Kết quả Phiên họp thứ 28 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Chiều 7/7, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức buổi làm việc thông báo kết quả Phiên họp thứ 28 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Chủ trì buổi làm việc có ông Nguyễn Hữu Đông, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đặng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.
Tại buổi làm việc với các cơ quan thông tấn, báo chí, ông Đặng Văn Dũng thông báo tóm tắt kết quả Phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).
Theo đó, sáng nay (7/7), tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực họp Phiên thứ 28 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phiên họp đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo tình hình, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong 06 tháng đầu năm 2025 và nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm cùng một số nội dung quan trọng khác.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được triển khai quyết liệt, có nhiều chuyển biến mới
Từ đầu năm 2025 đến nay, mặc dù phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng, cấp bách, mang tính chiến lược. Đặc biệt là hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đồng thời, chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo, công tác vẫn được triển khai tốt. Trong đó có nhiều chủ trương, quan điểm chỉ đạo mới của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng. Các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC) cấp tỉnh cũng góp phần quan trọng.
Nhờ vậy, công tác PCTNLPTC tiếp tục được triển khai quyết liệt, có nhiều chuyển biến mới. Ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; các cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm.
Từ đầu năm 2025 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 230 tổ chức đảng và 7.235 đảng viên; Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 11 cán bộ diện Trung ương quản lý. Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm và các chuyên đề, vụ việc Ban Chỉ đạo giao.
Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 9.533 tỷ đồng và 617 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 381 tập thể và 1.083 cá nhân; chuyển Cơ quan điều tra 28 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định.
Thanh tra Chính phủ chỉ trong thời gian ngắn, chưa đầy 03 tháng đã hoàn thành thanh tra, kiến nghị xử lý nhiều sai phạm tại 02 dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức theo kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo.
Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã chủ động nhận diện, phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong các lĩnh vực gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế và tính mạng, sức khỏe của nhân dân, đến quyền lợi của người lao động; có sự câu kết, móc nối giữa doanh nghiệp, bị can với cán bộ thoái hóa, biến chất trong các cơ quan Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận; khởi tố, điều tra một số vụ án gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản Nhà nước, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa mạnh mẽ, theo đúng tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Trong giai đoạn xét xử, nhiều bị cáo và gia đình tự nguyện nộp lại hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố mới 1.776 vụ/4.038 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã kết luận điều tra 07 vụ án/127 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 05 vụ án/87 bị can; xét xử sơ thẩm 07 vụ án/94 bị cáo; xét xử phúc thẩm 09 vụ án/221 bị cáo. Nhất là, đã mở rộng điều tra, khởi tố mới 02 vụ án; khởi tố thêm 40 bị can từ 08 vụ án; kết thúc điều tra vụ án xảy ra tại tập đoàn Thuận An; ban hành cáo trạng truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn; xét xử sơ thẩm, phúc thẩm một số vụ án trọng điểm theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả. Riêng các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong giai đoạn điều tra, đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa, thu giữ số tài sản trị giá trên 313 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; đặc biệt, trong giai đoạn xét xử, nhiều bị cáo và gia đình tự nguyện nộp lại hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án (Như vụ án xảy ra tại tập đoàn FLC, bị cáo Trịnh Văn Quyết và gia đình đã nộp hơn 2.500 tỷ đồng: vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn, bị cáo Nguyễn Văn Hậu đã nộp khắc phục toàn bộ hậu quả thiệt hại hơn 1.179 tỷ đồng;...); trong giai đoạn thi hành án dân sự đã thu hồi gần 7.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là 103.854 tỷ đồng (đạt 51,57%).
Các Ban Chỉ đạo PCTNLPTC cấp tỉnh đã chỉ đạo triển khai khá toàn diện các nhiệm vụ, cả phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Theo đó, đã đưa 53 vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo; các cơ quan chức năng địa phương đã xử lý kỷ luật 43 người đứng đầu do tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 21 trường hợp bị xử lý hình sự; đã khởi tố mới 416 vụ án/1.207 bị can về các tội tham nhũng, tiêu cực; nhiều địa phương đã xử lý kỷ luật, khởi tố bị can là cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Trong những tháng cuối năm 2025 và trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu công tác PCTNLPTC phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, tập trung chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2025 và các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu, trong đó:
Tập trung chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, quan điểm về PCTNLPTC được ban hành từ đầu nhiệm kỳ XIII của Đảng đến nay. Tập trung hoàn thành việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi.
Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, có phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án, công trình chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí, chỉ đạo xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với 02 dự án 2 Bệnh viện Trung ương; các dự án năng lượng tái tạo; dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Tập trung điều tra, phấn đấu xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đảm bảo đến hết nhiệm kỳ XIII cơ bản không còn tồn đọng những vụ, việc cũ.
Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc xảy ra tại tập đoàn Thuận An, Tổng Công ty xi măng Việt Nam, dự án sân bay Nha Trang, 02 dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức,...

Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực liên quan đến công tác bố trí, sắp xếp cán bộ và quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong và sau sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Khẩn trương kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNLPTC cấp tỉnh và các cơ quan chức năng PCTNLPTC ở các địa phương sau hợp nhất, sáp nhập; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm soát quyền lực, PCTNLPTC trong tổ chức và hoạt động ở cấp cơ sở, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chấn chỉnh tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên, đùn đẩy, trì hoãn giải quyết công việc, gây ách tắc, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước, của người dân, doanh nghiệp.
Chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động công vụ; khẩn trương xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia, tích hợp các dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm đồng bộ, liên thông, dễ khai thác, sử dụng để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán trên dữ liệu nhằm phát hiện, cảnh báo sớm, ngăn chặn kịp thời vi phạm.
Chỉ đạo tổng kết toàn diện từ chi bộ, cơ sở đảng về công tác PCTNLPTC nhiệm kỳ Đại hội XIII, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về công tác PCTNLPTC trước thềm Đại hội XIV của Đảng; từ đó bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, định hướng lớn về PCTNLPTC trong Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Qua nghe báo cáo tóm tắt kết quả Phiên họp thứ 28, đại diện các cơ quan báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan và được các đồng chí chủ trì buổi làm việc trả lời đầy đủ, cụ thể, thuyết phục.
Tòa án đã tiến hành xét xử sơ thẩm, phúc thẩm một số vụ án trọng điểm theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Điển hình như: Hoàn thành xét xử sơ thẩm các vụ án: Vụ án xảy ra tại Dự án Sài Gòn - Đại Ninh (Lâm Đồng); vụ án xảy ra tại Dự án KĐT du lịch biển Phan Thiết, phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu máy tính VN, Bộ Thông tin và Truyền thông: vụ án xảy ra tại tập đoàn Thái Sơn, công ty CP Đất hiếm Việt Nam; vụ án xảy ra tại Tổng công ty Chè Việt Nam; vụ án xảy ra dự án Khu dân cư Tân Thịnh, xã Đồi 61, Đồng Nai; vụ án xảy ra tại Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam;...
Hoàn thành xét xử phúc thẩm các vụ án: Vụ án xảy ra tại tập đoàn FLC; vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm một số địa phương: vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB; vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil;…