Ngày hội trên núi cao

Đời sống - Ngày đăng : 08:00, 02/09/2018

Đối với đồng bào dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ thì Quốc khánh 2/9 là một trong những ngày lễ trọng đại trong năm.

Đây là dịp để mọi người trong gia đình, bản làng cùng nhau chung vui, bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ đã giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Theo thời gian, việc mừng đón Tết độc lập đã dần trở thành một sinh hoạt văn hóa, một ngày hội đích thực trên núi cao.

Bày tỏ lòng biết ơn Đảng và Bác Hồ

Với địa hình đồi núi, xưa kia miền Tây xứ Nghệ nổi tiếng là sơn lam chướng khí, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vô vàn khó khăn, vất vả. Cuộc sống đói khổ, nhưng những sơn dân hiền lành, thương khó này đã đoàn kết, gắn bó keo sơn cùng “đất nước đứng lên” chống lại kẻ thù xâm lược. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã có hàng ngàn con em người Thái, người Mông... một lòng theo đi theo cách mạng, lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Kể từ ngày hòa bình lập lại, nhớ lời Bác dạy khi xưa là phải “diệt giặc đói, diệt giặc dốt”, đồng bào các dân tộc ở đây tiếp tục cố gắng lao động, sản xuất để xây dựng cuộc sống mới, từng bước phát triển kinh tế, góp phần cùng các lựng lượng giữ vững an ninh biên giới. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên nhiều con đường mới được bê tông hóa về tận các bản làng xa xôi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, lao động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Những vùng đất trống đồi trọc đã được thay bằng những cánh rừng trồng, nương lúa, ngô, sắn. Trường học, trạm y tế, trụ sở, nhà văn hóa thôn bản được xây dựng khắp nơi.

“Giờ đồng bào đã biết xóa bỏ đi nhiều hủ tục lạc hậu như: Cưới nhiều lần, đẻ con ngoài rừng, mẹ chết chôn con theo... Mình là con cháu Bác Hồ mà, phải học Bác, noi theo Bác chứ. Đồng bào ở đây ai cũng được đi học hết. Trẻ em thì đến trường, người lớn hay cả già làng, trưởng bản mà chưa biết chữ cũng được cán bộ biên phòng đến tận nhà để dạy. Ngày càng có nhiều học trò của bản khôn lớn, thành đạt rồi quay về phục vụ cho quê hương, bản làng này đấy!”, cụ Vi Thị Sòn, 81 tuổi ở xã Châu Hoàn (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) chia sẻ. 

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cộng đồng các dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ vẫn luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước, phấn đấu để xứng danh là con cháu Bác Hồ, từ trong cách mạng cho đến công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng đất nước ngày nay. Ơn Đảng, ơn Bác nên gần như trong gia đình nào đồng bào cũng lập bàn thờ Bác. Cứ mỗi dịp lễ tết hoặc sinh nhật Bác, họ lại làm một mâm cỗ cúng để tưởng nhớ đến Người. Đặc biệt, mỗi dịp Quốc khánh 2/9, bản trên mường dưới đều mở hội tưng bừng mừng ngày Tết độc lập.

Theo lời cụ Sòn thì vào khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An đã bắt đầu hình thành nên một cái tết mới - đó là Tết độc lập mừng Quốc khánh 2/9. “Trước kia, bà con bản mình khó khăn lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nghèo đói quanh năm, phương tiện đi lại không có, bản cũng không có điện. Bây giờ thì khác rồi, trong bản hầu như nhà nào cũng có cái ăn, cái mặc, được xem ti vi, trẻ em đã được đến trường. Có được ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ nhiều lắm. Từ ngày đất nước độc lập đến nay, năm nào bà con cũng ăn Tết rất vui”, cụ Sòn kể.

Ngày hội trên núi cao

Múa hát mừng ngày hội

Càng gần đến ngày Quốc khánh, không khí trong các làng bản càng náo nhiệt, háo hức. Ngõ xóm được quét dọn vệ sinh sạch sẽ, chuẩn bị sân khấu cho các hoạt động văn nghệ, sân chơi thể thao. Sau công việc chung của cả bản, những người thân trong gia đình lại quây quần bên nhau chung tay dọn dẹp nhà cửa, sửa sang bàn thờ, ảnh Bác cẩn thận, sạch sẽ, sắm mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ Bác và gia tiên, rồi chọn những cây tre thẳng tắp để treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc.

Để thiết đãi bạn bè, khách mời trong dịp này, các món ăn, thức uống luôn được đồng bào chuẩn bị khá chu đáo và cũng là dịp để con cháu báo công lên Bác Hồ, tổ tiên. Vào những ngày này, toàn bộ công việc đồng áng, nương rẫy của người dân trong bản đều tạm nghỉ, dành thời gian cho các hoạt động vui Tết độc lập. Đây cũng là khoảng thời gian để người dân trong bản đến thăm hỏi, chúc mừng nhau những điều tốt đẹp về sức khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn và cùng nhau quây quần bên những mâm cơm.

“Ngày 2/9 là ngày Tết độc lập của cả đất nước. Đồng bào Thái ở bản tôi năm nào cũng tổ chức ăn mừng. Trước kia tôi chỉ thấy có Ngày hội văn hóa dân tộc Thái, bây giờ huyện đã tổ chức một ngày hội lớn cho tất cả các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ nay chúng tôi đã có một sân chơi chung, cùng nhau giao lưu, học hỏi, hiểu thêm những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em”, chị Vi Thị Thuận ở bản Na Dưới chia sẻ.

Ngày hội trên núi cao

Cụ Vi Thị Sòn: “Mình là con cháu Bác Hồ mà, phải học Bác, noi theo Bác chứ”

Giáo dục truyền thống cho lớp trẻ

Cũng giống như đồng bào Thái ở Quỳ Châu, đồng bào Mông ở trên những đỉnh núi chon von thuộc huyện rẻo cao Kỳ Sơn cũng xem Tết độc lập là cái tết có ý nghĩa to lớn của dân tộc. Trưởng bản Sơn Hà (xã Tà Cạ) Mùa Bá Vừ, cho biết: Cả bản có 73 hộ với hơn 370 nhân khẩu người Mông đều tập trung để chung vui ngày Quốc khánh. Lễ hội chọi trâu, bò truyền thống sẽ do bản Sơn Hà, xã Tà Cạ đứng ra tổ chức.

Việc ăn Tết độc của đồng bào Mông ở bản Sơn Hà diễn ra từ hơn 20 năm nay. Nó dần trở thành một phong tục, một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của đồng bào. Thông thường thì mỗi năm, Tết độc lập sẽ tổ chức tại một nhà. Bà con trong bản góp lương thực, thực phẩm và cử người đến giúp gia đình “đăng cai”. Có năm tiệc được tổ chức ngay ở nhà của trưởng bản. Trong lúc mọi người mổ gà, mổ lợn thì chiếc loa đầu bản vang lời bài hát “Người Mèo ơn Đảng” càng làm cho không khí thêm rộn ràng, xúc động.

Còn đối với đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Quế Phong, Tết độc lập cũng được đồng bào xem là một trong hai cái tết quan trọng nhất trong năm, cùng với tết nguyên đán. Phó Chủ tịch xã Tri Lễ (huyện Quế Phong) Thò Bá Xô chia sẻ, để ghi nhớ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người Mông ở Tri Lễ đã lấy ngày 2/9 hàng năm để tổ chức Tết Độc lập. Khắp các xó làng góc bản đều treo giăng đầy cờ hoa, biểu ngữ chào mừng. Niềm vui độc lập lan tỏa khắp nơi, ai nấy đều hân hoan, rạng rỡ. Suốt mấy chục năm nay, có những người già mặc dù được tham dự nhiều lễ kỷ niệm mừng ngày Tết Độc lập, được nghe lại nhiều lần bản Tuyên ngôn độc lập qua đài phát thanh, truyền hình, song mỗi lần nghe, họ vẫn luôn cảm thấy xúc động, như thấy mình được sống lại trong những giờ phút thiêng liêng, lịch sử nhất của cả dân tộc.

Ngày hội trên núi cao

Phó Chủ tịch xã Tri Lễ Thò Bá Xô: “Đồng bào tổ chức lễ hội để ghi nhớ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập”

Ngày 2/9, người dân các bản thường dậy từ rất sớm. Ngày đó, không có ai lên rẫy, mọi người tụ tập dưới những cây hoa pà tâu trắng muốt, nhớ lại những ngày lang thang trong các cánh rừng. Đúng 7 giờ sáng ngày 2/9, mọi người trong bản từ già, trẻ đều tập trung về điểm trường tiểu học nghe già làng, cán bộ xã bản và Bộ đội Biên phòng thông báo về tình hình phát triển của địa phương, trao nhau những lời chúc tốt lành, sau đó tổ chức ăn mừng. Lễ mừng bắt đầu từ tối 1/9, kéo dài đến trưa 2/9 và được tổ chức tùy điều kiện kinh tế từng gia đình.

Người Mông ở trong một số bản thuộc xã Tri Lễ, huyện Quế Phong như bản Huồi Mới 1, Huồi Mới 2... còn xem ngày Quốc khánh là ngày đại đoàn kết. Chảo gang lớn được đặt lên lò để nấu các món ăn truyền thống. Bữa ăn ngày Tết có các tiết mục văn nghệ, các trò chơi truyền thống như ném pao… Bà con động viên bảo ban nhau học cách làm ăn mới, không nghe theo kẻ xấu bỏ bản, bỏ mường vượt biên trái phép, tái trồng cây thuốc phiện, mua bán trái phép chất ma túy; căn dặn con cái cố gắng học hành. “Huồi Mới 1 bây giờ tuy vẫn còn nhiều hộ nghèo nhưng cuộc sống đã ổn định, không còn di cư như trước. Bà con luôn tin tưởng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước chắc chắn đời sống sẽ khá lên, con cháu được học hành”, ông Thò A Kháy, 67 tuổi, ở bản Huồi Mới 1 tâm sự.

Không chỉ Huồi Mới 1 và 2, trên nhiều bản làng thuộc huyện biên giới Quế Phong, đi tới đâu cũng thấy không khí mừng Tết Độc lập rộn ràng. Trên nóc nhà sàn, quốc kỳ đỏ thắm, tiếng khèn rộn rã, tiếng cồng chiêng vang vọng. Dưới sàn, những người đàn ông của mấy gia đình chung nhau mổ lợn, gà để ăn mừng theo phong tục dân tộc mình...

Cứ thế, việc đón Tết độc lập của đồng bào các dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ đã dần trở thành một sinh hoạt không thể thiếu. Theo thời gian, lễ hội này cũng ngày càng lan rộng. Điều đó không chỉ góp phần bảo tồn, lưu truyền những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc mà quan trọng và ý nghĩa hơn cả đây là dịp người Thái, người Mông... dạy cho con cháu mình nhớ về ngày trọng đại của cả nước, nhớ về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, nhớ về ngày mà tất cả các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam cùng hướng về Tổ quốc thân yêu.

Huyền Thương