Kết quả khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc
Ngày 8/7, Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức công bố kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ giai đoạn 2 năm 2025 tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc, thuộc phường Kim Trà, TP Huế.
Trong giai đoạn này, các chuyên gia đã mở hai hố khai quật với tổng diện tích 60m². Cụ thể, một hố được khai quật ở phía Đông tháp Bắc, hố còn lại nằm ở khu vực phía Bắc và Đông của tháp Nam. Đồng thời, hai hố thám sát cũng được mở ở phía Bắc của tháp Bắc và phía Nam của tháp Nam để phục vụ công tác nghiên cứu sâu hơn.

Kết quả khai quật đã giúp xác định rõ mặt bằng, quy mô và kết cấu kiến trúc đền tháp Bắc, đồng thời làm lộ diện một phần cấu trúc mặt bằng của đền tháp Nam. Đặc biệt, tại các hố thám sát, các nhà khảo cổ đã nhận diện được vị trí, khoảng cách và một phần cấu trúc hệ thống tường bao phía Bắc và phía Nam của toàn khu đền tháp.
Theo nhận định của các chuyên gia, Tháp đôi Liễu Cốc là một quần thể kiến trúc đặc biệt, được xây dựng trên gò đất phù sa thấp, nằm gần sông Bồ. Đây là di tích hiếm hoi không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới, với đặc điểm nổi bật là có hai đền tháp thờ chính trong cùng một khu vực. Qua khai quật, bước đầu xác định hai tháp không được xây dựng đồng thời mà có sự chênh lệch về thời gian khoảng từ 10 đến 20 năm.

Về kỹ thuật xây dựng, nền móng của cả hai tháp đều được xử lý kiên cố bằng đất sét pha cát, nén chặt bằng đất Laterite màu đỏ sẫm. Vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch, cho thấy sự đầu tư và kỹ thuật cao trong kiến trúc Chăm cổ.
Qua các dấu tích khảo cổ, các nhà nghiên cứu nhận định rằng sau năm 1306, Tháp đôi Liễu Cốc bắt đầu xuống cấp, không còn được tu bổ. Dù vậy, khu vực này vẫn tiếp tục là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, có thể của cả người Việt và người Chăm.
Đặc biệt, miếu thờ Dương Phi (bà Chúa Tháp) được lập ngay trước tháp Nam. Sau năm 1945, di tích có dấu hiệu hoang phế và bị xâm hại bởi các hoạt động đào phá trái phép.

Song song với việc xác định nền móng kiến trúc, các nhà khảo cổ cũng thu thập được 9.380 tiêu bản và mảnh hiện vật. Các hiện vật này bao gồm vật liệu kiến trúc, mảnh trang trí, bia đá, đồ gốm men, đồ sành, đất nung và cả những mảnh kim loại đồng – góp phần làm rõ đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt và kỹ thuật của cộng đồng cư dân xưa.
Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết: “Tổng diện tích khai quật qua hai giai đoạn mới chỉ đạt 150m², chiếm khoảng 6% trên tổng quy hoạch 2.428m² của toàn khu di tích. Tuy nhiên, kết quả bước đầu đã cung cấp nhiều cứ liệu khoa học quan trọng, mở ra những hướng nghiên cứu mới, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi chưa thể giải đáp trọn vẹn về không gian, lịch sử và tính chất của di tích đặc biệt này".
Từ những phát hiện giá trị, các chuyên gia kiến nghị cần tiếp tục mở rộng quy mô khai quật nhằm làm rõ tổng thể mặt bằng kiến trúc của Tháp đôi Liễu Cốc. Đây cũng sẽ là cơ sở khoa học, tạo tiền đề cho việc thành lập không gian trưng bày chuyên đề hoặc xa hơn là xây dựng một bảo tàng văn hóa Champa tại Huế.