Giao thông

Xây dựng văn hóa giao thông bền vững từ hiệu ứng đám đông

Nhật Minh 07/07/2025 - 06:25

Tâm lý đám đông - thứ tưởng chừng vô hình - lại là sợi dây siết chặt hành vi cá nhân, khiến nhiều người dễ dàng trượt khỏi khuôn khổ pháp luật. Nhưng theo các chuyên gia, chính hiệu ứng ấy lại mở ra cơ hội đặc biệt để xây dựng văn hóa giao thông mới, nếu biết điều hướng đúng cách.

Khi cá nhân bị cuốn vào “bẫy hành vi tập thể”

Trong nhịp sống hối hả nơi phố thị, đèn đỏ đôi khi bị xem nhẹ như một lời nhắc nhở hơn là mệnh lệnh buộc phải dừng lại. Thậm chí nhiều khi, đèn đỏ chỉ còn là tín hiệu… “gợi ý dừng”, không đủ sức giữ chân cả dòng người vội vã. Theo hiệu ứng đám đông, một người vượt, hai người vượt… rồi rất nhiều chủ xe nhìn trước ngó sau, cùng nhau “xé luật”.

Hiện tượng tâm lý đám đông trong tham gia giao thông không đơn thuần là sự “bắt chước” bộc phát, mà là kết quả của một quá trình hình thành hành vi tập thể mang tính dây chuyền, chịu sự chi phối của nhiều cơ chế tâm lý đặc thù. Điều này lý giải vì sao, ở nhiều nút giao thông, chỉ cần một người vượt đèn đỏ là lập tức kéo theo cả đoàn xe nối gót, bất chấp luật lệ và nguy hiểm.

anh-28.jpg
Đây là bức ảnh được một Fanpage dẫn lại từ tờ Dân Trí, đăng tải hồi đầu năm 2021. Trong ảnh: Tại ngã tư Nguyễn Khang - Trần Duy Hưng (Hà Nội), trong một nhịp tín hiệu 99 giây đã ghi nhận 87 xe gắn máy và ôtô vượt đèn đỏ.

Học thuyết Deindividuation (mất cá nhân hóa) của Leon Festinger chỉ ra rằng, khi một người hòa mình vào đám đông, họ rất dễ đánh mất cảm giác trách nhiệm cá nhân. Điều này đặc biệt rõ nét trong môi trường giao thông đô thị. Một người đi xe máy đứng chờ đèn đỏ đơn độc thường sẽ tuân thủ vì sợ bị phạt hoặc đơn giản vì ý thức. Nhưng khi xung quanh họ xuất hiện hàng chục phương tiện cùng nhau nhích lên và vượt đèn đỏ, họ rất dễ bị cuốn theo mà không cảm thấy áy náy hay lo sợ. Đám đông trong trường hợp này trở thành “tấm lá chắn vô hình”, khiến mỗi cá nhân cảm thấy mình chỉ là một phần nhỏ bé, không đủ để gánh trách nhiệm cho hành vi sai trái.

Lý thuyết Conformity (tâm lý thuận tòng tập thể) của Solomon Asch cũng cho thấy, con người thường có xu hướng điều chỉnh hành vi, niềm tin cá nhân sao cho hòa hợp với chuẩn mực nhóm, ngay cả khi chuẩn mực đó rõ ràng là sai trái. Thực tế giao thông ở Việt Nam có không ít ví dụ điển hình cho hiện tượng này. Một làn đường vốn chỉ dành cho xe thô sơ nhưng khi thấy hàng dài xe máy tràn vào, cá nhân dù biết vi phạm vẫn tự biện minh rằng "ai cũng đi như vậy, mình mà không đi sẽ bị kẹt lại". Hành vi sai trái, nhờ đó, dần được hợp lý hóa, biến thành một thứ chuẩn mực lệch chuẩn, tồn tại dai dẳng theo thời gian.

Một yếu tố khác góp phần làm lan rộng vi phạm là nỗi sợ bị khác biệt trong tập thể. Khi dòng người ùn ùn leo lên vỉa hè tránh kẹt xe, người đi đúng luật ở lại giữa đường bỗng thấy mình lạc lõng, thậm chí lo sợ bị xem là “kẻ ngáng đường”. Tình trạng này bản thân người viết từng rất nhiều lần chứng kiến và… tham gia mỗi lần di chuyển qua cầu Chương Dương để vào nội thành mỗi sáng cao điểm.

Trong nhiều cuộc trò chuyện khác nhau với một số chuyên gia tâm lý, mỗi lần nói về hiệu ứng tâm lý đám đông, người viết thường nhận được những câu rất “sách vở”, nhưng rất thực tế: Hiệu ứng đám đông càng mạnh khi cá nhân có cảm giác mình đang bị tách biệt hoặc có nguy cơ mắc kẹt trong một tình huống mà đám đông đang hành động theo hướng hoàn toàn ngược lại. Chính nỗi lo bị “dị biệt” này khiến nhiều người dễ dàng buông bỏ nguyên tắc và hòa vào dòng chảy hỗn loạn!

Đáng lo ngại hơn là hiện tượng lan tỏa trách nhiệm, hay còn gọi là “gây mê tâm lý”. Khi cùng hành động trong một tập thể đông đúc, cá nhân cảm thấy nguy cơ bị phát hiện và xử phạt thấp hơn nhiều so với khi hành động đơn lẻ. Đây là nguyên nhân khiến rất nhiều người có thể vi phạm đồng loạt ở một nút giao thông mà gần như không ai lo sợ bị xử phạt. Bởi, theo diễn biến tâm lý, lúc này nhiều người sẽ cùng nghĩ rằng: “Đông thế này, sao mà phạt hết được”, hay “nếu bị phạt thì cả đám cùng chịu thôi”, v.vv… Và chính hiệu ứng “gây mê tâm lý” này vô hình trung làm mờ nhạt tính răn đe của các quy định pháp luật, khiến hành vi vi phạm giao thông không còn là hành vi nhất thời mà trở thành một thói quen xấu mang tính dây chuyền.

Biến hiệu ứng đám đông thành giải pháp xây dựng văn hóa giao thông

Suốt nhiều năm qua, hiệu ứng đám đông thường được nhìn nhận như một trong những nguyên nhân sâu xa khiến tình trạng vi phạm luật giao thông tại Việt Nam kéo dài dai dẳng. Nó phản ánh đặc điểm tâm lý điển hình của xã hội Á Đông, nơi sự thuận tòng tập thể và xu hướng hành xử dựa trên hành động của số đông chi phối mạnh mẽ. Liệu chúng ta có thể biến những hành vi vi phạm giao thông do hiệu ứng đám đông thành giải pháp để kiến tạo văn hóa giao thông tương lai?

Các nghiên cứu tâm lý xã hội chỉ ra rằng đám đông vốn dĩ không mang giá trị tích cực hay tiêu cực cố định. Vấn đề nằm ở nội dung mà đám đông cùng nhau lan truyền. Nếu hành vi lệch chuẩn chiếm ưu thế, đám đông sẽ khuếch đại sự lệch chuẩn. Nhưng khi các giá trị tích cực được củng cố và thực thi đồng loạt, đám đông lại trở thành lực lượng gia cố chuẩn mực, buộc từng cá nhân đơn lẻ phải điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Nhận thức này mở ra một hướng đi mới, thay vì tìm cách chống lại đám đông, cần khai thác chính sức mạnh lan truyền của nó để phục vụ việc xây dựng văn hóa giao thông bền vững.

Từ các mô hình quốc tế, có thể rút ra nhiều bài học đáng giá. Singapore nổi tiếng với hệ thống xử phạt nghiêm minh và việc xây dựng hình ảnh cộng đồng mẫu mực thông qua truyền thông liên tục. Nhật Bản lại tận dụng tâm lý “Haji” (cảm giác xấu hổ khi vi phạm) để duy trì sự tuân thủ ở mức gần như tuyệt đối. Dù cách làm khác nhau, nhưng điểm chung là sự nhất quán trong thực thi pháp luật và truyền thông khéo léo nhằm kích hoạt cảm xúc cộng đồng.

Muốn hiệu ứng đám đông trở thành giải pháp, chiến lược cần mang tính đồng bộ và dài hơi. Việc xây dựng những tuyến đường kiểu mẫu, khu phố kiểu mẫu nơi cả cộng đồng cùng cam kết tuân thủ tuyệt đối luật lệ sẽ tạo ra các “điểm nhấn tập thể” đủ sức lan tỏa. Khi những địa điểm này trở thành hình mẫu nổi bật và liên tục được nhấn mạnh qua các kênh truyền thông, đám đông ở những khu vực khác sẽ tự động có xu hướng bắt chước theo những hành vi tích cực.

anh-27.jpg
Chuyên gia xã hội học - PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Bên cạnh đó, cần gắn việc tuân thủ luật giao thông với những hệ giá trị xã hội cao hơn như lòng tự hào dân tộc hay văn minh đô thị. Những thông điệp như “Đi đúng luật là yêu nước”, “An toàn giao thông là thành công của cộng đồng” sẽ giúp củng cố tinh thần tự giác, biến tuân thủ thành thước đo danh dự thay vì chỉ là nghĩa vụ pháp lý. Truyền thông cần đi đôi với sự sáng tạo và gần gũi, không chỉ dừng lại ở việc phanh phui vi phạm mà còn tôn vinh những tấm gương gương mẫu, tận dụng tối đa sức lan tỏa của mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến.

Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, việc phát triển công nghệ giám sát thông minh cũng góp phần quan trọng. Những hệ thống camera hiện đại và ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ giúp phát hiện vi phạm kịp thời mà còn có thể tạo ra các bảng xếp hạng giao thông an toàn hoặc ứng dụng thưởng điểm cộng đồng, giúp biến tuân thủ thành xu hướng lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình - chuyên gia xã hội học về vấn đề xây dựng văn hóa giao thông từ chính hiệu ứng đám đông, ông cho biết: “Văn hóa giao thông không chỉ bắt nguồn từ nhận thức cá nhân, mà còn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tập tính cộng đồng - nơi hiệu ứng đám đông chi phối hành vi theo hướng rất rõ rệt. Khi hành vi thiếu ý thức như lấn làn, vượt đèn đỏ hay phóng nhanh được số đông thực hiện mà không bị xử lý, nó dễ dàng trở thành "chuẩn mực mới", tạo nên sự "dung túng" xã hội một cách vô thức.

Ngược lại, nếu chúng ta biết cách khơi dậy những hình mẫu tích cực - như nhường đường, đội mũ bảo hiểm đúng cách, hay ứng xử có văn hóa khi va chạm - và lan tỏa rộng rãi qua truyền thông, giáo dục, thì chính hiệu ứng đám đông sẽ trở thành công cụ đắc lực để nuôi dưỡng hành vi chuẩn mực trong xã hội. Xây dựng văn hóa giao thông, vì thế, không thể chỉ dừng ở việc phạt và nhắc, mà cần xây dựng một không gian xã hội nơi những hành vi văn minh được nhìn thấy, được tôn vinh và được làm theo”.

Nhật Minh