách mép đường quá 0,25m. Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi đỗ xe tại khu vực có biển “Cấm đỗ” hoặc “Cấm dừng và đỗ”.

Nghiêm trọng hơn, nếu hành vi dừng đỗ gây cản trở hoặc dẫn tới ùn tắc giao thông, người vi phạm có thể bị phạt từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng và bị trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe.

Trường hợp gây tai nạn giao thông, mức phạt có thể lên tới 20.000.000 - 22.000.000 đồng, đồng thời bị trừ 10 điểm trên giấy phép lái xe. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với xe máy, hành vi dừng, đỗ sai quy định trên lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 7, Nghị định 168.

Không chỉ là vấn đề pháp lý, mà còn là văn hóa giao thông

Dừng, đỗ xe đúng nơi quy định không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn thể hiện văn hóa ứng xử trong giao thông. Mỗi hành động nhỏ như tôn trọng biển báo, quan sát kỹ khu vực dừng đỗ sẽ góp phần giảm áp lực giao thông, giảm nguy cơ va chạm, đảm bảo mỹ quan đô thị.

Việc vi phạm thường xuyên không chỉ khiến hình ảnh đô thị trở nên lộn xộn, mà còn gây bức xúc cho người dân khi quyền sử dụng không gian công cộng bị xâm phạm. Vỉa hè, lòng đường - nơi đáng lẽ dành cho người đi bộ và các phương tiện di chuyển - lại bị chiếm dụng cho mục đích cá nhân, khiến xã hội mất đi sự trật tự cần thiết.

Cần nhấn mạnh rằng, văn hóa giao thông là một phần không thể thiếu trong xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Một thành phố không chỉ đo bằng cơ sở hạ tầng, mà còn phản ánh qua hành vi của mỗi cá nhân tham gia giao thông. Việc siết chặt xử lý vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định là cần thiết, nhưng song song với đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu đúng và làm đúng, thay vì chỉ e sợ chế tài.

Việc dừng, đỗ xe sai quy định không phải là lỗi lớn nếu xét về mặt hành vi, nhưng lại có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về giao thông và trật tự xã hội. Để hạn chế vi phạm, ngoài việc tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm, các đô thị cũng cần quy hoạch hợp lý điểm dừng, bãi đỗ và cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân. Chấp hành đúng quy định dừng, đỗ xe không chỉ là cách để tránh bị xử phạt mà còn là sự thể hiện ý thức trách nhiệm với cộng đồng, đóng góp vào việc giữ gìn đường phố thông thoáng, an toàn, góp phần xây dựng văn hóa giao thông văn minh, bền vững.

Hoài Anh