Giáo dục

Ngành Giáo dục 2025: Vượt qua kỳ thi kép, đón “luồng gió mới” từ Luật Nhà giáo

Minh Lý 08/07/2025 - 19:15

Từ một kỳ thi “hai chương trình” chưa từng có tiền lệ đến bước tiến thể chế hóa đội ngũ nhà giáo, ngành Giáo dục đang chuyển động mạnh mẽ, với nhiều yêu cầu đổi mới nội tại trong 6 tháng cuối năm 2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành Giáo dục đã vượt qua những thử thách lớn ban đầu để bắt đầu giai đoạn đổi mới sâu, với đích đến là chất lượng thực chất, đội ngũ vững vàng và hệ thống vận hành hiệu quả.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT phức tạp nhất từ trước tới nay

Một trong những điểm nhấn lớn nhất của ngành trong 6 tháng đầu năm là tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 – kỳ thi đầu tiên áp dụng song song chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 và chương trình mới 2018. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá đây là kỳ thi phức tạp nhất từ trước tới nay với số lượng môn thi, nội dung và cấu trúc đổi mới mạnh, nhưng đã được triển khai bài bản, đúng tiến độ.

bo-truong-nguyen-kim-son-trao-bang-khen-cho-cac-ca-nhan-dat-danh-hieu-chien-si-thi-dua-cap-bo..png
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Bằng khen cho các cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ.

Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng khẳng định kỳ thi không chỉ là một bước kiểm tra kiến thức mà còn là "một phần trong tiến trình đổi mới giáo dục", với những điều chỉnh phù hợp để hướng tới đánh giá thực chất, công bằng.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo sát sao công tác tuyển sinh các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT năm học 2025-2026, đảm bảo minh bạch, khoa học và phù hợp với thực tiễn từng địa phương.

Luồng sinh khí mới từ Luật Nhà giáo

Điểm nhấn tiếp theo là việc Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo, một dấu mốc quan trọng mà nhiều đại biểu tại hội nghị bày tỏ sự đồng tình và kỳ vọng. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Việc Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo khẳng định vị thế chính danh của nghề giáo, là động lực và là nền tảng để xây dựng đội ngũ nhà giáo chất lượng cao trong thời kỳ mới”.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc luật hóa nghề giáo là tiền đề quan trọng để Bộ tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, và điều quan trọng là phải đưa luật đi vào cuộc sống bằng sự chủ động từ các cơ sở giáo dục và đơn vị trực thuộc.

Tín hiệu tích cực đã bước đầu xuất hiện khi chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm năm 2025 tăng rõ rệt, cho thấy sự khởi sắc trong thu hút nhân lực cho ngành giáo dục.

Bên cạnh hai trụ cột trên, 6 tháng đầu năm cũng chứng kiến hàng loạt nhiệm vụ mang tính cấu trúc được Bộ GD&ĐT triển khai quyết liệt. Trong đó có việc xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền nhiều văn bản pháp quy và đề án quan trọng như Nghị quyết Bộ Chính trị về hiện đại hóa giáo dục, Luật Nhà giáo, các Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản liên quan đến đổi mới cơ cấu tổ chức, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.

Đặc biệt, Bộ đã khởi động kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn, thúc đẩy hình thành liên minh các trường đại học kỹ thuật hàng đầu cả nước – một bước đi chiến lược nhằm đón đầu xu hướng phát triển mới.

Công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức các sự kiện lớn, phối hợp quốc tế… cũng tiếp tục được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ một số tồn tại như: Tiến độ ban hành một số văn bản còn chậm, tỷ lệ giải ngân đầu tư công tại một số đơn vị chưa đạt yêu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm sẽ là giai đoạn chuyển từ "thay đổi chung" sang "đổi mới nội tại", từ việc củng cố thể chế đến hoàn thiện chất lượng thực thi ở từng bậc học, từng đơn vị, từng địa phương.

Ông nhấn mạnh: “Không bỏ sót việc, không chạy theo làm cho xong. Cần chủ động, thích ứng và thực hiện quyết liệt ở mọi cấp, mọi bậc học”.

Năm học mới, công nghệ giáo dục, mạng lưới giáo dục đại học, chuyển đổi số, sáp nhập cơ sở giáo dục, các hội nghị chuyên đề toàn ngành… là những nội dung được yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện đồng bộ, quyết liệt.

Minh Lý