Bất động sản

Hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

N.T.D 04/07/2025 - 11:34

Nghị định quy định rõ việc, chủ đầu tư phải thực hiện kiểm soát chất lượng toàn diện từ khảo sát, thiết kế, thi công đến nghiệm thu, tuân thủ các quy định về an toàn, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ngày 3/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 192/2025/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 201/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhiều quy định mới liên quan đến thủ tục đầu tư, xác định giá bán, thuê mua và kiểm soát chất lượng công trình.

hanh-lang-phap-ly-thuc-day-phat-trien-nha-o-xa-hoi-1-.png
Ảnh minh hoạ PV tạo bằng AI.

Giao chủ đầu tư không qua đấu thầu, siết quy trình định giá và thu tiền

Nghị định nêu rõ: đối với dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không sử dụng vốn đầu tư công, việc giao chủ đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư có thể được thực hiện đồng thời và không cần qua đấu thầu.

Về giá bán, giá thuê mua, chủ đầu tư có trách nhiệm tự xây dựng và thuê đơn vị tư vấn đủ điều kiện thẩm tra, trước khi phê duyệt. Giá bán, giá thuê mua phải được gửi tới Sở Xây dựng để công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Xây dựng.

Đặc biệt, chủ đầu tư không được thu quá 95% giá trị hợp đồng cho đến khi người mua được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hoàn tất việc hoàn trả chênh lệch (nếu có). Trường hợp kết quả kiểm toán cho thấy giá thực tế thấp hơn giá hợp đồng, chủ đầu tư bắt buộc hoàn trả phần chênh lệch cho người mua hoặc thuê mua.

Kiểm toán bắt buộc, giám sát chặt giá bán

Trong vòng 180 ngày kể từ khi công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng, chủ đầu tư phải thực hiện kiểm toán (Nhà nước hoặc độc lập) và gửi hồ sơ đến Sở Xây dựng để kiểm tra lại giá bán, giá thuê mua.

Trong vòng 30 ngày kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Xây dựng có trách nhiệm đưa ra ý kiến chính thức bằng văn bản và công khai thông tin này. Trường hợp có chênh lệch so với giá đã ký hợp đồng, chủ đầu tư phải xử lý đúng theo quy định, không được thu thêm hoặc giữ lại phần chênh lệch.

Kiểm soát, phòng chống trục lợi chính sách

Nghị định quy định trách nhiệm toàn diện của chủ đầu tư trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng và tính chính xác trong hồ sơ đầu tư, xác định giá bán. Các tổ chức kiểm toán, tư vấn thẩm tra cũng chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả của mình.

Chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại nếu có.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ, các bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ tổ chức theo dõi, thanh tra và xử lý vi phạm, đồng thời giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo liên quan việc triển khai dự án.

Tăng trách nhiệm kiểm soát chất lượng công trình

Nghị định cũng quy định rõ việc, chủ đầu tư phải thực hiện kiểm soát chất lượng toàn diện từ khảo sát, thiết kế, thi công đến nghiệm thu, tuân thủ các quy định về an toàn, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Trong trường hợp công trình có dấu hiệu mất an toàn hoặc bị phản ánh về chất lượng, chính quyền địa phương có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo đúng quy định.

N.T.D