Tín dụng tăng gần 10%, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 và định hướng điều hành thời gian tới.
Tín dụng tăng cao, dòng vốn đi đúng hướng
Phát biểu tại họp báo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo phương châm linh hoạt, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và vĩ mô khác, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Tính đến cuối tháng 6/2025, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 – mức tăng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của chính sách giữ nguyên lãi suất điều hành, kết hợp với các biện pháp tín dụng chủ động và linh hoạt. NHNN đã định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, công nghệ, nhà ở xã hội; đồng thời kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro như bất động sản cao cấp và đầu cơ tài sản.

Nổi bật, nhiều gói tín dụng mục tiêu quy mô lớn đã được triển khai: Gói 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ; gói 500.000 tỷ đồng hỗ trợ hạ tầng và chuyển đổi số; gói 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Các chương trình này không chỉ tạo động lực tăng trưởng cho các lĩnh vực then chốt mà còn góp phần ổn định xã hội, bảo đảm an sinh.
Chuyển đổi số – đòn bẩy giảm chi phí, hạ lãi suất
NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số – được xác định là giải pháp căn cơ giúp tiết giảm chi phí vận hành, từ đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Theo thống kê, tỷ lệ giao dịch ngân hàng qua kênh số tại nhiều tổ chức tín dụng đã vượt mốc 95%.
Hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng ấn tượng: giao dịch qua mã QR tăng gần 77% về số lượng và 80% về giá trị; qua Internet tăng 47%; qua điện thoại di động tăng gần 40%. Hạ tầng thanh toán điện tử của ngành ngân hàng được vận hành ổn định, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu người dân và doanh nghiệp.
Ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát
Một trong những trụ cột vững chắc giúp giữ ổn định kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm là sự điều hành hiệu quả của NHNN trong việc kiểm soát tỷ giá và lạm phát. Tỷ giá đồng Việt Nam diễn biến linh hoạt nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhờ sự phối hợp đồng bộ của các công cụ chính sách tiền tệ. Thị trường ngoại tệ vận hành thông suốt, đảm bảo nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế, góp phần ổn định cán cân thanh toán, củng cố niềm tin vào đồng nội tệ và giữ môi trường lạm phát thấp.
Trong nửa cuối năm 2025, NHNN sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm: tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp; điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định thị trường ngoại hối và giữ vững kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục định hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, công nghệ. Song song, ngành ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai các chính sách thử nghiệm tài chính (sandbox), bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động tài chính – ngân hàng.