Cải cách tư pháp

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân trong công tác thi hành án

Mai Đỉnh 09/07/2025 - 15:24

Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) yêu cầu phổ biến quy định mới về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống Thi hành án dân sự.

Ngày 25/6/2025 Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1898/QĐ-BTP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Thi hành án dân sự và Công văn số 3769/BTP-TCTHADS hướng dẫn thực hiện các nội dung về công tác thi hành án dân sự (THADS) khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

Theo đó, có một số quy định và hướng dẫn mới liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của TAND trong công tác thi hành án. Vì vậy, TANDTC yêu cầu các Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC, Chánh án TAND và Tòa án quân sự các cấp thực hiện phổ biến một số nội dung.

Vị trí, chức năng, cơ cấu, tổ chức của hệ thống THADS

Cục Quản lý THADS là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về THADS, thi hành án hành chính, thừa phát lại theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.

Cục Quản lý THADS có tư cách pháp nhân, có con dấu có hình Quốc huy, tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước theo quy định pháp luật, có trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Tổ chức thuộc Cục Quản lý THADS tại địa phương gồm 34 THADS tỉnh, thành phố, 355 Phòng THADS khu vực tương ứng với 355 TAND khu vực và 355 Viện kiểm sát nhân dân khu vực, các phòng và tương đương khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

THADS tỉnh, thành phố có tư cách pháp nhân, có con dấu có hình Quốc huy, có tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại theo quy định pháp luật.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Quản lý THADS về công tác THADS

Ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về THADS đối với THADS tỉnh, thành phố và Văn phòng Thừa phát lại; Thực hiện quy định về bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong THADS theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ; Theo dõi việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân liên quan đến hoạt động THADS. Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định.

Nhiệm vụ và quyền hạn khác của Cục Quản lý THADS: Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Quản lý THADS về chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; về theo dõi thi hành án hành chính hàng năm và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đối với THADS tỉnh, thành phố theo quy định tại các khoản 6 và khoản 9 Điều 2 của Quyết định số 1898/QĐ-BTP ngày 25/6/2025 của Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý THADS.

Tiếp nhận và tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan THADS khi sắp xếp tổ chức bộ máy

Cục Quản lý THADS sẽ tiếp nhận và tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Tổng cục THADS đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành đến khi có văn bản thay thế theo quy định.

THADS tỉnh, thành phố tiếp nhận và tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh, thành phố trước khi sắp xếp đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành đến khi có văn bản thay thế theo quy định.

Công tác THADS khi sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống THADS

Về thẩm quyền thi hành án: Điều 35 Luật THADS quy định về thẩm quyền thi hành án đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 81/2025/QH15 ngày 24/6/2025 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 34/2024/QH15. Theo đó, toàn bộ hồ sơ thi hành án (bao gồm cả hồ sơ đang thi hành) sẽ chuyển về THADS tỉnh, thành phố.

THADS tỉnh, thành phố phân công các Phòng THADS khu vực tổ chức thi hành các vụ việc sau: Các vụ việc đang do các Chi cục THADS trong khu vực trước khi sắp xếp tổ chức thi hành; Các bản án, quyết định sơ thẩm của TAND khu vực; bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND tại khu vực đó; Các trường hợp khác do Thủ trưởng THADS tỉnh, thành phố quyết định.

Về tiếp nhận bản án, quyết định: Điều 28 Luật THADS quy định Tòa án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan THADS có thẩm quyền, kèm theo bản sao biên bản về việc kê biên, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Sau sắp xếp, THADS tỉnh, thành phố tiếp nhận tất cả bản án, quyết định, các tài liệu có liên quan (nếu có) của Tòa án theo quy định tại Điều 35 Luật THADS (đã được sửa đổi, bổ sung) và ra Quyết định thi hành án theo quy định.

Mai Đỉnh