Bộ máy chính quyền hai cấp là để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh khi làm việc tại tại xã biên giới Ia Dom: Tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp, yêu cầu tối thượng là để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Sáng 9/7, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có chuyến thị sát, làm việc tại xã biên giới Ia Dom (cách Trung tâm hành chính tỉnh Gia Lai mới khoảng 222 km).
Tại đây, ông Phạm Anh Tuấn đã hỏi thăm về quá trình vận hành chính quyền địa phương hai cấp mới; quan tâm bố trí công việc, chỗ ăn ở và đi lại của cán bộ. Đặc biệt, ông cũng lưu tâm đến đời sống, kinh tế của nhân dân vùng biên.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Trọng Phúc, Chủ tịch UBND xã Ia Dom, cho biết: Ia Dom là xã biên giới, có 16,2 km đường biên tiếp giáp với Campuchia. Diện tích tự nhiên là 14.562 ha, với 10.831 ha cây trồng chủ lực như cao su, điều, cà phê, cây ăn quả. Đây cũng là địa phương giữ nguyên hiện trạng tên gọi, diện tích… như thời điểm trước sáp nhập.
Dân số xã 2.200 hộ với 8.686 nhân khẩu, thu nhập bình quân 52 triệu đồng. Toàn xã có 103 hộ nghèo với 432 khẩu, chiếm 4,68%. Trong 6 tháng tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới trên địa bàn xã cơ bản ổn định.
Theo ông Phúc, từ ngày 1/7, quá trình vận hành chính quyền địa phương hai cấp hoạt động thông suốt, đã tiếp nhận và giải quyết 119 hồ sơ. Trong đó, không có hồ sơ bị trễ hẹn hay người dân phàn nàn.

Tuy nhiên, địa phương còn nhiều khó khăn do trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ chuyển đổi số; trình độ, kỹ năng về công nghệ thông tin của một số công chức còn hạn chế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn, nhấn mạnh: Tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp, yêu cầu tối thượng là để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất, đây là sự thật.
“Tổ chức chính quyền hai cấp mà người dân còn khổ hơn, đi xa hơn, vất vả hơn thì đó không phải là kết quả. Vì vậy, chính quyền hai cấp mới phải gần dân hơn, cán bộ phải gần dân hơn, giải quyết việc cho dân. Muốn làm được điều đó thì một là các thủ tục phải vì dân, vì doanh nghiệp; hai là phải giúp đỡ người dân làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình”, ông Phạm Anh Tuấn nói.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, việc làm giàu trên mảnh đất nơi mình sinh sống rất quan trọng. Các chính sách đưa ra rất tốt, người dân cần tận dụng chính sách để phát triển, tránh việc ỷ lại.
“Tôi rất trăn trở, khi mà hộ nghèo ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, sức dài vai rộng, đất đai thì có mà lại nghèo. Chúng ta có sức khỏe thì cần phải cố gắng, chăm chỉ làm ăn để thoát nghèo. Đây là bài toán, mà chính quyền phải tính toán để xử lý triệt để về việc này. Chính quyền hai cấp, phải phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn của mình. Các đồng chí phải chủ động, phân công công việc rõ ràng, điều này giải quyết được rất nhiều việc. Bắt buộc các cán bộ phải hiểu biết, phải nắm được pháp luật thì mới biết làm như nào cho đúng”, ông Phạm Anh Tuấn lưu ý.
Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh Gia Lai cũng lấy dẫn chứng: Đến mùa cà phê, cứ mất mùa là bảo dân chặt hết cà phê đi, trồng cây khác, như vậy là không được, không biết làm. Cùng với đó, khi hướng dẫn người dân làm ra sản phẩm rồi, phải tính toán đến chuyện đầu ra cho bà con, không để có sản phẩm rồi muốn bán đâu thì bán, không bán được thì bà con phải chịu…


Được biết, trong chuyến công tác ngày 9/7, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã đến thăm, làm việc với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (xã Ia Dom, tỉnh Gia Lai); thăm hỏi, động viên, tặng quà cho bà con nhân dân là hộ nghèo trên địa bàn xã; dâng hương tại nghĩa trang Liệt sĩ xã Đức Cơ và làm việc với xã này.