Giao thông

Sang đường thiếu quan sát, họa vô đơn chí

Vũ Đậu 08/07/2025 - 12:43

Bên cạnh các lỗi vi phạm phổ biến như chạy quá tốc độ hay sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, hành vi sang đường không quan sát cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hành vi này xảy ra ở cả người đi bộ lẫn người điều khiển phương tiện và thường để lại hậu quả đau lòng.

Những tình huống "thót tim" trên đường phố

anh-6.jpg
Việc đi bộ qua đường không quan sát gây tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ.

Hằng ngày, trên các tuyến đường, không khó để bắt gặp những tình huống khiến người đi đường “thót tim” khi ai đó bất ngờ băng ngang qua đường mà không hề quan sát. Những hành vi như vậy tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn của chính họ và những người xung quanh.

Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao mới đây đã công bố Bản án số 77/2024/HS-ST của TAND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, một người đi bộ thiếu quan sát khi sang đường đã gây ra tai nạn khiến nạn nhân bị thương tích 90%. Người vi phạm bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ.

Tháng 3/2025, tại Km89, Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, một người điều khiển xe máy điện sang đường bất cẩn đã bị xe đầu kéo cán tử vong. Trước đó, tại khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên), một phụ nữ điều khiển xe máy cắt ngang đầu xe container mà không quan sát, dẫn tới va chạm khiến người đi xe máy bị gãy chân.

Người đi bộ khi tham gia giao thông được xem là nhóm đối tượng yếu thế, tuy nhiên, sự chủ quan của nhóm đối tượng này rất dễ gây ra những hậu quả khó lường. Việc đi bộ qua dải phân cách, băng ngang đường tại nơi không có vạch kẻ, cầu vượt hay hầm chui; vừa đi bộ vừa dùng điện thoại hoặc đeo tai nghe... khiến khả năng quan sát bị hạn chế đáng kể.

Trong khi đó, một số người điều khiển phương tiện lại có hành vi chuyển làn đột ngột không xi nhan, không quan sát gương chiếu hậu; chạy cắt ngang dòng xe đang lưu thông tốc độ cao, dừng đỗ bất ngờ để đón/trả khách hoặc sang đường, quay đầu xe tại những nơi không được phép. Trong bối cảnh xe cộ đông đúc, việc ước lượng khoảng cách, thời gian để sang đường an toàn là rất khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hành vi nguy hiểm này là ý thức kém khi tham gia giao thông. Không ít người có thói quen tùy tiện, không tuân thủ luật lệ, coi nhẹ sự an toàn của bản thân và người khác. Một số trường hợp không hiểu rõ các quy định về vạch kẻ đường, biển báo và luật sang đường.

Tâm lý vội vàng, thiếu kiên nhẫn hoặc bị ảnh hưởng bởi hành vi của đám đông cũng góp phần khiến người tham gia giao thông sang đường thiếu quan sát. Việc sử dụng điện thoại trong lúc đi bộ hay lái xe làm giảm khả năng phản ứng kịp thời. Một số người còn thiếu các kỹ năng giao thông cơ bản, không biết cách xử lý "điểm mù" khi quay đầu hay sang đường.

Ngoài nguyên nhân chủ quan, yếu tố khách quan như hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ cũng góp phần làm gia tăng các hành vi vi phạm. Tại nhiều khu vực ngoại thành, khu công nghiệp hay tuyến đường mới mở, thiếu vạch kẻ đường, đèn tín hiệu, tầm nhìn bị che khuất... khiến người dân khó xác định vị trí sang đường an toàn. Thậm chí, do không có cầu vượt hay hầm chui, người đi bộ buộc phải băng qua làn xe đông đúc.

Hậu quả của hành vi sang đường thiếu quan sát có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và trật tự, an toàn xã hội. Đối với nạn nhân và gia đình, đó là nỗi đau mất mát, gánh nặng kinh tế và tinh thần. Đối với người gây tai nạn, đó là áp lực tâm lý, cảm giác dằn vặt và nguy cơ bị xử lý pháp luật. Tình trạng này còn khiến việc quản lý đô thị thêm phức tạp, làm giảm hiệu quả lưu thông và tạo ra hình ảnh xấu trong văn hóa giao thông.

Chế tài nghiêm, ý thức là then chốt

Đối với hành vi thiếu chú ý quan sát khi tham gia giao thông, pháp luật về giao thông đường bộ đã quy định rõ về trách nhiệm hành chính và hình sự khi vi phạm. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển ô tô bị phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, người điều khiển xe mô tô bị phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe nếu không chú ý quan sát gây tai nạn giao thông.

Trường hợp lái xe không chú ý quan sát gây hậu quả nghiêm trọng, người điều khiển phương tiện có thể bị phạt tù từ 1 đến 15 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm…

Nghị định số 168 thay thế Nghị định 100 đã tăng mức xử phạt người điều khiển xe ô tô không chú ý quan sát lên 20 đến 40 triệu đồng; người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy phạm lỗi này từ 10 đến 14 triệu đồng.

Phạt tiền từ 150.000 đồng - 250.000 đồng đối với người đi bộ có hành vi không đi đúng phần đường quy định, qua đường không đúng nơi quy định, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, vạch kẻ đường. Phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người quản lý, bảo trì đường cao tốc)...

Chế tài đã có, các cơ quan chức năng thời gian qua cũng tăng cường tuyên truyền đến người dân về các biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cũng như xử lý mạnh tay với các trường hợp vi phạm, song tình trạng không chấp hành vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Giải pháp từ nhiều phía

Giao thông ở Việt Nam nói chung là hệ thống giao thông hỗn hợp, chính vì vậy, bất kỳ lỗi chủ quan nào cũng dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Để góp phần giảm thiểu các hành vi trên, các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ từ nhiều phía: giáo dục, hạ tầng, thực thi pháp luật và nâng cao ý thức cộng đồng; trong đó, nâng cao ý thức và giáo dục pháp luật giao thông là giải pháp cốt lõi và mang tính bền vững nhất.

Người đi bộ chỉ nên sang đường tại nơi có đèn tín hiệu, vạch kẻ hoặc cầu vượt, hầm chui. Ở những nơi không có chỉ dẫn, phải quan sát kỹ, không băng ngang một cách bừa bãi. Người điều khiển phương tiện phải giữ khoảng cách an toàn, tuân thủ quy định về tốc độ, không sử dụng điện thoại khi đang lái xe.

Trong trường học, nội dung giáo dục an toàn giao thông nên được tích hợp vào chương trình học từ mầm non đến trung học. Các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi, diễn đàn… cần được tổ chức thường xuyên nhằm thu hút sự tham gia của học sinh.

Gia đình, nhà trường và xã hội cần làm gương trong tuân thủ pháp luật. Song song, các cơ quan chức năng cần bổ sung hệ thống vạch kẻ đường, đèn tín hiệu rõ ràng; xây dựng thêm cầu vượt, hầm chui; lắp đặt camera giám sát, chiếu sáng đủ tại các khu vực sang đường đông đúc; bố trí rào chắn, dải phân cách để ngăn sang đường tùy tiện; loại bỏ vật cản che khuất tầm nhìn như cây cối, biển quảng cáo.

Tăng cường tuần tra, xử phạt nghiêm vi phạm, ứng dụng công nghệ để xử phạt nguội. Có thể yêu cầu người vi phạm tham gia khóa học về an toàn giao thông để nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông bằng hình ảnh, video thực tế có tác động mạnh, tổ chức các buổi tuyên truyền ở cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp.

Khuyến khích người dân chủ động phản ánh các bất cập về hạ tầng hoặc hành vi vi phạm. Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng hệ thống cảnh báo thông minh, từng bước hình thành văn hóa giao thông an toàn, văn minh.

Vũ Đậu