Thái Nguyên: Bừng sáng tiềm năng du lịch trong kỷ nguyên phát triển mới
Sáp nhập Bắc Kạn và Thái Nguyên không chỉ là điều chỉnh địa giới hành chính, mà còn mở ra một không gian phát triển rộng lớn, giàu bản sắc và tràn đầy kỳ vọng. Với diện tích hơn 8.300km², gần 1,8 triệu dân và hệ sinh thái thiên nhiên – văn hóa đặc sắc, Thái Nguyên mới đang đứng trước cơ hội vàng để trở thành điểm đến du lịch nổi bật của vùng Việt Bắc và cả nước.

Sau sáp nhập, Thái Nguyên sở hữu hàng loạt tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt. Hồ Núi Cốc, Ba Bể – 2 hồ nước ngọt lớn bậc nhất miền Bắc – nằm trong chuỗi danh thắng sinh thái tiêu biểu. Hang động Puông, thác Đầu Đẳng, động Hua Mạ, suối Mỏ Gà mang vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn. Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa – Chợ Đồn trở thành quần thể “thủ đô kháng chiến” lớn nhất cả nước, vừa thiêng liêng, vừa giàu tiềm năng du lịch trải nghiệm lịch sử – giáo dục truyền thống.
Thái Nguyên – Bắc Kạn cũng là nơi hội tụ bản sắc văn hóa của hơn 50 dân tộc thiểu số. Những làng bản còn giữ nguyên kiến trúc cổ, tập quán sinh hoạt truyền thống, lễ hội dân gian độc đáo, cùng hàng trăm sản phẩm OCOP, trong đó nhiều sản phẩm đạt 4–5 sao cấp quốc gia. Nghề làm trà Tân Cương, La Bằng nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả thị trường quốc tế, là lợi thế để xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm văn hóa.
Phác họa bức tranh tổng thể về tiềm năng du lịch Thái Nguyên sau sáp nhập, ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh – nhấn mạnh: “Với vị trí địa lý chiến lược cùng nguồn tài nguyên tự nhiên hùng vĩ và kho tàng văn hóa, lịch sử nhân văn đồ sộ với hơn 1.000 di tích, danh lam thắng cảnh, Thái Nguyên tự tin trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam”.

Việc hợp nhất hai địa phương không chỉ đơn thuần là sắp xếp hành chính, mà còn là yêu cầu đổi mới tư duy phát triển. Thái Nguyên đang có cơ hội để xây dựng chiến lược du lịch dài hạn, tạo thương hiệu riêng gắn với bản sắc và sự khác biệt.
Trong đó, tỉnh đã đặt ra định hướng hình thành các cụm du lịch liên kết vùng: du lịch trà xanh tại Tân Cương – La Bằng; du lịch sinh thái tại Ba Bể, Phú Lương; du lịch lịch sử tại ATK; du lịch cộng đồng tại Chợ Đồn, Bảo Lạc... Đặc biệt, ý tưởng xây dựng “Công viên văn hóa trà xanh” không chỉ là điểm nhấn về du lịch mà còn là biểu tượng nhận diện thương hiệu Thái Nguyên.
Tuy nhiên, để bứt phá, tỉnh cần nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn hạ tầng, chất lượng nhân lực và công tác quảng bá. Cơ sở lưu trú tại các điểm đến vẫn còn manh mún, thiếu liên kết; sản phẩm du lịch còn trùng lặp, thiếu chiều sâu; kỹ năng làm du lịch của người dân địa phương còn hạn chế. Cần sự vào cuộc quyết liệt trong đầu tư giao thông kết nối, số hóa điểm đến, đào tạo homestay bài bản, và xây dựng các chiến dịch quảng bá theo hướng chuyên nghiệp, có tầm nhìn.
Điểm mạnh của Thái Nguyên không nằm ở các khu vui chơi hiện đại mà ở sự chân thực, mộc mạc và tử tế của con người, văn hóa, thiên nhiên. Đó là điều tạo nên sức hút lâu dài và bền vững – thứ mà du khách ngày nay đang tìm kiếm: một nơi chạm đến ký ức, cảm xúc và trải nghiệm thật.

Thái Nguyên có đủ điều kiện để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng – sinh thái – văn hóa kiểu mẫu. Nơi đó, du khách không chỉ ngắm cảnh, mà còn sống như người bản địa: uống trà bên gốc chè cổ thụ, nghe Then bên bếp lửa, cùng đi rẫy, hái chè, dự hội làng... Những trải nghiệm giản dị, chân thực ấy nếu được giữ gìn và phát huy sẽ trở thành điểm nhấn khác biệt, tạo nên sức hút bền vững cho du lịch Thái Nguyên.
Thái Nguyên mới – một vùng đất rộng lớn hơn, giàu bản sắc hơn, có tầm nhìn xa hơn – đang bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển. Và du lịch sẽ là nhịp cầu kết nối quá khứ với tương lai, kết nối bản sắc với hiện đại, đưa Thái Nguyên vươn mình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.